Phong tục kỳ lạ của người Anh xưa: Mang vợ ra chợ... bán

Bảo Anh Thứ tư, ngày 15/02/2023 19:31 PM (GMT+7)
Nhiều người không tin nhưng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật. Cho đến đầu những năm 1900, tất cả đàn ông ở Anh đều được phép bán vợ công khai cho người trả giá cao nhất.
Bình luận 0

Nhiều người không tin nhưng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật. Cho đến đầu những năm 1900, tất cả đàn ông ở Anh đều được phép bán vợ công khai cho người trả giá cao nhất.

Vào tháng 4/1832, anh nông dân Joseph Thomson đưa vợ ra khu chợ ở thành phố cũ Carlisle để rao bán. Trước sự chứng kiến của đám đông, Thomson ngồi trên một chiếc ghế gỗ sồi lớn, cầm trên tay sợi dây thừng quấn quanh cổ vợ và nói: “Thưa các quý ông, tôi xin giới thiệu vợ tôi Mary Anne Thomson, trước đây là Williams, người tôi sẽ bán cho ai trả giá cao nhất và tốt nhất. Tôi lấy cô ta để thỏa mãn ham muốn của bản thân và chăm lo cho gia đình nhưng cô ta giờ đã trở thành một kẻ khó ưa, một lời nguyền và quỷ dữ”.

Phong tục kỳ lạ của người Anh xưa: Mang vợ ra chợ... bán - Ảnh 1.

Phong tục kỳ lạ của người Anh xưa: Mang vợ ra chợ... bán

Thomson nói thêm: “Mary cũng có những mặt tốt. Cô ta có thể đọc tiểu thuyết và vắt sữa bò. Cô ta cười khóc dễ dàng như khi các ngài uống cạn một cốc bia để giải khát. Cô ta có thể làm bơ, đốc thúc người giúp việc, và hát các giai điệu Moore. Mary không giỏi nấu rượu nhưng cô ta thử và đánh giá chất lượng rượu rất chính xác. Do đó, tôi xin ra giá là 15 si – ling”. Cuộc đấu giá kéo dài trong một giờ đồng hồ và Mary được bán cho Henry Mears với giá 1 bảng Anh cộng thêm một chú chó Newfoundland.

Kỷ nguyên vàng

“Rao bán vợ” phổ biến nhất vào giữa những năm 1780 – 1850. Theo sử ký, gần 300 phụ nữ đã bị bán trong thời kỳ này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng con số thực còn lớn hơn do rất nhiều cuộc đấu giá đã diễn ra bí mật.

Mục đích của tổ chức đấu giá công khai là để mọi người ngầm công nhận vai trò và trách nhiệm của người đàn ông đã kết thúc. Người chồng sẽ không còn phải lo cái ăn và chỗ ở cho người vợ cũ sau khi đã bán cô ta cho một người đàn ông khác. Mặc dù vậy, về mặt pháp luật và đối với nhà thờ, hai người này vẫn còn quan hệ vợ chồng.

Một trong những “thương vụ” bán vợ đầu tiên được ghi chép bắt đầu vào năm 1733 ở Birmingham, miền trung nước Anh. Báo địa phương đưa tin, người đàn ông có tên Samuel Whitehouse đã bán người vợ có tên Mary cho Thomas Grifiths tại một khu chợ sau khi thống nhất mức giá cuối cùng 5 si – linh và 6 xu. Thỏa thuận “nhượng vợ” của Samuel có ghi rõ Grifiths phải chấp nhận Mary bằng cả con người cô ấy, bao gồm cả những tật xấu.

Cũng có thời kỳ, giá của những người vợ khá rẻ mạt. Năm 1801, một người phụ nữ được mua lại với giá chỉ một xu. Thậm chí, có người đàn ông còn chấp nhận đổi một nửa đời mình chỉ để lấy một thùng bia. Đôi khi những người vợ cũng được định giá dựa trên cân nặng của họ.

Lối thoát cho hôn nhân bế tắc

Sau khi tòa án ly hôn đầu tiên được thành lập ở Anh vào năm 1857, việc bỏ vợ trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém. Ở thế kỷ 19, mức án phí ly hôn có thể lên đến 3.000 bảng Anh (tương đương 20.000 USD ngày nay) do nghị viện phải lập một bộ luật dành riêng cho những người vợ hợp pháp. Đối với các quận nghèo như West Midlands, ly hôn theo kiểu truyền thống là điều gần như không thể, do đó các ông chồng đã chọn cách rao bán vợ của mình như một món hàng.

Theo thông lệ, đàn ông “dắt” vợ ra chợ bán với một chiếc dây thừng tròng quanh cổ hoặc quấn quanh eo giống như vật nuôi. Người vợ sẽ đeo sợi dây đó cho đến lúc về nhà chồng mới và chỉ tháo ra sau khi đã bước qua ngưỡng cửa. Tập tục này thường thấy ở các vùng nông thôn Anh trong những năm 1800. Cuộc trả giá diễn ra trong khung cảnh hỗn loạn, đám đông tụ họp chế giễu và cười đùa, trong đó những người đàn ông độc thân tranh nhau hét giá. Một khi thỏa thuận mua bán được thông qua, các bên liên quan và hầu hết đám đông sẽ đến quán rượu trong vùng để ăn mừng. Các anh chồng sẽ dùng số tiền bán vợ để mời mọi người trong quán, bao gồm cả vợ cũ và chồng mới của cô ta. “Rao bán vợ” không chỉ cách nhanh nhất và đơn giản nhất để các cặp vợ chồng ly thân mà còn là trò tiêu khiển cho dân làng.

Mặc dù bị đối xử tồi tệ nhưng những người phụ nữ này không có vẻ gì là oan ức, thậm chí họ còn tình nguyện để bị bán. Trên thực tế, đa số cuộc rao bán đều có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Một người phụ nữ bị đem đi đấu giá ở Wenlock năm 1830 đã viết một dòng nhắn nhủ cho chồng rằng “tôi sẽ được bán, tôi muốn thay đổi” sau khi anh này thay đổi ý định. Rất nhiều trường hợp, phụ nữ được nhượng lại cho chính người tình của họ với cái giá được thỏa thuận trước khi đấu giá công khai.

Ly hôn vợ thông qua rao bán không hoàn toàn hợp pháp, song chính quyền địa phương thường làm ngơ cho qua, trong khi phía nhà thờ và chính quyền ra sức phản đối. Sau này, khi việc rao bán phụ nữ dần bị hạn chế, nhiều người đàn ông phải ra hầu tòa và lĩnh án phạt lên tới 6 tháng tù giam. Năm 1855, việc mua bán phụ nữ đặc biệt không còn được ủng hộ như trước. Tại thị trấn Chipping Norton ở Costwolds, một người đàn ông bán vợ của mình và nhận được 25 bảng Anh, một khoản tiền hời với giá khởi điểm chỉ 25 xu. Ba đêm đầu tiên sau cuộc đấu giá, người vợ và chồng mới bị dân làng mắng chửi thậm tệ. Đến đêm thứ ba, khi hình nộm rơm bị đốt trước cửa nhà, anh chồng mới đành phải chịu thua và trả thêm tiền để chồng cũ mang cô vợ trở về nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem