|
Các phóng viên “3 trong 1” trao đổi kinh nghiệm tại một cuộc gặp gỡ. Lê Văn Chương |
Số lượng phóng viên không chuyên trong quân đội hiện khá lớn. Lý do là vì các tỉnh, thành đều mở chuyên mục "Quốc phòng toàn dân", "Vì chủ quyền an ninh biên giới biển đảo", chuyên mục "Biển đảo" trên đài truyền hình, đài phát thanh và báo viết với định kỳ 1- 4 số/tháng.
Bấm camera, giơ máy chụp ảnh...
Trong cùng một sự kiện, phóng viên “3 trong 1” phải thao tác nhanh như chớp, không để lỡ thời cơ. Tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn vừa rồi, thấy một phóng viên áo lính vác chiếc camera hơn chục ký trên vai, cổ lòng thòng chiếc máy ảnh, mồ hôi đầm đìa... thấy thật cực khổ. Ít ai biết rằng, đó là công việc như cơm bữa của phóng viên “3 trong 1”. Rất đông các đồng nghiệp báo chí đã nói vui: “Chuyến công tác này hoàn thành, tụi mình đề nghị cấp trên phong đại úy cho cậu luôn”.
Phóng viên “3 trong 1” - thực sự là những phóng viên chiến trường giữa thời bình. Một yêu cầu bắt buộc đối với họ là tác phong đa năng và thiện chiến như một người lính xung trận.
Chị Hoàng Thị Ly Na - hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng. Cũng giống như nhiều đồng đội khác, cô nhà báo mảnh mai vừa tròn 24 tuổi này đang kiêm một lúc nhiều thứ: Viết kịch bản, quay phim, viết lời bình, dựng hình, lên hình, biên tập.
Mỗi chương trình 20 phút, làm 4 số/tháng (đó là chưa kể phát thanh và báo viết). Anh Nguyễn Văn Vinh hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Nam, địa bàn hoạt động vừa tuyến biển, vừa tuyến rừng, mỗi tháng đều đặn lo nội dung để phát sóng 2 kỳ. Mỗi chuyến lên rừng xuống biển, anh phải "gánh" đủ thông tin để thực hiện chuyên mục.
Mất máy vì... thần biển
Quay phim, chụp ảnh, ghi chép... làm một lúc nhiều việc, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Khắc phục hạn chế này, phương châm của nhiều phóng viên “3 trong 1” là chọn đúng thời điểm, máy luôn sẵn sàng. Một phóng viên kể: Trong chương trình trao thưởng thì phải đặt camera trên chân máy chọn cỡ cảnh, thò tay bật máy ảnh, một tay còn lại bấm nút quay... Đại loại là, gặp bối cảnh nào họ cũng phải tính toán thật kỹ, may ra có thể hoàn thành công việc theo kiểu “3 trong 1”.
Đại úy Nguyễn Trọng Thiết - phóng viên của Quân chủng Hải quân có tiếng quay đẹp, viết hay. Anh chính là tác giả của phóng sự "Bản lĩnh DK 1" (tác phẩm đoạt huy chương vàng trong Liên hoan truyền hình toàn quân năm 2009).
Anh kể về quá trình gian nan để có được những thước phim hay, làm xúc động người xem: "Mình theo tàu ra Trường Sa tổng cộng là 7 chuyến, mỗi chuyến hơn 10 ngày. Trong chuyến đi vào dịp Tết vừa qua, tàu gặp bão trên biển, phải gồng mình chịu đựng 33 ngày gian nan vất vả. Đến khi bước chân lên bờ, mấy ngày sau tôi vẫn có cảm giác lâng lâng như đi trên sóng".
Tai nạn nghề nghiệp với phóng viên “3 trong 1” không ít. Một đồng nghiệp là phóng viên của Bộ đội Biên phòng ở phía Nam kể lại cú tai nạn nghề nghiệp trong khi tác nghiệp của mình: Khi trèo lên thuyền tác nghiệp giữa biển, một con sóng đã hất văng anh xuống mạn thuyền, riêng chiếc camera của anh thì đập vào thành cabin và rơi luôn xuống biển.
Còn có đồng nghiệp khác thì do chạy quá nhanh, chiếc camera đeo bên trái và chiếc máy ảnh đeo bên phải đập vào nhau. Hậu quả, một chiếc "hy sinh". Để có được "khoảnh khắc vàng" thì những cú tai nạn nghề nghiệp thỉnh thoảng vẫn xảy ra với phóng viên “3 trong 1”.
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.