Quá xa so với giá cả
Ngày 20.5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, tính theo số buổi thực tế luyện tập, các nghệ sĩ được hưởng 4 mức: 35.000 - 50.000 - 60.000 - 80.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế cũng gồm 4 mức như vậy. Từ 80.000 - 120.000 - 160.000- 200.000 đồng/buổi diễn. Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn được áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu…
Các nghệ sĩ tham gia vở kịch “Tất cả đều là con tôi” của Nhà hát kịch Tuổi trẻ
công diễn ngày 26.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.
Theo ông Trương Nhuận-Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, đây là một quyết định mà các nghệ sĩ đã chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, theo ông Nhuận, quyết định mới ra đời và được thực hiện bắt đầu từ ngày 5.7.2015 thì cũng vẫn lạc hậu so với đời sống. “Là người quản lý một đơn vị nghệ thuật sân khấu, tôi vẫn mong rằng, ban soạn thảo có cái nhìn dài hơi hơn để khi ban hành một quyết định, một văn bản không bị bất cập so với đời sống hiện tại” - ông Nhuận tâm sự.
Đồng quan điểm, NSƯT Phạm Anh Tú- Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho rằng, quyết định ra đời chưa bắt kịp với thực tế đời sống bởi trong thời điểm này, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như xăng, dầu, gas, điện đều điều chỉnh giá nhanh và theo chiều hướng tăng mạnh. “Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy vui khi được Nhà nước quan tâm tới đời sống anh, em văn nghệ sĩ. Tôi vẫn nghĩ muộn còn hơn không, bởi tôi được biết, mức tiền về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đã tăng lên đáng kể so với ngày xưa”- NSƯT Anh Tú cho hay.
Quyết định số 14 ra đời thay thế cho Quyết định số 180 (năm 2006) có nhiều điều khoản không còn phù hợp với cuộc sống thực tế hiện nay. Tuy nhiên nhìn vào quyết định mới này, so với mức thu nhập của các nghệ sĩ và giá cả trên thị trường hiện nay thì vẫn có một khoảng cách quá xa.
Khó cho nghệ thuật truyền thống
Ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, là người quản lý đơn vị sân khấu nghệ thuật truyền thống, ông cảm thấy Quyết định số 14 mới ban hành là một sự kiện đáng mừng cho các nghệ sĩ. Điều này sẽ càng thúc đẩy lòng yêu nghề của các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ hoạt động ở mảng nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… bởi họ vốn chịu rất nhiều thiệt thòi, đời sống chỉ trông chờ vào phụ cấp, bồi dưỡng luyện tập.
“Tuy nhiên, một điều băn khoăn đối với tôi trong quyết định này là nguồn chi phí chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn của nghệ sĩ lại phụ thuộc vào nguồn thu từ chính đơn vị. Đây là điều khó khăn cho đơn vị, đặc biệt đối với đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bởi nhà hát chúng tôi nguồn thu rất thấp, khán giả rất ít, không như sân khấu kịch nói hay sân khấu âm nhạc. Theo quan điểm cá nhân tôi, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng cũng chỉ là một phần nhỏ cho thu nhập của nghệ sĩ. Còn để anh chị, em văn nghệ sĩ yên tâm hơn, tôi nghĩ Nhà nước cần nâng ngạch bậc lương lên cao hơn nữa” - ông Tuấn bày tỏ.
NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, anh em nghệ sĩ có được quyết định này sau cả một thời gian dài đầy khó khăn, chờ đợi. “Chế độ bồi dưỡng cho những người làm nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã bất cập từ lâu lắm rồi. Ngày xưa chế độ bồi dưỡng một đêm diễn ở mức cao nhất là 30.000 đồng và bây giờ tăng lên mức cao nhất là 200.000 đồng nhưng so ra với mặt bằng chung của xã hội thì mức này vẫn quá thấp. Tuy nhiên tôi nghĩ đây vẫn là sự động viên tinh thần, khích lệ anh, em văn nghệ sĩ, những người yêu nghề, đam mê nghệ thuật tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, đặc biệt với loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, loại hình nghệ thuật bác học cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy sáng tạo”- NSND Lê Tiến Thọ cho hay.
Quyết định 14 quy định rõ: Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn do Nhà nước chi trả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.