Phụ huynh phản đối tăng học phí: Vui vì được lắng nghe
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị T.N - có con học tại Trường quốc tế Á Châu nói: "Tôi rất xúc động và không kìm được nước mắt khi nhận được thông tin Sở GD-ĐT đề nghị các trường ngoài công lập giữ nguyên học phí năm học 2021-2022. Tôi vui lắm, vui vì những gì chúng tôi cố gắng trong thời gian qua đã có kết quả. Nhưng điều vui hơn cả là vì chính quyền, các cấp lãnh đạo lắng nghe, thấu hiểu cho lòng dân, kịp thời đưa ra văn bản hợp tình hợp lý trong điều kiện dịch bệnh như thế này".
Phụ huynh trường quốc tế Á Châu trong một lần lên đối thoại với nhà trường đề xuất giảm học phí năm học 2021-2022. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Chị cũng cho biết thêm, sau khi đối thoại, thể hiện hết nguyện vọng của phụ huynh với nhà trường, chị rất tin tưởng và chờ đợi sự phản hồi. Tuy nhiên, nhà trường lại không đả động đến kiến nghị của phụ huynh mà gửi thông báo không nhận con của chị học tại trường trong năm tới. Ngoài ra, nhiều người không hiểu câu chuyện, cho rằng các phụ huynh "đua đòi" cho con học trường quốc tế, đến khi không kham nổi học phí thì kiếm chuyện, kiện cáo…
Nhiều phụ huynh vui mừng trước văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc giữ nguyên học phí năm học 2021-2022. Ảnh chụp màn hình
"Chúng tôi khẳng định phụ huynh không phản đối việc tăng học phí của trường. Con tôi học 6 năm tại đây, năm nào trường cũng tăng học phí nhưng tôi không có ý kiến gì. Năm nay nhà trường tăng quá cao, trái với cam kết học phí mà chính trường công bố, tăng ngay thời điểm dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn", chị T.N. nói.
Chị H.T, cũng có con theo học tại Trường quốc tế Á Châu bày tỏ sự biết ơn Sở GD-ĐT vì đã kịp thời có động thái trước việc tăng học phí ở các trường tư thục. Không riêng gì Trường quốc tế Á Châu, rất nhiều trường khác trong thành phố cũng tăng học phí. " Gánh nặng cơm áo gạo tiền của cha mẹ được giảm bớt thì con cái mới vui vẻ đến trường, học tập được", chị T. cho hay.
Tiếp tục kiến nghị
Dù đang rất vui mừng với thông báo của Sở GD-ĐT nhưng chị N.V - một phụ huynh có con bị trường gửi thông báo thôi học cho biết, chị tiếp tục tới trường để làm việc về thông báo này. "Chúng tôi không làm gì sai cả, trường tăng học phí quá mức đã đề ra thì chúng tôi kiến nghị, đề xuất giảm. Nhà trường không thể lấy lý do này để đuổi học con tôi được", chị V. khẳng định.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc nhà trường gửi thông báo tăng học phí của năm học tiếp theo cho phụ huynh là đúng quy định pháp luật hiện hành. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Đồng thời, các cơ sở này thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.
Song, mức tăng học phí như thế nào thì phải xem lại, không phải cứ muốn tăng bao nhiêu là tăng.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, các trường phải cân nhắc mức tăng học phí cho phù hợp, không phải muốn tăng là tăng. Ảnh: NVCC
Sáng 11/6, Sở GD-ĐT có văn bản khẩn đề nghị các đơn vị ngoài công lập cân nhắc tình hình và cố gắng giữ nguyên mức học phí, các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021. Đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ học, chuyển trường do không đủ điều kiện đóng học phí, Sở GD-ĐT lưu ý các đơn vị cần huy động các nguồn lực dự phòng, tài trợ, vận động nếu có để hỗ trợ học phí cho học sinh mà gia đình gặp khó khăn kinh tế trong thời gian vừa qua để ổn định việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Sở GD-ĐT nêu rõ: "Đây là lúc cần thiết cần có sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị giáo dục ngoài công lập đối với các phụ huynh học sinh gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra chưa có tiền lệ trong thời gian qua. Không để phát sinh, tranh chấp, khiếu nại làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục".
Luật sư Tuấn cho rằng, các cơ sở ngoài công lập được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, ví dụ như được giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng, được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 85 của Luật Giáo dục…
Do đó, Nhà trường cần có những chính sách phù hợp, hài hòa với điều kiện thực tế và đúng với cam kết ban đầu. Việc tăng quá cao học phí trong điều kiện dịch bệnh hiện này là chưa phù hợp.
"Trong quan hệ dân sự, việc thay đổi nội dung các bên đã thỏa thuận mà chưa có sự đồng thuận, thống nhất thì không tránh khỏi sự phản đối. Ngoài ra, trường gửi thông báo "không thể nhận học phí để các em… tiếp tục học tại trường" là không đúng với phương châm của giáo dục. Việc làm này chẳng khác gì hoạt động thương mại, mua bán, khi không đáp ứng yêu cầu thì đơn phương chấm dứt. Nhà trường nên lắng nghe phụ huynh, đưa ra mức thu phù hợp để có sự đồng thuận, như vậy mối quan hệ mới bền vững và lâu dài, hơn là việc thách thức "đuổi học" khi phụ huynh phản đối tăng học phí", luật sư Tuấn nhận định.
Trước đó, Trường quốc tế Á Châu (TP.HCM) đã thông báo tăng học phí từ 10-15% trong năm học 2021-2022.
Theo quy định của trường, học phí có thể tăng hàng năm, mức tăng cụ thể tùy vào sự biến động kinh tế, lạm phát hoặc chính sách của Nhà nước.
Nhiều phụ huynh nói khi đến xin nhập học thì trường khẳng định không tăng quá 10% và phụ thuộc điều kiện thực tế. Các năm trước, trường đều tăng nhưng không cao như năm nay nên phụ huynh phản ứng - nhất là không phù hợp điều kiện thực tế hiện tại.
Trong hai lần đối thoại với trường, phụ huynh khẳng định sẽ chấp nhận việc tăng học phí nếu đúng với cam kết của trường. Ngoài ra, việc thực hiện tăng học phí (nếu có) cũng cần được công khai, minh bạch về lý do tăng nhằm phục vục mục đích gì… Tuy nhiên, Trường quốc tế Á Châu không phản hồi.
Ngày 10/6, 3 trong số 4 phụ huynh trực tiếp đối thoại với nhà trường nhận được thông báo về việc "không thể nhận học sinh tiếp tục học tại trường trong năm học tới". Các phụ huynh này đã làm đơn cầu cứu gửi lên Sở GD-ĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.