Phụ huynh xoay xở đủ đường để "chiều" theo giờ học sớm của con
Phụ huynh xoay xở đủ đường để "chiều" theo giờ học sớm của con
Thứ sáu, ngày 21/10/2022 16:08 PM (GMT+7)
Trên các diễn đàn, vấn đề giờ vào lớp của học sinh đang được bàn luận sôi nổi. Để đưa con đi học, nhiều phụ huynh đã phải hy sinh công việc. Có người ưu tiên giấc ngủ của con hơn việc đi học đúng giờ.
Năm ngoái, chị Nguyễn Hồng Hạnh, có con học tại Trường Tiểu học Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội), phải đổi công việc để tiện đưa đón con đi học.
Chị Hạnh cho biết, buổi sáng, tiếng trống trường của cháu Phúc vang lên lúc 7 giờ 15 phút, báo hiệu giờ học bắt đầu. Trước đó, chị Hạnh đã đưa con có mặt ở trường lúc 7 giờ.
7 giờ sáng, Phúc đến trường, đi bộ vào lớp, xem lại sách vở, bài tập rồi ổn định chỗ ngồi. Khoảng thời gian 15 phút trước khi vào lớp chỉ đủ cho Phúc làm những việc đó. "Trẻ con không nhanh nhẹn như mình", chị Hạnh nói.
Nhà cách trường khoảng 4km, để kịp cho con đi học, chị Hạnh phải dậy muộn nhất là 6 giờ sáng. Chị vào phòng đánh thức con dậy. Việc này cũng không hề dễ dàng. Chị phải gọi "rát cổ", thậm chí có hôm phải vỗ mạnh vào người thì con mới chịu dậy. Kèm theo đó là vẻ mặt khó chịu và những tiếng càu nhàu của con.
"Nhiều lúc tôi cũng bực vì gọi mãi con không chịu dậy chuẩn bị đi học, nhưng phải thông cảm cho con. Một tuần Phúc đi học thêm 4 buổi tối, về nhà ăn cơm và ngồi vào bàn học bài xong là đồng hồ đã chỉ quá 22 giờ.
Nếu hôm sau có môn khó, con phải ngồi xem trước bài đến 22 giờ 30 phút. Vệ sinh cá nhân xong, con lên giường lúc gần 23 giờ. Tính ra, mỗi đêm con ngủ chưa được 7 tiếng", chị Hạnh nói.
Trước kia, chị Hạnh chỉ cần đưa con đi học vào buổi sáng. Vợ chồng chị nhờ ông nội đón con về và cho cháu đi học buổi chiều. Năm ngoái, ông bị ngã gãy chân, đi lại khập khiễng. Chị Hạnh đành bỏ công việc "sáng đi tối về" ở công ty, để làm việc tự do. Mục đích là để thuận tiện đưa đón con đi học.
"Tôi nghĩ nhà trường nên bắt đầu giờ học sớm nhất là 7 giờ 45 phút. Như vậy, phụ huynh đi làm sẽ tiện đưa con đi học vì đa số đều bắt đầu làm việc lúc 8 giờ. Quan trọng hơn, các con được ngủ thêm cho đủ giấc, đảm bảo sự phát triển của trẻ", chị Hạnh nói.
Anh Nguyễn Bá Công là người cùng xã với chị Hạnh, có con gái đang học tại Trường THCS Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, sáng nào anh cũng phải vội vã cho con kịp giờ học.
"Khi con mới lên cấp hai, gia đình đã mạnh dạn cho con tự đạp xe đi học. Một lần, không may con bị ngã xe, đường đi học lại nhiều xe cộ qua lại. Tôi quyết định mất công đưa con đi học thêm 1-2 năm nữa. Khi nào tay lái của con cứng hẳn thì mới yên tâm để con tự túc", anh Công nói.
Theo anh Công, con gái anh vào lớp lúc 7 giờ 15 phút. Hôm nào có 4 tiết, con sẽ tan trường lúc 11 giờ, nếu 5 tiết thì 11 giờ 45 phút mới được nghỉ.
Anh Công thường đưa con đến trường sát giờ học. Trước đó, anh gọi con dậy lúc 6 giờ 30 phút. Chờ con vệ sinh cá nhân xong, anh sẽ đưa con đi ăn sáng ở ngoài để không mất thời gian nấu nướng, dọn dẹp.
"Tuy bữa sáng của con ngoài quán hơi vội vàng nhưng phải chấp nhận. Giấc ngủ của con là quan trọng nhất. Những đêm con đi ngủ muộn quá, sáng hôm sau tôi để cho con ngủ thêm.
Thà tất tưởi một chút, thậm chí muộn học còn hơn con thiếu ngủ. Nhiều lần con dậy muộn không kịp ăn, tôi mua bánh mì nhét vào cặp cho con ăn sáng sau khi kết thúc tiết một", anh Công cho biết.
Cháu Nga, con gái lớn của chị Loan đang học lớp 6 tại một trường THCS ở Hà Nội. Con cũng vào lớp lúc 7 giờ 15 phút. Nhà chị Loan cách trường 7km. Buổi sáng, con thường phải dậy từ 6 giờ để chuẩn bị đi học. Chị Loan cũng đã dậy trước đó 30 phút để đi chợ, mua đồ ăn sáng cho gia đình.
Từ ngày lên cấp 2, Nga phải thức muộn hơn để làm bài tập trên lớp, bài ở lớp học thêm, xem trước bài của ngày hôm sau. Trước khi đi ngủ, chị Loan yêu cầu con chuẩn bị quần áo, giầy dép, soạn sách để mai sẵn sàng đi học.
Chị Loan nhớ, có hôm Nga thức dậy rồi vào nhà vệ sinh một lúc lâu. Chị gọi mà con không thưa. Lúc chị mở cửa ra thì thấy con ngồi ngủ gật trong đó. Bữa sáng nào Nga cũng uể oải, chán ăn vì chưa tỉnh táo hẳn.
Lùi giờ học sẽ giảm gánh nặng cho phụ huynh
Chị Loan cho rằng, các con vào lớp từ khoảng 7 giờ 45 phút đến 8 giờ là vừa đảm bảo sức khỏe, vừa thuận tiện cho các bậc phụ huynh.
"Tôi làm công việc tự do nhưng vẫn phải dậy sớm theo giờ học của con. Chính bản thân tôi cũng mệt mỏi. Nhiều lúc chưa làm xong việc tôi cũng phải bỏ đó để đi đón con về", chị Loan cảm thán.
Con trai chị Thanh Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) đang học tại Trường Tiểu học Ngọc Lâm. Giờ học của con bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ 15 phút. Buổi chiều, con học từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút.
Chị Thanh nhận xét, lịch học như vậy phù hợp cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Giờ con vào học cũng là giờ đa số bố mẹ vào làm.
"Buổi sáng, gia đình tôi luôn chuẩn bị bữa sáng đầy đủ. Tuy hơi bận rộn, nhưng 8 giờ con mới vào học nên cũng không quá vất vả.
Bố mẹ đi làm tiện thể đưa con đi học luôn. Dù là ngày nghỉ, tôi cũng thường gọi con dậy đúng giờ, ăn uống và tập thể dục đầy đủ cho có nền nếp", chị Thanh nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con học tại Trường Tiểu học Lý Nam Đế. 7 giờ 30 phút con mới vào tiết học đầu tiên, nhưng được bố đưa đi học từ 6 giờ 55 phút.
Chị Hương cho rằng, ở Việt Nam nói chung, giờ làm việc của phụ huynh là 8 giờ nên các con đi học từ 7 giờ trở đi là hợp lý.
Tuy nhiên, để đánh giá giờ học là sớm hay muộn, cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Ở một số tỉnh, giờ làm việc thường sớm hơn Hà Nội hay TPHCM. Vì vậy, việc học sinh vào học sớm lại thuận tiện hơn cho các phụ huynh ở nơi đó.
Ngược lại là trường hợp của vợ chồng anh Đinh Văn Tuấn (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), là công nhân trong một cụm công nghiệp, vợ chồng anh luôn phải có mặt tại công ty lúc 7 giờ 15 phút. Con trai anh mới vào lớp một, phải vào lớp lúc 7 giờ. Tuy nhiên, anh cho rằng giờ đó là vừa vặn để vợ chồng anh đưa con đi học xong, đến công ty đúng giờ.
"Mùa đông, giờ vào lớp của con được lùi lại 15 phút. Tôi rất muốn con được đi học muộn hơn nữa để có thời gian ăn ngủ đầy đủ, đúng giờ.
Tuy nhiên, nếu vậy thì vợ chồng tôi và nhiều công nhân khác ở quê lại phải nhờ người đưa con đi học hộ. Chúng tôi phải đi làm rất sớm nên không tiện đưa con đến trường", anh Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.