Phú Thọ: Chuyện “vua bếp” và dự án 28.000 bếp miễn phí cho người nghèo

Nguyễn Bảo Thứ bảy, ngày 12/10/2019 08:47 AM (GMT+7)
Chỉ sau 1 tháng bắt tay vào thực hiện dự án 28.000 bếp đun miễn phí cho người nghèo ở tỉnh Phú Thọ, ông Lê Hồng đã sút 7kg vì phải thức trắng nhiều đêm nghiên cứu phương án, xây dựng nhà xưởng và mua nguyên vật liệu, hiện thực hóa dự án này.
Bình luận 0

Về thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, hỏi ông Lê Hồng, chẳng mấy người là không biết. Bởi lẽ, từ lâu, ông đã được gắn với tên gọi “vua bếp” cho người nghèo.

img

Xưởng sản xuất bếp đun cải tiến của ông Hồng tạo công việc thường xuyên cho khoảng 30 người với mức lương trên 6 triệu đồng.

Trong ngôi nhà khang trang, hướng mặt ra xưởng sản xuất bếp đun với gần 30 lao động đang hăng say làm việc, cạnh đó là những chiếc bếp cải tiến đã hoàn thành đẹp mắt và nhỏ gọn, ông Lê Hồng say sưa kể cho chúng tôi về cái duyên dẫn đến nghiệp làm bếp của mình.

Ông Hồng chia sẻ, ông từng giảng dạy ở các trường dạy nghề như Trung cấp Cơ khí động lực (Cơ khí 2), Trường Quản lí xí nghiệp 1 thuộc tổng cục Hậu cần, Trường Công nhân kĩ thuật Việt Đức, Kĩ thuật 1… Với 23 năm kinh nghiệm, ông đã nghiên cứu để sáng chế ra bếp đun với những ưu điểm vượt trội, giá thành phù hợp, phục vụ người sử dụng, nhất là người nghèo.

Bếp đun cải tiến với tên gọi TK90 tiết kiệm năng lượng được ông Lê Hồng thiết kế từ năm 1985. Sau nhiều lần cải tiến, hiện nay bếp có 4 phiên bản với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng từ nông thôn đến thành thị, từ hộ gia đình đến bếp ăn tập thể. 

Bếp được thiết kế và chế tạo mô phỏng trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong với hiệu suất nhiệt của bếp từ 34 – 36% (bếp kiềng truyền thống 11 – 12%). So với bếp kiềng, bếp TK90 tiết kiệm được 60 -70% lượng chất đốt, 50% thời gian đun nấu và giảm 70% lượng khí thải độc hại CO, CO2, khói bụi vào môi trường.

Công nghệ sản xuất bếp TK90 là một công nghệ hoàn toàn sạch, không qua nung, rất thân thiện với môi trường. Ông đã nghiên cứu được công thức pha chế nguyên vật liệu chịu nhiệt mà có thể khai thác 80% tại địa phương. Bếp sử dụng được tất cả các phụ phẩm nông, lâm nghiệp như: Củi, cành cây, lá cây, rơm rạ, trấu, mùn cưa, lõi ngô, cây ngô… rất hiệu quả.

Với những tính năng ưu việt của bếp TK90, nhiều năm qua cơ sở sản xuất của ông đã cho ra 6000 bếp/năm để phục vụ bà con ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình… Nhưng nhu cầu vẫn tăng cao mà ông không thể đáp ứng bởi nhiều nguyên nhân. Đó là điều khiến ông luôn đau đáu, suy nghĩ và tìm lời giải.

“Nhiều bà con trong trong vùng Gia Lai, Kon Tum, TP.HCM… gọi điện, gửi thư ra cả ngoài này cho tôi với mong muốn được sử dụng bếp TK90. Nhưng vì bếp làm bằng đất chịu nhiệt, vận chuyển xa rất khó khăn và đội chi phí lên cao, rồi còn phải đảm bảo về kĩ thuật nữa nên tôi phải từ chối nhiều đơn hàng”, ông Hồng cho biết.

img

Ông Lê Hồng, người được biết đến với biệt danh "vua bếp cho người nghèo".

Năm 2018, ông Lê Hồng được nhận “Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài” của Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Giải thưởng này cũng là cơ duyên để "vua bếp" gặp được ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco), kiêm giám đốc Dự án “phân phối bếp đun tiết kiệm nhiên liệu tại tỉnh Phú Thọ - người giúp ông mang bếp ra nước ngoài để đo hiệu suất nhiệt trong phòng thí nghiệm (cụ thể đó là Campuchia, vì ở Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm kiểu này).

Kết quả ngoài mong đợi, bếp của ông Hồng đã đạt hiệu suất nhiệt là 28,57%, mức nhiệt trung bình của thế giới là 26%.

Sau khi sản phẩm bếp của ông có giấy chứng nhận đạt hiệu suất nhiệt như trên, xưởng sản xuất của ông bắt đầu vang xa. Được sự kết nối của ông Hoàng Anh Dũng, Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc (KCM) thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã đặt hàng với ông 1 dự án 28.000 bếp để phát miễn phí cho người nghèo trong tỉnh.

img

Ông Thomas Winklehner, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc, chủ đầu tư, đơn vị tài trợ chính cho dự án (ngoài cùng bên phải) kế đến là ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty Intraco kiểm tra tiến độ dự án tại cơ sở sản xuất bếp ông Lê Hồng ngày 18/9/2019.

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 18/4/2019 và được UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định số 1535/QĐ/UBND ngày 28/6/2019 về việc tiếp nhận Chương trình phân phối bếp đun tiết kiệm năng lượng do Công ty Intraco và Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc (KCM) viện trợ. Dự án được thể hiện ở 80 xã thuộc 13 huyện, thành thị của tỉnh Phú Thọ.  Bếp được phát đợt 1 vào tháng 6/2019, đợt 2 tháng 10/2019 với tổng giá trị khoản tài trợ 800.000 USD.

Ông Hồng cho biết, tháng đầu tiên sau khi ký dự án với công ty Hàn Quốc về hợp đồng đặt hàng 28.000 bếp, ông đã sút 7kg, nhiều đêm thức trắng vì lo không đủ khả năng hoàn thành sản phẩm cho phía đối tác. Song, bằng kiến thức và kinh nghiệm làm bếp lâu năm đã có thương hiệu của mình cùng với sự động viên của gia đình, ông đã quyết định vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc và nguyên vật liệu ban đầu.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tại cơ sở sản xuất bếp của ông đã đạt được khoảng 80% đơn hàng của dự án, (tức khoảng 25.000 bếp), tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến hết tháng 10/2019 cơ sở của ông Hồng sẽ hoàn thành 28.000 bếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem