“Phút 89” của Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn (Kỳ 2): Chuyến bay định mệnh

Thứ hai, ngày 11/11/2019 08:31 AM (GMT+7)
Những ngày ở Đài Loan, Thiệu ngồi lặng lẽ hàng giờ cạnh chiếc radio, nghe BBC tường thuật giờ phút hấp hối của chính quyền Sài Gòn.
Bình luận 0

5h chiều ngày 25/4/1975, Thomas Polgar - trùm CIA ở Sài Gòn, cho gọi Frank Snepp, Joe Kingsley và một nhân viên khác rồi hỏi là "Các ông có rành đường phố Sài Gòn ban đêm không?". Cả bọn gật đầu. "Thế thì tốt", Polgar nói tiếp: "Tôi muốn các ông giúp tôi đưa Thiệu và Khiêm đi Đài Loan tối nay...".

Cũng khoảng thời gian ấy, tại Dinh Độc Lập, Thiệu ngồi ở phòng đọc sách tại lầu 3 bên cánh trái. Cho gọi trung tá Tôn Thất Ái Chiêu, sĩ quan tùy viên thân cận nhất, Thiệu chỉ thị mấy việc cần thiết và bảo Chiêu đem bộ quần áo vest của mình về nhà riêng trong Bộ Tổng tham mưu. Nhà này cũng nằm chung dãy nhà với Trần Thiện Khiêm.

Sau đó, Thiệu gọi tiếp các sĩ quan thân tín, gồm: Đại tá Võ Văn Cầm, chánh văn phòng; đại tá Nguyễn Văn Đức, chánh tùy viên; đại tá Nhan Văn Thiệt, chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia Vùng 4, đại tá Trần Thanh Điền, trưởng khối cận vệ. Thiệu ra lệnh: "Tất cả mấy chú phải thay thường phục, có mặt tại dinh lúc 7h. Mỗi chú chỉ được mang theo một túi xách tay nhỏ, tuyệt đối giữ bí mật, không được thông báo cho gia đình".

img

 Nguyễn Văn Thiệu bàn giao chức Tổng thống cho Trần Văn Hương.

Vừa dứt lời, đại tá Điền thưa: "Xin tổng thống cho (trung tá) Sáng và (trung tá) Thứ đi theo". Thấy Thiệu không trả lời, Điền lặp lại thì đại tá Đức khều nhẹ. Hiểu ý, Điền không xin xỏ gì nữa. Sau này được biết Thiệu đã chỉ thị cho trung tá Sáng ở lại làm công tác đặc biệt có liên quan đến 16 tấn vàng, còn trung tá Thứ thì tiếp tục lo an ninh cho tổng thống Trần Văn Hương. Riêng bác sĩ Minh - là bác sĩ riêng của Thiệu lúc đó không có mặt, trung tá Chiêu phải gọi vào. Mấy hôm nay các vị quan này bị đặt trong tình trạng báo động nên lúc nào cũng túc trực tại dinh, khi nghe được lệnh trên, ai ai cũng vội vã chạy về nhà gom góp chút ít đồ đạc, giấy tờ cá nhân, và dĩ nhiên là cũng thông báo cho vợ con, rồi trở lại Dinh Độc Lập ngay tắp lự.

Bản danh sách những người cùng tháo chạy với Nguyễn Văn Thiệu, do chính tay ông Thiệu viết.

Tại tư dinh Trần Thiện Khiêm, từ khi Khiêm cho vợ đi Đài Bắc, sau giờ làm việc Nguyễn Tấn Phận không về nhà bên vợ như thường lệ vì trước khi đi, vợ Khiêm dặn Phận phải dành ưu tiên cho Khiêm. Phận kể: "Do đó không lúc nào tôi rời ông, kể cả lúc ông ra ngoài cũng như lúc ở nhà. Ban đêm, để bảo đảm an ninh tối đa cho Khiêm, đại úy Mùi và tôi quyết định trải chiếu ngủ tại phòng ăn, dưới chân cầu thang dẫn lên phòng ngủ của Khiêm ở trên lầu".

Xẩm tối ngày 25/4/1975, quang cảnh nhà Khiêm như có tang. Dưới bếp, thượng sĩ Trị, thượng sĩ Xê - hai người đầu bếp khóc thút thít vì có lẽ họ đoán được số phận của họ, là sẽ bị bỏ rơi. Trung úy Hồng uống rượu say ngà ngà, níu áo hỏi thiếu tá Thông là "sếp" đi đâu (sĩ quan, lính lác trong tư dinh của Khiêm thường gọi Khiêm sau lưng là "sếp"). Cuối cùng Thông phải nói thật là "chúng tôi đưa thủ tướng ra khỏi nước!". Rồi Thông quay sang Phận nháy mắt, gật đầu.

Như vậy là Nguyễn Tấn Phận sẽ được cho đi theo. Lập tức, Phận  quay về phòng riêng, kiểm soát lại một số tài liệu. Những gì không cần thiết ông ta đem ra sân sau đốt hết. Nhét vội hai bộ quần áo cùng các giấy tờ tùy thân và cây súng rouleau vào chiếc Samsonite. Riêng khẩu Colt 45, Phận đeo vào thắt lưng dù đã có lệnh tuyệt đối không được mang theo vũ khí.

Cũng tại thời điểm này, khoảng 8h30', Frank Snepp và 3 người Mỹ khác, lên đường đến nhà Khiêm. Nguyễn Tấn Phận nhớ lại: "Vừa ra tới cửa, tôi bỗng giật mình khi thấy 3 chiếc Chevrolet to lớn màu đen, mang bảng số ngoại giao, ào vào cổng, sát bức tường phòng thủ của Bộ Tổng tham mưu. Chưa rõ chuyện gì thì Khiêm gọi tôi lại, đưa cho tôi một hộp nhỏ, dài khoảng 5cm, rộng 3cm, gói trong giấy hồng điều. Khiêm dặn:  "Phận, giữ cái này là món quà tặng. Một chút nữa tổng thống Thiệu tới thì đem theo". Phận cầm chiếc hộp lên, thấy không nặng mà cũng không nhẹ. Lúc Khiêm ra lệnh như vậy, ông ta nghĩ đó là món quà có thể dùng để tặng ông Đại sứ Mỹ, hay là phi hành đoàn, hoặc một nhân vật nào ở Đài Bắc, nhưng không tài nào đoán ra trong đó có cái gì cho tới khi đến Đài Bắc.

Tại lầu ba Dinh Độc Lập, bên cánh trái. Khoảng 7h30' tối. Trong phòng ngủ, Thiệu thay đồ bốn túi - bộ đồ may bằng vải gabardine màu xanh rêu tại nhà may Huỳnh Hoan, quận 1. Đi qua phòng nhỏ cạnh phòng ngủ, Thiệu nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp, một chiếc xe Mercedes màu xanh đậm đã đậu sẵn. Người cầm lái là đại tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Thiệu rút trong hộc tủ ra khẩu súng ngắn hiệu Browning đã nạp đầy đạn, cho vào túi áo.

Xong xuôi, Thiệu bấm interphone gọi sĩ quan tùy viên trực lúc đó là đại úy Trần Anh Tuấn. Thiệu đưa cho Tuấn một gói nhỏ và ra lệnh: "Chú mang cái hộp này qua cụ Hương. Nếu không gặp cụ thì ngày mai đem qua cũng được. Nhớ đừng mở ra".

Thiệu ra khỏi phòng. Khi tới cạnh thang máy, một người lính cận vệ đưa tay chào và bấm nút mở cửa thang. Trước khi vào, Thiệu quay lại dặn đại úy Tuấn: "Tôi đi qua nhà đại tướng Khiêm ăn cơm rồi về, chú khỏi đi theo". Sau đó, Thiệu bước rất nhanh vào thang máy, tự tay bấm nút xuống tầng trệt. Tại tầng trệt, lúc cánh cửa thang mở ra thì đại tá Điền đã đứng đó, đưa tay chào theo kiểu nhà binh. Thiệu vừa bước xuống bậc tam cấp thì cũng là lúc hai người lính cận vệ đến để đổi gác, khiến Thiệu giật mình. Thiệu và Điền lanh lẹ chui vào xe, Điền ngồi bên phải - chỗ ngồi chính thức của Thiệu để đề phòng trường hợp Thiệu bị ám sát.

Vừa ngồi vào xe, Thiệu liền hỏi Điền: "Có mấy cây súng?”. Điền đáp: "Trình tổng thống, có hai cây, một M16, một Colt 45". Ngay lập tức, Nhan Văn Thiệt cho xe chạy vòng qua sân cỏ, lướt ngang thềm đại sảnh rồi tiến thẳng ra cổng chính là đầu đại lộ Thống Nhất. Rẽ trái trên đường Pasteur, chiếc Mercedes theo đường Hiền Vương quẹo qua đường Công Lý và chạy thẳng theo đại lộ Cách mạng 1/11. Vào đến cổng chính Bộ Tổng tham mưu, xe rẽ phải. Nhìn thấy chiếc Mercedes, Nguyễn Tấn Phận nhận ra ngay nhưng xe không vào nhà Trần Thiện Khiêm mà chạy thẳng về nhà Thiệu.

Phận lên phòng làm việc của Trần Thiện Khiêm một lần nữa. Lúc này, Polgar - trùm CIA ở Nam Việt Nam và Timmes đang cùng Khiêm uống rượu. Một lát sau, xe chở Thiệu xuất hiện. Những sĩ quan đi cùng đoàn với Thiệu xách xuống mấy chiếc vali có vẻ rất nặng, họ đề nghị Frank Sneep mở cốp sau, để họ chất vali vào. Theo Frank Sneep, thì "khi họ đặt vali xuống, có tiếng kim loại va vào nhau".

Từ trên lầu, khi đi ngang qua phòng ăn, Phận giật mình thấy Thiệu đang ngồi nói chuyện với Khiêm ở phòng khách, bên cạnh mấy ly rượu. Bước ra phía trước nhà, Phận thấy Thomas Polgar đang ngồi tại bàn viết của sĩ quan tùy viên, kiểm soát lại họ, tên của những người đi để điền vào "giấy tạm cư" dựa trên bản danh sách viết tay của Thiệu. Giây lát, Polgar, Timmes đi ra. Nhìn thấy họ, Thiệu khẽ gật đầu chào rồi chui vào xe của Frank Sneep, ngồi ở ghế sau, giữa Timmes và đại tá Đức. Đoàn xe hướng về sân bay Tân Sơn Nhất với một tốc độ không làm ai phải chú ý. Phía trước, 1 xe Ford Pinto của văn phòng CIA Sài Gòn dẫn đường. Phía sau, là hai xe trong đó gồm 9 người, được tổng thống Trần Văn Hương cho phép ra đi theo yêu cầu của Nguyễn Văn Thiệu.

Phận kể: "Lúc xe qua khỏi cổng sân bay, tôi giật mình vì thấy tất cả tối om, hình như cả hệ thống điện đã bị cúp". Có lẽ đã được dặn trước, Nhan Văn Thiệt cho xe chạy vòng qua khu vực của Hãng Hàng không Mỹ (Air America). Gần tới đường băng, Thiệt tắt hết đèn. Mãi đến khi nhìn thấy ánh sáng lờ mờ hắt ra từ buồng lái, họ mới biết là đã đến sát bên một chiếc máy bay, loại vận tải 4 động cơ cánh quạt C118.

Xe chưa dừng hẳn, 3 chiếc Chevrolet lao tới, một số người Mỹ mặc thường phục, súng M16 trong tay, mở cửa chạy vọt ra, vây quanh Nguyễn Văn Thiệu. Rồi như thể từ trên trời rơi xuống, Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam là Graham Martin xuất hiện ngay chân cầu thang máy bay. Sau này, khi kể lại chuyện bố trí cho Nguyễn Văn Thiệu rời Sài Gòn, Martin vẫn úp mở, rằng: "Ông Thiệu đã ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn", và "chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết".

Chiếc C118 có đuôi số 231 được Martin gọi từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất.  Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Martin đến tận chân cầu thang tiễn Thiệu. Vẻ mặt buồn thảm, Thiệu cố giữ dáng đi bình thản, mắt cúi nhìn xuống đất. Lúc sắp sửa bước lên cầu thang, Thiệu quay lại cám ơn Martin đã lo liệu cho ông ta chuyến đi. Với một giọng khàn khàn, Martin đáp: "Thưa tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc ngài may mắn".

Khi tất cả đã yên vị thì Thiệu từ hàng ghế phía trước bước ra phía sau, nơi những người chạy theo Thiệu đang ngồi. Thiệu đứng giữa lối đi, với khuôn mặt không còn giống như hồi ở nhà Khiêm nữa. Nét giận dữ hiện rõ trong tia mắt Thiệu mà đám tướng tá, sĩ quan tùy viên đã từng chứng kiến nhiều lần trước kia. Các sĩ quan làm việc quanh Thiệu đôi khi phải đón nhận những phản ứng dữ dội từ Thiệu, thay cho các đối tượng mà Thiệu cần phải giữ hòa khí ở một mức độ có thể coi được, Thiệu thường "giận cá chém thớt" và hay "phang nhầm" người khác. Với cái nhìn đầy căm hận, mặt đỏ gay, Thiệu gằn từng tiếng: "Nè, các chú nhớ là không được nói gì hết. Có ai hay báo chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!". Nói xong, Thiệu trở về phía trước.

Không ai bảo ai, tất cả đều im lặng, chỉ có tiếng nổ rì rì của động cơ máy bay. Mới hôm nào đây, trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu vẫn hùng hổ tuyên bố: "Mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Ấy thế mà mới chỉ 4 ngày, "tổng thống, trung tướng, chiến sĩ" Nguyễn Văn Thiệu đã chui tọt vào máy bay. Mà sự ra đi ấy nào có vinh quang gì cho cam, đi trong lặng lẽ, lén lút. Nói một cách chính xác thì đó là "bỏ của chạy lấy người".

Nguyễn Tấn Phận ôm cái hộp của Trần Thiện Khiêm trong suốt chuyến bay (sau này ông ta mới biết trong đó chỉ là một chiếc radio 4 băng tần hiệu Zenith mà Khiêm tặng cho Phận). Không ai nói chuyện với ai, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình. Đột ngột, máy bay giảm độ cao, đảo một vòng rồi hạ cánh. Đường băng trước mặt là phi trường Đài Bắc. Phận nhìn đồng hồ. Đúng 3h40' sáng. Nhân viên cơ khí phi hành mở cửa cầu thang. Gió ùa vào nghe lành lạnh. Mọi người lần lượt xuống máy bay.

Phận kể: "Tại chân cầu thang, trong ánh điện lờ mờ, tôi nhận ra bà Nguyễn Văn Kiểu, là vợ đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Bắc; một trung tá, tùy viên quân sự tại tòa đại sứ, một viên chức cao cấp của chính quyền Đài Loan và một nhân vật không kém phần quan trọng, đó là Trưởng Chi nhánh CIA Mỹ tại Đài Bắc". Một điều đặc biệt là không hề có mặt nhân viên cơ quan di trú vì đây là một trường hợp ngoại lệ: Để cho việc ra đi danh chính ngôn thuận, Trần Văn Hương ký quyết định đề cử cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hướng dẫn một phái đoàn đi Đài Bắc, Đài Loan, để... phân ưu cùng Đài Loan về việc tổng thống Tưởng Giới Thạch chết, mặc dù đám ma ông Tưởng Giới Thạch đã được cử hành trước đó cả tháng trời!

Những ngày ở Đài Loan, Thiệu ngồi lặng lẽ hàng giờ cạnh chiếc radio, nghe BBC tường thuật giờ phút hấp hối của Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, ông ta đến Anh quốc và cuối cùng, Thiệu định cư tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Trong suốt thời gian sống ở Mỹ cho đến khi chết, Nguyễn Văn Thiệu rất kín tiếng. Ngay cả hàng xóm của ông ta cũng không biết họ đang ở cạnh "tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa".

Khi biết Thiệu đã định cư ở Mỹ, một vài người có mặt trong chuyến bay "bỏ của chạy lấy người" điện thoại cho Thiệu, ngỏ ý muốn đến thăm ông ta nhưng lần nào Thiệu cũng từ chối. Có lẽ cái nhục bại trận đã khiến Thiệu không muốn gặp lại thuộc cấp. Chẳng những thế, ông ta còn nhắc lại câu nói trên chiếc máy bay C118 ngày nào: "Có ai hay báo chí hỏi thì trả lời là không biết gì hết! Nghe chưa!"

PV (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem