Putin tố cáo Mỹ âm mưu phân chia mới để tăng cường sự thống trị thế giới

Thứ ba, ngày 28/10/2014 08:30 AM (GMT+7)
Các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng liên minh theo nguyên tắc không "ủng hộ" mà là "chống lại" đang làm gia tăng sự mất cân bằng trên thế giới.
Bình luận 0
Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra tại phiên họp tổng kết hội nghị thường niên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế "Valdai".

Theo ông Putin, mong muốn độc tài của Mỹ xuất phát từ tham vọng thống trị thế giới. Kết quả là đối với hầu hết các nước, khái niệm về "chủ quyền quốc gia" đã trở thành giá trị có tính tương đối.

img

Thay vì giải quyết xung đột, tình hình lại leo thang căng thẳng, thay vì các quốc gia ổn định là một không gian ngày càng hỗn loạn, thay vì nền dân chủ là sự thống trị của tư tưởng dân tộc và chủ nghĩa cực đoan. Thế giới đơn cực của Mỹ đã dẫn đến điều đó.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ tự coi mình là nước dẫn đầu duy nhất, không tự hỏi xem liệu chương trình đó sẽ công bằng và hợp lý đến đâu. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhấn mạnh khi phát biểu trước các chuyên gia quốc tế:

“Trong điều kiện thống trị của một quốc gia và các đồng minh của nó, hay nói một cách khác là vệ tinh của nó, việc tìm kiếm giải pháp toàn cầu thường biến thành mong muốn áp đặt công thức của riêng mình thành công thức phổ quát. Tham vọng của nhóm này đã tăng lên đến mức các phương pháp do họ soạn thảo bên lề được trình bày như là ý kiến ​​chung của cộng đồng thế giới. Đối với hầu hết các nước, khái niệm "chủ quyền quốc gia" đã trở thành giá trị mang tính tương đối. Về thực chất, công thức được đề xuất là: lòng trung thành với trung tâm ảnh hưởng duy nhất trên thế giới càng lớn thì tính hợp pháp của một chế độ này hay chế độ khác càng lớn theo".

Những ai từ chối làm theo công thức này sẽ phải đối mặt với các chiến dịch quân sự, các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực tuyên truyền. Trong một số trường hợp cá biệt, biện pháp tống tiền đe doạ được sử dụng nhằm chống lại các nhà lãnh đạo không vâng lời: không phải ngẫu nhiên mà cái gọi là "anh cả" lại chi ra hàng tỷ đô la cho việc giám sát theo dõi toàn thế giới, trong đó có các đồng minh thân cận của mình. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Washington cần điều đó để khẳng định sự độc quyền của họ:

“Giờ đây, chúng ta một lần nữa chứng kiến những nỗ lực để phá vỡ thế giới, vẽ đường phân chia, tạo khối theo nguyên tắc không phải là "ủng hộ" mà là "chống lại" ai đó bằng bất cứ giá nào, dựng lên hình ảnh kẻ thù và chiếm quyền dẫn dắt, nói cách khác, quyền độc tài ra lệnh. Chúng ta đều biết họ đã làm thế nào để giải thích tình hình trong kỷ nguyên "chiến tranh lạnh". Mỹ từng nói với các đồng minh rằng: "Chúng ta có một kẻ thù chung rất khủng khiếp, nó là trung tâm của cái ác; chúng tôi bảo vệ các bạn, các bạn là đồng minh của chúng tôi, vì vậy chúng tôi có quyền ra lệnh cho các bạn, bắt buộc các bạn phải hy sinh lợi ích chính trị và kinh tế của mình, các bạn phải chịu chi phí phòng thủ tập thể, nhưng lãnh đạo chương trình phòng thủ này tất nhiên sẽ là chúng tôi". Ngày nay chúng ta đã có thể thấy rõ tham vọng thực hiện trong thế giới đã thay đổi một chương trình thống trị toàn cầu, và tất cả mọi việc đều nhằm đảm bảo sự độc quyền của họ và để họ đạt được lợi ích chính trị và kinh tế".

Đồng thời, hoàn toàn không quan trọng ai sẽ là "trung tâm của cái ác": Iran - quốc gia tìm kiếm công nghệ hạt nhân, hay là Trung Quốc - nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, hoặc Nga - siêu cường hạt nhân. Điều quan trọng là nếu không có cuộc chiến với những kẻ thù này, Washington sẽ không thực hiện được kế hoạch độc tài của mình.

Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy đang ngày càng mâu thuẫn với thực tế và dẫn đến tác dụng ngược lại. Vì vậy, khi đem chính trị pha trộn với kinh tế, chính phủ một số nước đã gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của mình. Còn kẻ độc tài đơn phương thì đã thể hiện sự bất lực của mình khi đương đầu với những thách thức toàn cầu như khủng bố, buôn bán ma túy và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Nhưng nếu làm theo một cách khác thì có thể thành công. Điều này được chứng minh bởi tổ chức đang phát triển nhanh chóng như BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Để kết hợp các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, họ không cần phải tạo nên hình ảnh một kẻ thù bên ngoài. BRICS có những mục tiêu khác nhằm phát triển quan hệ giữa các quốc gia, chứ không phải là cách ly họ.

Liên bang Nga đã thực hiện sự lựa chọn của mình. Nga không cần sự độc đoán. Tuy nhiên, khi tôn trọng lợi ích của các nước khác, Nga đòi hỏi họ cũng phải tôn trọng lợi ích và quan điểm của Nga.

(Theo Đài tiếng nói nước Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem