Quán cắt tóc ở Hà Nội đông khách đột ngột trước lệnh dừng hoạt động
Sáng ngày 12/7, cửa hàng cắt tóc nam của anh Đào Duy Lý (40 tuổi, ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) nhân viên rảnh rỗi "ngồi chơi xơi nước". Có nhân viên cắt được một hai kiểu đầu cho khách xong nằm ngủ, có người cả ngày chưa có ai mở hàng.
Thế nhưng đến hơn 13h chiều cùng ngày, anh cùng mọi người nhận tin thành phố Hà Nội ra chỉ thị yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu tạm thời đóng cửa từ 0h ngày 13/7… thì mọi chuyện đã khác.
"Chỉ 15 phút sau khi chúng tôi đọc thông tin thì khách hàng lần lượt kéo đến cắt tóc. Cả cửa hàng có 9 nhân viên cứ thế hoạt động hết công suất, liên tục cho hết khách này đến khách hàng khác. Càng về chiều lượng khách mỗi lúc một đông. Khách phải chờ đến lượt", anh Lý chia sẻ.
Theo anh Lý, cửa hàng cắt có tiếng lâu năm nên lượng khách đổ về đây đông. Tuy nhiên, ngày hôm nay cửa hàng chỉ mở đúng quy định đến 21h sẽ đóng cửa phòng chống dịch Covid-19.
"Suốt 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Mở cửa được thời gian nhưng do dịch cửa hàng lại phải đóng cửa. Đợt vừa rồi, cửa hàng được mở cửa trở lại nhưng chỉ đông khách 2,3 ngày đầu. Sau đó, khách vắng kinh khủng. Có nhân viên cả ngày cắt được 1,2 cái đầu xong không có khách nằm ngủ, có ngày không có ai mở hàng.
Vừa qua, khi quán cắt tóc đóng cửa chúng tôi vẫn luôn chấp hành theo Chỉ thị của thành phố. Tuy nhiên, không ít cửa hàng 'làm chui', cắt tóc tại nhà. Nhiều khách gọi điện yêu cầu đến nhà cắt nhưng cửa hàng tôi không dám làm, chẳng may dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm", anh Lý chia sẻ thêm.
Khách xếp hàng chờ cắt tóc
Làm nghề cắt tóc vỉa hè ở quận Đống Đa, Hà Nội, đến nay đã 13 năm, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của anh Đặng Quốc Thuận cũng như nhiều ngành nghề khác.
Chiều nay, khi nghe tin thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động tiệm cắt tóc… sau 0h ngày 13/7, nhiều người đến xếp hàng chờ đến lượt. "Đợt nghỉ dịch vừa rồi nhiều khách quen gọi điện nhờ đến nhà cắt tóc nhưng tôi từ chối vì dịch bệnh phức tạp. Mấy ngày qua, mặc dù cửa hàng mở cửa nhưng khách cũng túc tắc. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh sớm được dập tắt để mọi người yên tâm làm ăn", anh Thuận chia sẻ.
Không chỉ cánh đàn ông mà nhiều chị em phụ nữ cũng rủ nhau đi gội đầu, làm tóc. "Tôi không biết khi nào cửa hàng mở cửa trở lại nên tranh thủ đi gội đầu, uốn lại tóc. Giờ dịch bệnh phức tạp cũng có chút lo sợ nhưng cửa hàng tuân thủ phòng chống dịch, đeo khẩu trang nên tôi cũng tạm yên tâm", chị Lương Thị Ngoan chia sẻ.
Chiều 12/7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Theo đó, từ 0h ngày 13/7, Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế): Lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của TP tổ chức đợt cao điểm kiểm tra xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.