Quan hệ Việt Nam - Thụy Điển thay đổi về chất

Thứ sáu, ngày 20/04/2012 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Gunnar Klinga - Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội nhấn mạnh: Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và hội nhập trong nền kinh tế thế giới đã đưa mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển sang một viễn cảnh mới.
Bình luận 0

Trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN ngày 19.4, Đại sứ Gunnar Klinga cho biết: Từ năm 2007, Chính phủ Thụy Điển đã quyết định, viện trợ song phương cho VN sẽ chấm dứt vào tháng 12.2013.

img
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh).

Cùng với đó, Thụy Điển cũng quyết định rằng, các hợp tác phát triển của Chính phủ sẽ chỉ nên tập trung vào các nước nghèo nhất trên thế giới. Thực tế là, nhờ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, giờ đây VN đang bước vào quá trình chuyển đổi thành một nước có thu nhập trung bình, nên Thụy Điển quyết định ngừng viện trợ song phương vào cuối năm 2013, đồng thời thay đổi phương thức viện trợ trong giai đoạn từ 2009-2013.

Theo đại sứ, Thụy Điển và VN đã có quá trình hợp tác chặt chẽ trong hơn 40 năm và trong thời gian hợp tác này, Thụy Điển đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ VN phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của VN và hội nhập trong nền kinh tế thế giới đã tạo nên mối quan hệ VN- Thụy Điển trong một viễn cảnh mới. Từ năm 2009-2013 là giai đoạn đánh dấu quá trình chuyển đổi mà hai nước sẽ “thoát” ra khỏi mối quan hệ “nước tài trợ- nước nhận tài trợ”. Giờ đây, chúng ta tạo dựng mối quan hệ bình đẳng hơn, hai bên cùng có lợi.

Sau khi ngừng các cam kết viện trợ ODA cho VN, Thụy Điển có duy trì bất cứ hình thức viện trợ nào cho VN hay không, thưa ông?

- Thụy Điển vẫn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và một số ngân hàng phát triển khu vực với các hoạt động tại VN. Quyết định ngừng viện trợ ODA chỉ có nghĩa là viện trợ song phương sẽ kết thúc trong tháng 12.2013. Tuy nhiên vẫn còn cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức khác để nhận được các loại tài trợ.

Một báo cáo của Cơ quan Phát triển Thụy Điển tại VN cho biết, tính đến năm 2008, Thụy Điển đã cấp vốn ODA cho VN là 3,46 tỷ USD.

Xin ông cho biết, Thụy Điển tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào ở VN và một số dự án lớn nhất của VN đã nhận được kinh phí từ nguồn vốn ODA của Thụy Điển?

- Trong quá trình phát triển và đổi mới ở VN, hỗ trợ phát triển của Thụy Điển cũng đã thay đổi theo thời gian. Trong những ngày đầu năm 1969, Thụy Điển chủ yếu hỗ trợ nhân đạo và các dự án cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, hợp tác phát triển tập trung vào hỗ trợ các tổ chức, và cải cách của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ở các lĩnh vực khác nhau như phát triển nông thôn, chính sách môi trường, ngành y tế...

Thụy Điển từng đóng góp cho một số dự án lớn tại VN bao gồm Bệnh viện Nhi ở Hà Nội, Bệnh viện ở Uông Bí và Nhà máy Giấy Bãi Bằng...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem