“Con ông cháu cha” không đủ tiêu chuẩn nên nghỉ để thay bằng người có năng lực. (Ảnh: IT)
Địa phương không dám đấu tránh (?)
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) phân tích, như trường hợp Trần Vũ Quỳnh Anh ngay từ khi được bổ nhiệm thì không thể có chuyện các cán bộ ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa lại không biết khi bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn. Còn ở Quảng Nam, khi Lê Phước Hoài Bảo lên làm Giám đốc sở thì phải có tới cả trăm người ở tỉnh biết thời điểm đó anh ta chưa đủ tiêu chuẩn.
“Tại sao có nhiều người biết sự việc lại không dám nói? Theo tôi, qua những sự việc này thì rõ ràng là vấn đề dân chủ ở cơ sở có vấn đề”, ông Cương nhấn mạnh.
Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cũng là cái tên được dư luận quan tâm trong một thời gian dài khi có "quan lộ" nhanh bất thường. (Ảnh: IT)
Theo ông Cương, qua các sự việc quan lộ thần tốc ở một số địa phương cũng cho thấy, vấn đề kiểm soát quyền lực cũng đang có vấn đề.
“Sự việc rõ ràng như thế, UBKT tỉnh Ủy ở đâu, Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ ở đâu? Chỉ có kiểm soát lỏng lẻo mới tự tung, tự tác được”, ông Cương phân tích.
Một vấn đề nữa được Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh chính là phẩm chất của một số lãnh đạo, công chức, cán bộ ở địa phương để xảy ra sự việc này. Ông Cương cho rằng một số người có ý thức kém, sợ hãi và không dám đấu tranh.
“Là cán bộ, Đảng viên, biết rõ sự việc mà lại sợ, hèn nhát không dám đấu tranh thì rõ ràng phẩm chất Đảng viên của họ có vấn đề”, ông Cương nói.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, giải pháp để hạn chế tình trạng quan lộ thần tốc là bản thân các cán bộ, Đảng viên ở địa phương phải có dũng khí, đấu tranh, các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt vai trò giám sát. Ngoài ra, việc bố trí, sắp xếp cán bộ của các cơ quan như Ban Tổ chức trung ương… cũng cần tiến hành chặt chẽ hơn.
“Cụ Hồ nói “Có cán bộ tốt ắt thành công”. Do đó cần có bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, khi đã trao quyền lực rồi phải giám sát, nếu buông lỏng thì chắc chắn sẽ xảy ra tha hóa…”, ông Cương cho biết.
Cùng chung nhận định, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, hàng loạt quan chức cấp tỉnh có đường quan lộ không đủ tiêu chuẩn thì nên hủy bỏ các kết quả đã bổ nhiệm trước đó.
“Cứ căn cứ vào các quy định của pháp luật, nếu không đủ tiêu chuẩn thì phải hủy bỏ các kết quả bổ nhiệm trước đó. Nếu cứ nói là đúng quy trình, thực tế quy trình làm gì? Để mưu đồ lợi ích của cá nhân và của lợi ích nhóm hay sao?”, ông Thước nói.
Quy trình chỉ là hình thức
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: Tổng Bí thư đã có chỉ thị chấn chỉnh công tác cán bộ nên hiện các địa phương đang ráo riết thực hiện mới “lộ” ra nhiều trường hợp quan lộ thần tốc như thế.
“Thực tế cho thấy một số địa phương cứ tuyên bố là đúng quy trình nhưng quy trình ấy chỉ là hình thức để làm vừa lòng các nhóm lợi ích. Qua hàng loạt các vụ việc quan lộ thần tốc ở các địa phương cũng cho thấy, cơ chế giám sát, kiểm tra quyền lực chưa hiệu quả và càng làm càng thấy nhiều vụ việc phức tạp”, ông Doanh nói.
Theo ông Lê Đăng Doanh, một số địa phương nếu đụng vào “con ông cháu chau” hay có mối quan hệ với các quan chức cấp cao là không giám sát được hoặc có thể giám sát được nhưng lại không dám đấu tranh do sợ “đấu tranh thì tránh đâu”.
Ông Doanh cũng lấy ví dụ, trước đây các lãnh đạo cấp cao như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đều không đề bạt con cái lên vị trí cao hơn vì các lãnh đạo này còn giữ gìn và sức ép của chính trị thời kỳ chiến tranh còn rất lớn. Tuy nhiên, ở thời kỳ cơ chế thị trường như hiện nay, vấn đề giám sát quyền lực đã yếu đi rất nhiều. Cùng với các vấn đề liên quan tới kinh tế nên việc giám sát chính trị cũng trở nên khó khăn hơn.
Nhiều trường hợp thăng tiến thần tốc "đúng quy trình" nhưng khi kiểm tra lại phát hiện không đủ tiêu chuẩn như trường hợp của cô Trần Vũ Quỳnh Anh, Sở Xây dựng Thanh Hóa. (Ảnh: I.T)
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, hiện tượng các quan chức cấp tỉnh thăng tiến thần tốc ở các địa phương dù chưa phải là “phổ biến” nhưng cũng cho thấy ngày càng gia tăng. Đặc biệt là tình trạng các cán bộ quan chức này có độ tuổi ngày càng trẻ, nhiều người mới chỉ trên dưới 30 tuổi đã giữ các vị trí quan trọng. Thậm chí, mới ngoài 30 tuổi đã lên phó chủ tịch huyện, giám đốc sở thì đúng là chưa đủ tiêu chuẩn và chưa chín muồi.
“Họ thường thăng tiến theo “lối mòn”, đầu tiên vào các vị trí cán bộ đoàn, cán bộ xã, phường… sau đó được đề bạt, cất nhắc lên các cấp tiếp theo một cách thần tốc”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, nguyên nhân là do các cán bộ này có mối quan hệ, là con của các quan chức cấp cao nên mới bố trí, cơ cấu vào vị trí cao nhanh như thế được. “Nhiều khi là làm giấu mặt, làm qua tay người khác, những vẫn cho là đúng quy trình”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, thứ nhất là thể chế, chính sách giới thiệu và đề bạt cán bộ cần phải xem lại vì luôn luôn khẳng định là đúng quy trình. Đúng quy trình nhưng thực tế lại không đủ tiêu chuẩn thì rõ ràng quy trình đã có vấn đề.
“Vấn đề chính hiện nay là phải công khai minh bạch và phải có sự giám sát của cả chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự giám sát của người dân khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ”, ông Nam nhắc lại quan điểm.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, giải pháp để hạn chế tình trạng "quan lộ" thần tốc khác thường là tự mỗi cán bộ, Đảng viên ở địa phương phải có dũng khí, đấu tranh, các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt vai trò giám sát của mình khi phát hiện có sự bất thường trong công tác cán bộ...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.