Quang Hải, Duy Mạnh, Tấn Tài... sẽ ra sân khi ĐT Việt Nam gặp ĐT Indonesia?
Quang Hải, Duy Mạnh, Tấn Tài... sẽ ra sân khi ĐT Việt Nam gặp ĐT Indonesia?
Phạm Trần Oánh
Thứ năm, ngày 18/01/2024 12:10 PM (GMT+7)
ĐT Indonesia thi đấu lăn xả, quyết liệt, có thể thô bạo. Khi đó, chưa chắc các cầu thủ trẻ từng thi đấu tốt trước Nhật Bản (một đội bóng thi đấu khoa học, dựa vào nền tảng kỹ thuật) là lựa chọn phù hợp.
ĐT Việt Nam đã có trận đấu hay trước ĐT Nhật Bản, đội bóng hàng đầu châu Á, ứng cử viên cho chức vô địch. Các cầu thủ Việt Nam đã triển khai lối đá kiểm soát 1 cách mạch lạc. Thời gian họ kiểm soát bóng và số lượng các đường chuyền gần bằng với đối thủ. Chất lượng các đường chuyền thể hiện ở tỷ lệ chuyền bóng chính xác cũng cao gần bằng đối thủ. Đây rõ ràng là sự tiến bộ về trình độ chơi bóng của ĐT Việt Nam.
Nhưng phải công bằng mà nói, chính cách chơi bóng của ĐT Nhật Bản cũng giúp các cầu thủ trẻ của ĐT Việt Nam có thể bình tĩnh, tự tin cầm bóng, thể hiện lối đá như vậy. ĐT Nhật Bản chơi bóng với 1 cách khoa học, đầy tính toán. Họ không cần phải thi đấu kiểu "lăn xả" để bù đắp các thiếu hụt về kỹ thuật, chiến thuật. Chính vì thế, chúng ta thấy họ rất ít phạm lỗi 12. Các cầu thủ Việt Nam vì thế cũng ít phải chịu áp lực bởi sự áp sát, thô bạo khi cầm bóng, có nhiều không gian, thời gian để chơi bóng, để thể hiện hơn.
Nhưng đối thủ Indonesia lại không như vậy. Từ nhiều năm nay, mỗi lần đụng đầu với ĐT Việt Nam, chúng ta đều thấy các cầu thủ Indonesia thi đấu rất quyết liệt, sẵn sàng va chạm, sẵn sàng phạm lỗi. Việc họ tranh chấp bóng một cách mạnh mẽ, đôi khi thô bạo có tác dụng làm giảm khả năng phối hợp của các cầu thủ Việt Nam. Nó tác động lên tâm lý các cầu thủ của chúng ta mỗi khi cầm bóng, phối hợp.
Những gì thể hiện trong trận đấu của ĐT Indonesia với Iraq vừa qua cho thấy, đội bóng của ông Shin Tae-yong cũng đang hướng tới lối chơi kiểm soát. Họ phối hợp cầm bóng nhiều hơn, ít sử dụng những pha vào bóng thô bạo với đối thủ hơn. Nhưng đó là với Iraq, chúng ta chưa biết khi đối đầu với Việt Nam họ sẽ đá thế nào.
Trận đấu ngày 19/1 này, với cả Việt Nam và Indonesia đều mang tính quyết định, cả 2 đều cần chiến thắng. Sau khi chơi tốt trước Iraq, HLV Shin Tae-yong và người hâm mộ Indonesia đều nhận thấy rằng chưa bao giờ ĐT Indonesia lại mạnh như vậy, chưa bao giờ họ có cơ hội để chiến thắng đối thủ "truyền kiếp" là ĐT Việt Nam nhiều như vậy, nhất là trong đội hình có tới 7 cầu thủ nhập tịch chất lượng. Thật dễ hình dung tính chất quyết liệt của trận đấu này.
Về phía ĐT Việt Nam, chúng ta rất khó đoán được đội hình ra sân của ông Troussier. Theo tư duy thông thường, đội hình đang chơi tốt trước Nhật Bản sẽ được trọng dụng.
Nhưng có 1 cách tư duy khác, đó là như đã nói ở trên, với cách đá khoa học, nghệ thuật của đối thủ Nhật Bản, các cầu thủ trẻ của chúng ta ít bị áp lực khi cầm bóng hơn. Điều đó giúp họ có một trận đấu tốt. Nhưng trước các cầu thủ Indonesia thi đấu lăn xả, vào bóng quyết liệt, có thể thô bạo, các cầu thủ trẻ có thể bị khớp, ke chân khi kiểm soát bóng. Khi đó, những cầu thủ có kinh nghiệm trận mạc, dạn dĩ với các trò ma giáo hay thô bạo sẽ có ưu thế hơn. Và những Nguyễn Quang Hải, Vũ Văn Thanh, Hồ Tuấn Tài... có thể sẽ là lựa chọn.
Mặc dù đã tỏ ra mạnh hơn, nhưng các cầu thủ Indonesia vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là khả năng kiểm soát bóng, triển khai thế trận. Họ hay để xảy ra lỗi mất bóng trong các pha thoát pressing. Khi triển khai tấn công, họ hay sa đà vào các pha dẫn bóng, được sử dụng như 1 sự bù đắp cho khả năng kiểm soát, phối hợp không tốt.
Chính vì vậy, khác với trận gặp Nhật Bản, trận này các cầu thủ Việt Nam có thể sẽ pressing thường xuyên hơn, gây áp lực nhiều hơn với hàng phòng thủ Indonesia mỗi khi họ có bóng, thúc đẩy và khai thác các sai lầm của đối phương. Mặt khác, ĐT Việt Nam cần hạn chế việc để ĐT Indonesia phối hợp triển khai tấn công từ dưới lên, mà ép thủ môn và trung vệ đối phương phải sử dụng nhiều những đường phát bóng dài 5 ăn 5 thua lên trên. Tất nhiên khi đó, không có lý do gì để thay thế cặp tấn công đang có phong độ cao là Nguyễn Đình Bắc và Phạm Tuấn Hải.
Phía sân nhà, hẳn ông Troussier sẽ tiếp tục yêu cầu các học trò phối hợp cầm bóng giống như đã làm với đối thủ Nhật Bản. Tất nhiên là các phương án chống bóng bổng cũng sẽ được ông ưu tiên tính đến. Khi khó cầm bóng phối hợp, các cầu thủ Indonesia buộc phải dùng nhiều những pha câu bổng, hy vọng vào khả năng không chiến của những cầu thủ nhập tịch to cao.
Mặt khác, chắc chắn các cầu thủ Indonesia sẽ sử dụng nhiều những pha ném biên rất khó chịu thẳng vào khu cầu môn của Nguyễn Filip. Nếu vậy, với kinh nghiệm và chiều cao của mình, khả năng cao là Đỗ Duy Mạnh sẽ có mặt trong đội hình chính, bên cạnh Bùi Hoàng Việt Anh và Phan Tuấn Tài nếu anh đã hoàn toàn bình phục chấn thương.
Tóm lại, Indonesia là 1 đối thủ đầy khó chịu. Chúng ta cùng chờ xem, để khắc chế đối thủ đầy sức mạnh và tốc độ, được bổ trợ bởi 7 cầu thủ nhập tịch như ĐT Indonesia, "Phù thủy trắng" Troussier của chúng ta sẽ dùng phép thuật gì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.