Clip: Đột nhập phòng khám chui, bệnh gì cũng tiêm là khỏi
Dân Việt nhận được phản ánh của người dân huyện Hải Hà (Quảng Ninh) về tình trạng nhiều năm nay, tại xã Quảng Thành xuất hiện các phòng khám lấy danh “Quân y”.
Bà con các xã lân cận đến đây khám chữa bệnh cho nhanh, không cần các thủ tục rườm rà như đến bệnh viện, chi phí khám chữa bệnh lại rẻ, phù hợp với người dân có mức thu nhập thấp, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, nhiều người không những không khỏi bệnh, mà còn bị biến chứng như méo miệng, co rút chân tay, dị ứng... do tiêm thuốc của những người tự xưng là “bác sỹ quân y” này.
Vào những ngày cuối tháng 4, PV Dân Việt đã có mặt tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà để tìm hiểu rõ sự việc. Người dân địa phương cho biết, ở đây có 3 người xưng là "bác sỹ quân y", gồm các ông Mão, Cường, Vương.
Các “bác sỹ quân y” này đều được quảng bá là đã hoặc đang công tác tại một số đơn vị quân đội đóng trên địa bàn huyện Hải Hà. Từ nhiều năm nay, 3 người này đã mở phòng khám, điều trị, bán thuốc cho người dân xã Quảng Thành và một số xã lân cận.
Tại nhà “bác sỹ” Vương, khi PV tiếp cận thì vị này vừa khám, bán thuốc cho nhóm 3 người phụ nữ. Thấy bệnh nhân mới đến mặt nhăn nhó, tay ôm thắt lưng, “bác sỹ” Vương liền mời vào ghế khám rồi hỏi: “Anh bị đau lưng hả?”.
Khi PV (trong vai người bệnh) nói bị đau lưng 2 hôm nay, “bác sỹ” Vương liền chỉ định tiêm mà không cần qua bất kỳ khâu thăm khám nào.
"Bác sỹ" Cường đang giới thiệu về một loại biệt dược tiêm một lần là khỏi.
“Bệnh khác thì bọn em khám, chứ bệnh đau lưng thế này thì anh kể là em biết rồi, chỉ cần tiêm” – “Bác sỹ” Vương giải thích việc tại sao ông không cần khám mà chỉ định tiêm ngay.
Loại thuốc trị đau lưng mà “bác sỹ” Vương giới thiệu gồm 2 loại, một loại sản xuất trong nước và 1 loại “nước ngoài” đắt tiền hơn. Loại “cao cấp, tốt nhất thị trường bây giờ” được bác sỹ lấy từ ngăn kéo ra giới thiệu, là loại thuốc của Bỉ, có giá 170.000 đồng/1 ống.
Lấy lý do cần tham khảo thêm, PV rời phòng khám của “bác sỹ” Vương để đến nhà “bác sỹ” Mão. Phòng khám của vị “bác sỹ quân y” này chỉ cách trụ sở UBND xã Quảng Thành khoảng 20m.
Người đàn ông trạc 55 tuổi, mặc bộ quần áo quân đội, chân đi dép lê, quần xắn ống cao ống thấp. Tại tầng 1, “bác sỹ” Mão kê chiếc giường đơn để bệnh nhân nằm, cạnh đó là tủ đựng thuốc và một số thiết bị cơ bản của ngành y.
“Bệnh nhân” vừa ngồi xuống chiếc giường đơn và kêu đau lưng, không có bất kỳ hành động thăm khám nào, “bác sỹ” Mão liền tới tủ đựng thuốc, lấy chiếc xi lanh xé vỏ bao ra để chuẩn bị tiêm.
Hoảng hốt, “bệnh nhân” hỏi: “Bây giờ tiêm luôn hả anh?”.
“Bác sỹ” Mão trả lời như một thói quen: “Không tiêm thì làm cái gì bây giờ hả?”.
Loại thuốc được giới thiệu là kháng viêm, giảm đau mà những người tự xưng là"bác sỹ quân y" ở xã Quảng Thành, huyện Hải Hà dùng để tiêm cho nhiều loại bệnh.
Khi hỏi chuẩn bị tiêm thuốc gì, “bác sỹ” Mão hồn nhiên nói: “Đau thì tiêm thuốc đau chứ còn tiêm thuốc gì nữa”. Để an lòng người bệnh, ông Mão còn khẳng định: “Cả cái huyện này tiêm thuốc đau lưng hết không phải lo chuyện gì cả”. Bệnh nhân hỏi nhỡ mai lại đau thì sao, ông Mão tiếp tục hồn nhiên: “Mai lại tiêm mai, chứ tiêm một hai hôm làm sao khỏi được”.
Do bị “bệnh nhân” thắc mắc nhiều, “bác sỹ” Mão tỏ ra giận dỗi: “Thôi lên bệnh viện mà chiếu chụp”.
PV tiếp tục trong vai bệnh nhân để đến nhà “bác sỹ” Cường ở đầu thôn Hải Thành. Phòng khám của “bác sỹ” Cường là một quầy thuốc có treo bảng quầy thuốc Cường Hoa. Vị “bác sỹ” trẻ tuổi mặc quần áo quân đội cũng đề xuất tiêm ngay khi bệnh nhân nói đau lưng.
Loại thuốc mà “bác sỹ” Cường giới thiệu là loại kháng viêm, giảm đau, được sản xuất tại Việt Nam. Khi được đề xuất cho dùng loại thuốc gì nhanh khỏi để đi làm, “bác sỹ” Cường mới dè dặt giới thiệu về một loại “biệt dược” của nước ngoài, hiệu quả cao hơn và ít tác dụng phụ hơn, có tên là Diprospan, với giá là 250.000 đồng/1 ống.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, từ nhiều năm nay 3 “phòng khám” này hoạt động công khai trên địa bàn xã Quảng Thành. Hầu hết bệnh nhân đến các phòng khám này đều được chỉ định tiêm một loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Người dân địa phương cho biết, một số trường hợp đã bị biến chứng như teo cơ, méo miệng, co rút chân, tay sau khi tiêm thuốc của những người tự xưng là “bác sỹ quân y” này.
Trả lời Dân Việt, ông Trần Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành khẳng định, phòng khám của các ông Mão, Vương, Cường đều không có giấy phép hoạt động.
Dân Việt tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.