Chênh vênh những phận người
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, moong đất sét này rộng đến hàng nghìn mét vuông với độ sâu cả chục mét, lại trong tình trạng nước ngập ngang lưng.
Thêm vào đó, phần đất xung quanh miệng hố đã bị sạt lở nghiêm trọng. Theo lời người dân, trước đây có một con đường dân sinh rộng 4m nằm sát miệng hố nhưng giờ không còn vì sạt lở. Nguy hiểm hơn, phần đất bị sạt lở đang ăn dần cả vào khu vực gần cột điện cao thế và nhà của các hộ dân sống quanh đây.
Hầu như các nhà dân sống trong khu vực này đều bị nứt tường, móng và gãy mái. Vài nhà mới xây được khoảng 1 năm cũng đã bị hư hại. Bác Phạm Dương tại đây cho biết: Nhà bác không chỉ phần tường xuất hiện những vết nứt dài mà ngay cả phần mái cũng gãy cắt đôi. Con đường dân sinh nằm trước nhà dân cũng bị kéo tụt một phần xuống moong, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn.
Trần Thị Quýt kể lại nỗi đau mất 2 người con tại moong đất sét với phóng viên Dân Việt.
Người dân sống quanh khu vực bày tỏ quan ngại: Các nhà ở đây nhà nào cũng có trẻ con, toàn những cháu mới học mẫu giáo hoặc học tiểu học, đều chưa ý thức được. Nguy cơ mất an toàn là điều dễ nhận thấy. Trước đó vào năm 2006, tại moong sâu này, một tai nạn thương tâm đã xảy ra cướp đi sinh mệnh của hai con trai chị Trần Thị Quýt (tổ 47, khu 5 phường Hà Khẩu).
“Hôm đó vợ chồng chị đi làm, để hai cháu Phan Thanh Thắng (11 tuổi) và Phan Thanh Chiến (9 tuổi) ở nhà. Lúc trở về không thấy con đâu, chị chạy đi tìm. Ra đến nơi thấy đôi dép mới mua cho con còn lại trên miệng hố, mới biết hai con mình ngã xuống hố chết đuối", chị Trần Thị Quýt nén đau thương kể lại.
>> Cận cảnh moong đất sét gây họa cho dân tại Quảng Ninh
Nhìn di ảnh 2 cháu bé trên ban thờ trong ngôi nhà cấp 4 của chị Quýt khiến chúng tôi cũng nghẹn lòng. Nỗi đau của chị Quýt càng dâng lên tột cùng khi chị kể chồng chị cũng mới mất cách đây một năm. Được biết khi hai con chị mất, chị chỉ nhận được một phần hỗ trợ từ phía chính quyền phường, còn đơn vị khai thác không hề có động thái nào. Khi được hỏi tại sao chị không khiếu nại, chị ngậm ngùi: “Thôi con mình mất thì mình thiệt, kiện tụng cũng được gì đâu(!)”.
Bao giờ cho hết chênh vênh?
Điều đáng nói là các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân sống quanh khu vực khai thác sét lại hết sức thô sơ: một hàng rào bao quanh và một tấm biển cảnh báo. Gọi là “hàng rào” nhưng kì thực đây chỉ là những cọc tre được cắm xuống đất nối nhau bởi những sợ dây dù. Tấm biển cảnh báo với dòng chữ “Khu vực nguy hiểm cấm vào” đứng chênh vênh bên miệng hố. Với tình trạng sạt lở như hiện nay ai dám chắc tấm hàng rào và biển cảnh báo này không bị cuốn trôi xuống hố một lúc nào đó? Với khu vực bị sạt lở, đơn vị khai thác cũng đã tiến hành đổ đất lên nhưng theo quan sát, nơi này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Được biết, mỏ sét đồi Gia Binh tỉnh đội thuộc khu 5 phường Hà Khẩu do UBND tỉnh cấp phép cho Công ty cổ phần Viglacera thực hiện khai thác từ nhiều năm nay. Tuy nhiên những bất cập về vấn đề môi trường và dân sinh chưa được đơn vị khai thác giải quyết triệt để gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân.
Theo lời người dân, các đơn kiến nghị đã nhiều lần được gửi lên các cấp chính quyền nhưng tình hình hầu như không được cải thiện. Mới đây UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực địa tại mỏ sét này. Các cấp chính quyền cũng có văn bản chỉ đạo công ty cổ phần Viglacera thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn cho hạ tầng, dân sinh và có biện pháp bảo vệ môi trường.
Đại diện chính quyền phường Hà Khẩu cũng cho hay, phía công ty Cổ phần Viglacera đã cam kết sẽ điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục với những thiệt hại của người dân được cho là có liên quan đến quá trình khai thác sét. Tuy nhiên đến nay, người dân ở đây ngày ngày vẫn nơm nớp lo về sự an toàn cho tính mạng con em mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.