Quây bạt “giải cứu” giếng cổ Thiên Quang – Văn Miếu Quốc Tử Giám

Thành An Thứ năm, ngày 13/07/2017 10:57 AM (GMT+7)
Giếng Thiên Quang – một hạng mục quan trọng của khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nếu không có biện pháp can thiệp cấp thiết sẽ không thể cứu vãn.
Bình luận 0

Clip: Khu vực giếng Thiên Quang trong khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang được quây bạt, dựng hàng rào sắt để chờ tôn tạo, tu bổ.

Báo động “cứu chữa” khẩn cấp

Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang còn gọi là Thiên Quang tỉnh (tức "giếng soi ánh sáng bầu trời”) có tổng diện tích khoảng 900m2, niên đại gần 950 năm, là một hạng mục quan trọng trong khu Nội tự di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội).

img

Giếng Thiên Quang là một hạng mục quan trọng trong khu Nội tự di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Thời gian gần đây, đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám khách tham quan “ngỡ ngàng” trước cảnh xung quanh giếng Thiên Quang bị quây bạt, nhiều người cảm thấy hụt hẫng trước việc không được ngắm cảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám trọn vẹn.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hiện trạng giếng Thiên Quang đang xuống cấp trầm trọng. Phần móng của công trình giếng Thiên Quang hiện đã bị sụt lún, trôi trượt nghiêm trọng, làm giảm khả năng chịu lực cũng như sự ổn định của tường giếng. Mức độ an toàn của công trình hiện nay khá thấp, một số đoạn móng kè nhất là đoạn móng kè đã bị lún nếu chịu thêm những tác động bất lợi khác như nền đất vẫn tiếp tục lún sụt, thời tiết mưa bão… thì thực sự rất nguy hiểm. Nếu không được xử lý chống đỡ kịp thời, công trình có thể bị phá hủy hoàn toàn. Sự việc xảy ra và được phát hiện vào cuối tháng 3.2017.

img

Trực trạng giếng Thiên Quang đang bị xuống cấp trầm trọng, phần móng đã bị sụt lún, trôi trượt, làm giảm khả năng chịu lực cũng như sự ổn định của tường giếng.

Theo ông Kiêu, sở dĩ giếng Thiên Quang nằm trong tình trạng nguy hiểm, khẩn cấp “cứu chữa” như hiện nay là bởi móng công trình thuộc dạng móng nông xây gạch chịu lực, đế móng đặt trong lớp đất yếu, có sức chịu tải nhỏ, thành phần không đồng nhất, dễ biến dạng, gia cố móng bằng hệ cọc tre mật độ ít, sơ sài.

Chất lượng của phần chân móng không đảm bảo kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng, vữa xây có cường độ thấp, độ bám dính kém, do đó mạch xây liên kết không chắc chắn. Vật liệu xây dựng không đồng đều về chủng loại. Công trình giếng được xây dựng từ rất lâu, các lần cải tạo gần đây chủ yếu chỉnh trang kiến trúc, chất lượng kết cấu của công trình giảm dần theo thời gian.

img

Hiện tại, khu vực giếng Thiên Quang đã được che bạt, làm hàng rào quanh công trình, đồng thời tổ chức phân luồng, đặt biển cảnh báo khách tham quan không lại gần khu vực đang xảy ra sự cố. Ảnh: Thành An

Bên cạnh đó, ảnh hưởng lên xuống của mực nước bên trong giếng gây tác động xâm thực vào khối xây có chất lượng thấp, nền đất yếu dễ bị cuốn theo gây sạt lở, tạo thành hàm ếch dưới móng, kéo theo sự sụt lún khối xây móng. Hàng gạch cuối cùng dưới đế móng hiện tại đã bị lún tụt, khiến nước tràn vào bên trong đế móng gây xói mòn đất bên dưới đế móng, khiến cho móng càng dễ bị sụt lún dẫn đến phá hủy công trình… Thêm nữa, ảnh hưởng hoạt tải do con người đi lại xung quanh tác động lên nền đất yếu cũng khiến mặt nền bị lún sụt.

“Tất cả các yếu tố trên đều là nguyên nhân gây ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định của móng kè khiến cho móng giếng bị lún sụt, trôi trượt như hiện nay” – ông Kiêu nói.

img

Trong tuần này, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ trình lên Sở VH-TT Hà Nội phương án tu bổ giếng Thiêng Quang. Ảnh: Thành An

Cứu di tích – việc không thể chậm trễ

Ngay sau khi phát hiện sự cố tại di tích giếng Thiên Quang, Trung tâm Hoạt động VH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội, tiến hành khảo sát, kiểm định chất lượng hiện trạng công trình; tham mưu với Sở VH - TT Hà Nội tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực di sản văn hóa; hoàn thiện báo cáo phương án tu bổ cấp thiết khu vực giếng Thiên Quang trình các cấp có thẩm quyền để tạo cơ sở triển khai trên thực địa.

“Trong tuần này trung tâm sẽ trình lên Sở VH-TT Hà Nội phương án tu bổ giếng Thiêng Quang. Việc tu bổ là cấp thiết” - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định.

img

Theo phương án tu bổ cấp thiết, các bộ phận công trình chưa bị hỏng sẽ được giữ nguyên, phần móng hư hỏng được gia cố và kè bằng đá hộc, chắn đất, chống sạt lở chân móng… Ảnh: Thành An

Theo phương án tu bổ cấp thiết khu vực giếng Thiên Quang, các bộ phận công trình chưa bị hỏng sẽ được giữ nguyên, phần móng hư hỏng được gia cố và kè bằng cách xây chèn đá hộc vào đế móng, bơm bê tông vào các chỗ rỗng, hở; chắn đất, chống sạt lở chân móng…

img

Theo các chuyên gia, nhà văn hóa lịch sử, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai công tác tu bổ, cải tạo giếng Thiên Quang bởi tính cấp thiết của sự việc. Ảnh: Thành An

Hiện tại, khu vực giếng Thiên Quang đã được che bạt, làm hàng rào quanh công trình, đồng thời tổ chức phân luồng, đặt biển cảnh báo khách tham quan không lại gần khu vực đang xảy ra sự cố. Những phần việc này được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như hạn chế những tác động có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của di tích.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, mỗi năm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón hơn 1,5 triệu du khách.

Lo lắng trước thực trạng di tích, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Các cơ quan, ban, ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai công tác tu bổ, cải tạo bởi tính cấp thiết của sự việc. Nếu kéo dài thời gian thực hiện thì thành giếng, móng giếng có thể đổ sập bất cứ lúc nào, và như thế không chỉ mất di tích mà các hạng mục kiến trúc xung quanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Khuê Văn Các, di sản tư liệu thế giới Văn bia tiến sĩ.

PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Khi đã xem xét, lựa chọn được phương án tu bổ tối ưu, các cơ quan chức năng có liên quan cần áp dụng những quy định có lợi nhất cho di tích, rút ngắn thời gian giải quyết quy trình, thủ tục… để tránh xảy ra tình trạng di tích xuống cấp không thể cứu vãn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem