Quốc hội sẽ có nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử

Lương Kết Thứ năm, ngày 31/03/2016 06:53 AM (GMT+7)
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng nay 31.3, Chủ tịch Quốc hội mới sẽ được bầu ra.
Bình luận 0

Bước vào giờ làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

img

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội sẽ tiền hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ.

Trong danh sách trình nhân sự để Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch Quốc hội có duy nhất bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân SN 1954, quê ở Bến Tre, bà đã từng đảm nhiệm các vị trí công tác như Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, bà Ngân được tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI, và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 8.2011, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Tháng 5.2013, Hội nghị Ban chấp hành TƯ Đảng lần thứ 7 khóa XI đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, bà Ngân được tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII, và được Ban Chấp hành TƯ bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Trong hai lần Quốc hội khóa XIII tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều dành số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Hôm nay Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Theo chương trình làm việc, chiều 31.3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang, đồng thời giới thiệu người để bầu vào chức danh này.

Theo quy định các bước để miễn nhiệm Chủ tịch nước được Quốc hội thực hiện như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước, sau đó Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc này.

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả thảo luận tại Đoàn việc miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Chủ tịch nước phát biểu ý kiến (nếu có). Tiếp theo Quốc hội miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Sau khi miễn nhiễm xong Chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ông Trương Tấn Sang SN 1949, quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 20 tháng 12 năm 1969; Chính thức ngày 20 tháng 12 năm 1970. Ông Trương Tấn Sang từng giữ các chức vụ Chủ tịch UBND TP. HCM, Bí thư Thành ủy TP. HCM, Trưởng ban Kinh tế TƯ, Thường trực Ban Bí thư. Tháng 7.2011, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem