Quốc hữu hóa dầu mỏ, Argentina gây sốc

Thứ ba, ngày 01/05/2012 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổng thống Argentina, bà Cristina Fernandez de Kirchner, vừa tuyên bố chính phủ sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty xăng dầu lớn nhất nước này - công ty YPF.
Bình luận 0

Quyết định gây tranh cãi

Hiện, phần lớn cổ phần của công ty YPF nằm trong tay Công ty Repsol của Tây Ban Nha (57%). Kế hoạch quốc hữu hóa đánh dấu mốc mới về những tranh cãi kéo dài giữa Công ty Repsol và chính phủ của Tổng thống Kirchner đã được vạch ra hàng tháng qua.

img
TT Argentina, bà Cristina Fernandez de Kirchner

Chính phủ Argentina chỉ trích YPF đưa ra sản lượng thấp khiến Argentina phải chi nhiều tiền để nhập khẩu năng lượng và khi chuyển công ty vào tay chính phủ, sản lượng sẽ tăng lên, giảm gánh nặng nhập khẩu xăng dầu của nước này. Trong khi đó, Repsol chỉ trích hành động của chính phủ Argentina hoàn toàn trái luật và sẽ nghiên cứu kỹ các điều luật nhằm phản ứng lại.

YPF xuất thân là công ty quốc doanh khi được thành lập vào năm 1922, trước khi được tư nhân hóa từng phần năm 1993. Repsol giành quyền kiểm soát công ty năm 1999 và đang nắm giữ 57% cổ phần.

Gia đình Eskenazi tại Argentina nắm giữ 25,5% cổ phần và quyền quản lý công ty hàng ngày. Số cổ phần còn lại của công ty được giao dịch tại sàn chứng khoán New York và Buenos Aires.

Argentina tuyên bố họ sẽ quốc hữu hóa 51% cổ phần của YFP, để lại cho Repsol 6% cổ phần, vì tập đoàn này không đầu tư tương xứng vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.

Quyết định tước quyền sở hữu YPF từ tay Repsol đã nhận được sự ủng hộ sâu rộng trong Nghị viện Argentina cũng như dân chúng nước này, ngay cả cựu Tổng thống Carlos Menem – người đã từng ra quyết định bán nhiều doanh nghiệp nhà nước trong làn sóng tư nhân hóa ở Argentina khi ông là Tổng thống, từ năm 1989 – 1999.

Cựu Tổng thống Carlos Menem, nay là một Thượng nghị sỹ, 81 tuổi, cho rằng Repsol đã mang hết lợi nhuận của YPF ra khỏi Argentina và không đầu tư vào bất cứ cái gì ở nước này.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Kế hoạch Argentina, sẽ không có chuyện quốc hữu hóa tài sản của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) tại Argentina. Argentina hoan nghênh việc Petrobras tăng thị phần của mình trong lĩnh vực dầu mỏ ở Argentina ngay cả khi chính phủ nước này mở rộng sự kiểm soát với thị trường.

Quyết định trên gây căng thẳng về ngoại giao giữa Argentina với Tây Ban Nha và châu Âu

Nhảy dựng

img
Công ty Repsol, Tây Ban Nha - “nạn nhân” việc quốc hữu hóa dầu mỏ của Argentina

Repsol và Tây Ban Nha gọi quyết định tái quốc hữu hóa của Argentina với YPF là một sự “ăn cướp trắng trợn”, tấn công vào lợi ích của họ. Còn EP gọi quyết định tái quốc hữu hóa trên là “cuộc tấn công nhằm vào việc thực thi doanh nghiệp tự do và nguyên tắc rõ ràng về pháp lý”, điều sẽ làm tổn hại tới môi trường đầu tư của Argentina.

Hiện Tây Ban Nha cũng đã thực hiện những biện pháp trả đũa đầu tiên khi thông báo sẽ chấp thuận một biện pháp thúc đẩy sản xuất nhiên liệu diesel sinh học trong nước, do đó sẽ làm giảm nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Argentina. Năm ngoái Tây Ban Nha nhập khẩu 700 triệu euro (923,4 triệu USD) dầu diesel sinh học từ Argentina để sử dụng làm nhiên liệu nông nghiệp, Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha cho biết.

Tây Ban Nha là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Argentina, xếp trên cả Hoa Kỳ. Lượng đầu tư trực tiếp tại Argentina từ Tây Ban Nha đạt 23 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 26,3% tổng đầu tư trực tiếp vào Argentina, so với 16,8% của Hoa Kỳ, theo Ngân hàng Trung ương Argentina. Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Sáenz de Santamaria, các biện pháp trả đũa chính trị và ngoại giao cũng đang được xem xét nhưng chưa có quyết định thực hiện.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha đã kêu gọi châu Âu và các quốc gia khác thông qua những lệnh trừng phạt cụ thể nhằm buộc Argentina đền bù cho hãng dầu mỏ Repsol sau khi quốc hữu hóa liên doanh của Repsol YPF.

Phát biểu trước thềm cuộc gặp tại Luxembourg ngày 23.4 với các bộ trưởng ngoại giao châu Âu khác, ông José Manuel García-Margallo cho biết Tây Ban Nha sẽ thúc giục khu vực tiến hành áp những lệnh trừng phạt lên quốc gia Mỹ Latin này, bao gồm cả dỡ bỏ hiệp định thương mại ưu tiên. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Argentina.

Ông García-Margallo cũng cho biết Tây Ban Nha sẽ tìm kiếm sự hưởng ứng từ những tổ chức đa quốc gia khác nữa như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới, tạo áp lực buộc Argentine quay lại đàm phán với Repsol, hãng dầu mỏ lớn nhất Tây Ban Nha, về việc đền bù những tổn thất cho hãng này sau khi YPF bị quốc hữu hóa. Garcia-Margallo nói: “Sự kiện YPF không phải chỉ là vấn đề của Tây Ban Nha. Nó ảnh hưởng tới mọi quốc gia”.

Châu Âu hiện chiếm hơn 50% đầu tư nước ngoài vào Argentina, và “đầu tư nước ngoài vào một quốc gia không thể là đối tượng cho những tình cảm chủ quan của những nhà lãnh đạo chính trị”.

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 20.4 đã ra nghị quyết lên án Argentina vì quyết định quốc hữu hóa Công ty dầu mỏ YPF thuộc kiểm soát của Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, đồng thời yêu cầu Liên minh Châu Âu (EU) kiện Buenos Aires lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nghị quyết trên đã được hầu hết các đảng lớn trong EP có trụ sở tại Strasbourg (Pháp) ủng hộ. Đồng thời, EP cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa vấn đề ra WTO và Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) cũng như nghiên cứu các biện pháp để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của EU trong tương lai. Và không chỉ có Repsol, Tây Ban Nha và EU, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cùng ngày cũng lên tiếng chỉ trích quyết định “chiếm đoạt YPF” của chính phủ Argentina là một “quyết định sai lầm”.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Mexico vào tháng 6 tới có thể sẽ là dịp để Tổng thống Argentina Cristina Fernandez và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đối mặt với nhau lần đầu tiên về vấn đề gây sóng gió trong quan hệ hai nước này.

Venezuela mới?

Sau khi Argentina tuyên bố quốc hữu hóa tài sản của công ty năng lượng Repsol YPF, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại về việc nước này nối gót Venezuela và các tập đoàn quốc tế sẽ sớm thoái vốn khỏi nơi đây.

Argentina vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhưng cũng đầy tai tiếng với những hỗn loạn về kinh tế và chính trị. Rất nhiều nhà đầu tư thế giới đã mất sạch tiền của sau vụ vỡ nợ của chính phủ nước này trong năm 2001, khi khoản nợ 120 tỷ USD của chính phủ mất giá tới 65%, chỉ còn 35 cent cho mỗi một đô la.

Người Argentina cũng biết về những tai tiếng của đất nước trên thị trường toàn cầu, mà Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner cho rằng đó là những bước đi cần thiết để đảm bảo ổn định nền kinh tế trong nước.

Chính sách này của bà đã được Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hưởng ứng nhiệt liệt. Trước đó, Venezuela cũng nổi tiếng nhờ những vụ quốc hữu hóa trong ngành khai thác vàng sau một chuỗi những vụ sung công tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong ngành dầu khí. “Chủ nghĩa tài nguyên quốc gia” là nỗi sợ hãi đáng lo ngại nhất của các hãng khai mỏ. Ít thì họ sẽ bị tăng thuế như tại Australia, mà tồi tệ nhất thì các mỏ khai thác của họ sẽ bị quốc hữu hóa toàn bộ.

Argentina hiện đã đánh thuế xuất khẩu dầu mỏ rất nặng trong khi trợ giá cho tiêu dùng trong nước. Điều này khiến cho cán cân tiêu thụ dầu mỏ của nước này thâm hụt trong năm 2011, lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ.

Trong hoàn cảnh này, có thể dễ dàng thấy được lý do tại sao chính phủ nước này hành động liều lĩnh đến vậy. Argentina đã bị hạn chế rất nhiều trong khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế sau khi phá giá đồng peso sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001. Đầu tư nước ngoài vào trong nước giảm đáng kể trong khi vốn từ những người giàu có trong nước lại chảy ngược ra thị trường bên ngoài.

Báo cáo của Capital Economics nhận định: “Đồng peso đã chịu một áp lực mất giá trong suốt thời gian dài trong khi dòng vốn liên tục chảy khỏi nước này. Trong hoàn cảnh này, việc quốc hữu hóa các công ty nước ngoài trở thành phương thức hữu hiệu để chính phủ có được tiền mặt”.

Theo Thế giới & hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem