Quý I/2020, Việt Nam có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo
Quý I/2020, Việt Nam có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo
Thanh Phong
Thứ sáu, ngày 27/03/2020 16:46 PM (GMT+7)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả năm 2020, dự kiến Việt Nam có khả năng xuất khẩu từ 5 đến 6 triệu tấn gạo. Trong đó, quý I/2020, sản lượng gạo có thể xuất khẩu ở mức 1,5 triệu tấn, tương đương 2,3 triệu tấn lúa.
Chiều 27/03, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2020. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên toàn cầu và ở cả Việt Nam.
"Dịch Covid-19 lan rộng đã khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đều đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế", ông Lâm cho hay.
Cũng theo thông tin từ ông Lâm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngoài ra, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của toàn ngành.
"Trong Quý I/2020, sản lượng lúa chủ yếu đến từ ĐBSCL, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn. Hiện nay, sản lượng lúa của khu vực này từ 2 vụ là vụ mùa và vụ Đông Xuân. Tổng sản lượng lúa của cả 2 vụ này đạt 11,3 triệu tấn, giảm 336 nghìn tấn, khoảng 2,9%. Trong đó, riêng vụ Đông Xuân đạt 10,6 triệu tấn, 310 nghìn tấn, khoảng 2,8%", đại diện Tổng cục Thống kê thông tin.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về việc, vừa qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra thông báo về việc đồng ý đề xuất của Bộ Công Thương dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực thời kỳ dịch bệnh. Sau đó, Tổng cục Hải quan cũng đã đưa mặt hàng này vào diện cấm xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương ngay lập tức có văn bản đề nghị được tiếp tục xuất khẩu. Vậy, sản lượng gạo sản xuất và tích trữ trong nước hiện tại có đủ phục vụ nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực và vẫn có thể xuất khẩu?
Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết, theo bảng thống kê chỉ tiêu quốc gia về vấn đề cân đối lương thực, thực phẩm, trong năm 2020, ngành nông nghiệp có thể xuất khẩu khoảng 5 đến 6 triệu tấn gạo mà vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
"Trong quý I, nguồn cung lúa tính cả lượng hàng tồn và sản xuất đạt 13,6 triệu tấn lúa. Trong đó, lượng lúa làm thức ăn chăn nuôi và làm giống lần lượt ở các mức 0,85 và 0,3 triệu tấn,…
Hiện tại, khi khu vực ĐBSCL đang trong tình trạng hạn mặn, về phương án xuất khẩu gạo trong Quý I, chúng ta có 1,5 triệu tấn gạo, tương đương với 2,3 triệu tấn lúa. Khi chúng tôi cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng, dù xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo vẫn còn dư khoảng 150 nghìn tấn", ông Hiếu cho hay.
Trước đó, vào chiều 26/3, tại TP.HCM, đoàn liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT,… tổ chức cuộc họp với các DN, tỉnh thành về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.
Tại cuộc hợp, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hiệp hội và các DN, đại diện các địa phương sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL đều kiến nghị với Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Theo ông Nam, nguồn cung gạo trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, hạn mặn chỉ ảnh hưởng diện tích nhỏ, các vùng sản xuất lúa chủ yếu đều không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương sản xuất lúa gạo đã triển khai gieo sạ vụ Đông Xuân 2019-2020 sớm. Do đó, hoạt động thu hoạch sớm trước 20 ngày đến một tháng nên trúng mùa, không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.