“Nhiều người cho rằng gần như chắc chắn ông sẽ trở thành tân Chủ tịch VFF sau khi đại hội diễn ra ngày 25.3 tới. Ông có nghĩ “chiếc ghế” này hấp dẫn?”. Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết: “Chiếc ghế” ấy có hấp dẫn hay không phụ thuộc vào việc ai ngồi ở vị trí đó, mà phụ thuộc vào nền bóng đá Việt Nam (BĐVN) có hấp dẫn hay không. Nếu có nhiều trận đấu đẹp như cách đội tuyển U19 thể hiện, nếu có nhiều trận V.League hay như cuộc đọ sức giữa SLNA – Hà Nội T&T thì khi đó BĐVN thực sự có sức hút. Nhưng lúc này, rõ ràng BĐVN không hấp dẫn bởi tồn tại quá nhiều vấn đề, chất lượng sa sút, bạo lực sân cỏ hoành hành.
Ông Lê Hùng Dũng (giữa) rất tự tin vào khả năng của mình nếu trở thành tân Chủ tịch VFF.
Ông Dũng cho hay, nhiều người đã khuyên can ông đừng nhảy vào “ổ kiến lửa”. “Nhưng tôi nghĩ đó là định mệnh, số phận buộc tôi phải gắn bó và làm được một điều gì đó cho BĐVN. Nếu tôi nói “không” ở thời điểm khó khăn này, vẫn còn nhiều người đủ khả năng làm nhưng họ ngán ngại nên tránh” - ông Dũng nói. Một điều đáng chú ý, theo lời ông Dũng là nếu ông trúng cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, ông sẽ làm việc mà không nhận lương: “Trong nhiệm kỳ của mình, tôi cũng sẵn sàng “chịu đòn”, miễn sao tạo ra sự phát triển cho bóng đá nước nhà. Khi mọi thứ đã ổn rồi, hết nhiệm kỳ VII, tôi sẽ nghỉ ngay”.
Về cương lĩnh tranh cử, hoạch định đường lối phát triển cho BĐVN, ông Dũng cho hay kế hoạch phát triển BĐVN đã có trong đầu ông từ lâu rồi, sau những tháng ngày suy nghĩ, trăn trở, và ông sẽ trình bày đầy đủ trước toàn thể Đại hội trong sáng 25.3. “Chắc rằng kế hoạch của tôi không đến nỗi nào, ít nhất cũng khá hơn những nhiệm kỳ trước”- ông Dũng tự tin.
Ngày 11.3, Bộ Nội vụ đã có công vă đồng ý để VFF tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII trong thời gian từ ngày 24 đến 25.3.2014, tại Hà Nội. Danh sách ứng cử viên BCH VFF do các tổ chức thành viên đề cử gồm 35 người và Đại hội sẽ bầu lấy 23 ủy viên.
|
Điều được nhiều người quan tâm là trong trường hợp ông Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức (hai người vốn đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF) trúng cử lần lượt vào chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF thì liệu có tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? Rất thẳng thắn, ông Dũng trả lời ngay rằng: Tôi với tư cách đại diện cho 35,1% vốn của VFF trong VPF chỉ quan tâm tới chuyện tài chính. Xem họ sử dụng đồng tiền có hợp lý hay không mà thôi. Còn về chuyện chuyên môn, chúng tôi không can thiệp vào, trừ khi họ làm sai, gây bất lợi cho BĐVN. Thực tế, chúng tôi rất mong VPF ngày càng hoạt động độc lập, điều hành tốt các giải bóng đá quốc gia, đặc biệt là V.League. Khi đó, VFF có thể rảnh tay làm các nhiệm vụ chiến lược: đào tạo trẻ, đầu tư cho các đội tuyển quốc gia, kiếm tiền cho BĐVN…
Theo ông Dũng, chắc chắn sẽ không có chuyện VFF dùng quyền lực để buộc VPF đi theo định hướng của mình, biến VPF thành “ông em” sai vặt. “Hiện tại, chúng tôi đang đặt rất nhiều niềm tin vào Trưởng ban tổ chức V.League là chuyên gia người Nhật Bản Tanaka Koji. Tôi biết rõ người Nhật họ không làm gì đột biến ngay đâu, mà làm việc cần cù, từng bước. Nhưng khi đã đạt tới một trình độ cơ bản nhất định, thì sẽ phát triển rất nhanh, bền vững dựa trên “cái nền” ấy” - ông Dũng kết luận.
Tuệ Minh (Tuệ Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.