“Quỳnh Anh thi Got Talent” hay câu chuyện của lòng tham?

Chủ nhật, ngày 04/03/2012 12:12 PM (GMT+7)
Những câu chuyện liên quan đến lòng tham trong xã hội cuối cùng đều “chết” vì lòng tham. Những bà mẹ ngộ nhận vì con cái, muốn con gặt hái vinh quanh cũng lú mê đi mà đánh giá nhầm chính con mình...
Bình luận 0

Chuyện cô bé 15 tuổi Quỳnh Anh tham gia chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Got Talent (VGT) bị loại và mẹ cô đã cướp diễn đàn để bênh vực con mình đã gây nên làn sóng dư luận khá ồn ào trong thời gian qua. Bất ngờ hơn là ngày 24.2, Quỳnh Anh đã đăng tải lá thư với nội dung “Lời kêu cứu khẩn cấp” khi bị “búa rìu dư luận trút lên đầu”gửi bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội lại khiến dư luận một lần nữa “dậy sóng”…

Dưới đây là ý kiến của PGS. TS Trịnh Hòa Bình – GĐTT Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

Truyền thông không có tội

Phải nói thật rằng tôi đã rất kiên nhẫn mới có thể đọc hết lá thư của cô bé và thấy tội nghiệp vì bỗng dưng em thành cái bung xung. Sự việc càng làm lớn lên lại càng thấy cái dở của gia đình cô bé. Ngay từ khi thi hát ở VGT, ban giám khảo đâu có nói gì đau đớn lắm đâu mà mẹ cô bé phải phản ứng như thế!?

img
Mẹ con Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent

Với bức thư “Lời kêu cứu khẩn cấp”, mặc dù là chữ viết của Quỳnh Anh nhưng ai nhìn vào cũng thấy có bóng dáng của mẹ em ở đó. 15 tuổi, em chưa đủ già dặn để có những toan tính của người lớn khi kết tội từ ban giám khảo tới hệ thống truyền thông, những người đưa ý kiến nhận xét…

Suốt thời gian qua, câu chuyện “lùm xùm” này cho thấy không ai chà đạp lên cô bé mà Quỳnh Anh đã trở thành nạn nhân, kể cả sau bức thư này, mọi người cũng sẽ thương em chứ không giận.

Xét ở góc độ nào đó, mỗi tờ báo khai thác sự việc theo cách khác nhau và vô tình tạo nên làn sóng. Nhưng, nếu mẹ của cô bé biết dừng lại, biết đào “giao thông hào” thì lốc truyền thông chỉ ở trên đầu, lao xao một chút rồi thôi. Suốt thời gian qua, người ta phê phán vào bà mẹ chứ không phải vào cô bé, nhưng cũng vì những sự phản ứng của bà mẹ thái quá nên biến cô bé thành cái bung xung.

Con gái tôi ở tuổi mới lớn, nó cá tính lắm, không dễ gì mà “dắt mũi” nó được, trẻ con bây giờ cái Tôi lớn lắm. Mẹ của bé Quỳnh Anh can thiệp quá sâu vào mọi chuyện của em cho thấy em thuộc diện sống trong “phòng kính” và nhìn mẹ là thần tượng. Giả sử nếu cô bé có tài năng thật sự mà người mẹ can thiệp, kiểm duyệt từng bước đi như vậy sẽ biến em thành robo tài năng mà thôi.

Đó không phải cách tốt để cho em phát triển bình thường. Nói theo cách xã hội học trong vấn đề giáo dục nhân cách của đứa trẻ thì điều đầu tiên đi suốt cuộc đời của con người ta chính là gia đình, nếu gia đình có chút méo mó hoặc dị biệt sẽ làm đứa trẻ không phát triển được đúng hướng và hoàn thành được vai trò xã hội mà nó cần đạt tới.

Hãy trả lại cho Quỳnh Anh tâm hồn trong trẻo

 Mỗi cuộc thi có một yêu cầu riêng, cuộc thi VGT mà cô bé Quỳnh Anh tham gia không dành cho những người biết 6 thứ tiếng, thua không có gì lạ. Nếu cô bé thi ở một cuộc dành cho những em bé học giỏi, hát hay, biết hát từ 5 thứ tiếng trở lên thì giải chắc chắn sẽ vào tay bé rồi.

Với Quỳnh Anh, mẹ của em nên trả lại cho em tâm hồn trong trẻo của lứa tuổi này. Mẹ em cần nhìn thấy rằng riêng việc em bước ra sân khấu hát tự tin đến thế, hát suôn sẻ cả bài hát như thế tức là em đã chiến thắng rồi. Lần này em có thể thất bại nhưng sẽ là bài học để em trưởng thành hơn, tiến bộ hơn.

Hiện nay xã hội cũng có những ông bố, bà mẹ ảo tưởng, ngộ nhận về tài năng của con mình. Theo góc nhìn xã hội học thì đó là bởi những ước mong của bố mẹ không thực hiện được ngày trước nay muốn ký thác vào con cái và họ tìm mọi cách nhồi để con chín ép, chín uổng thành ra tội nghiệp những đứa trẻ.

Những câu chuyện như vậy liên quan đến lòng tham trong xã hội, những người bị lừa tiền vì chơi bài, chơi hụi, cho vay lãi cuối cùng đều “chết” vì lòng tham. Những bà mẹ ngộ nhận vì con cái, muốn con gặt hái vinh quanh cũng lú mê đi mà đánh giá nhầm chính con mình.

Theo tôi, đây là một lời cảnh tỉnh cho rất nhiều đối tượng: nhà tổ chức, người đi thi, giới truyền thông và xã hội khi những cuộc thi trên truyền hình như thế đang có xu hướng bùng nổ. Mỗi người nên biết lựa chọn những cái phù hợp với mình.

Tôi cũng như mọi người đều trông chờ sự “tỉnh ngộ” của mẹ Quỳnh Anh. Tỉnh ngộ, bà có thể nói với em rằng, con chưa thắng được ở cuộc thi này nhưng với khả năng của con, sẽ không thiếu những cuộc thi khác để con được khẳng định.

Nếu bà nói với con được như vậy, Quỳnh Anh sẽ được sống bình thường, thoải mái, cho dù thất bại…

"Từ ngày chương trình lên sóng, cháu không thể nào ăn nổi bát cơm hay ngủ ngon trọn một giấc… 240 giờ qua chỉ có mẹ là cố vẫy vùng cứu cháu trước búa rìu dư luận trút lên đầu, khủng bố tinh thần và cuộc sống của cháu suốt ngày suốt đêm. Sao cháu không thấy tổ chức đoàn thể nào đứng ra bảo vệ đứa bé 15 tuổi này?

Tại sao một em bé bị bố nuôi đánh sưng mắt sưng môi thì lập tức người bố đó bị bắt, còn cháu bị ban tổ chức VGT cố tình làm cho hàng bao nhiêu triệu người bạo lực tinh thần cháu trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng phát tán ra toàn cầu thì phải làm sao đây ạ? Cháu sẽ sống ở đâu trên trái đất tròn và nhỏ bé này để trốn họ? Cháu khẩn thiết xin bác hãy cứu cháu và cho điều tra ngay những sự việc gian dối mang danh "truyền hình thực tế" này".

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem