Rùng rợn: Sĩ quan Phát xít Nhật tổ chức cuộc thi... chặt đầu người

Hoài Sơn (Theo Kommersant) Thứ hai, ngày 21/10/2019 18:32 PM (GMT+7)
Cuộc thi chặt đầu 100 người bằng kiếm là một sự kiện ghê rợn xảy ra trong khoảng thời gian Nhật Bản xâm lược Trung Quốc khi hai viên sỹ quan Nhật Bản có tên Tosiaki Mukai và Takesi Noda tiến hành các cược với nhau xem ai là người đầu tiên chặt đầu 100 người bằng kiếm...
Bình luận 0

Vào ngày thứ ba 23/8/2005, Tòa án hạt Tokyo (Nhật Bản) thừa nhận: Trong thời gian quân đội Nhật chiếm đóng thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) vào năm 1937, quả thực có hai sĩ quan Nhật là trung úy Tosiaki Mukai và trung úy Takesi Noda đã chơi trò thách đố nhau xem ai là người đầu tiên chặt được đầu 100 người dân vô tội ở nơi đây. Trước đó gia đình của hai trung úy này đã đâm đơn kiện đòi 330 ngàn USD bồi thường danh dự, vì cho rằng Báo Mainichi Shimbun miêu tả vụ việc nêu trên bằng hình thức phóng sự thể thao và Báo Asahi Shimbun sau đó đăng tải lại sự kiện đau thương này.

img

Hai viên sỹ quan Nhật Bản có tên Tosiaki Mukai và Takesi Noda.

Tòa án hạt Tokyo bác đơn kiện của gia đình của hai viên sĩ quan quân đội Nhật hoàng Tosiaki Mukai và Takesi Noda kiện Báo Mainichi Shimbun và Báo Asahi Shimbun và xác nhận rằng, hai trung úy Nhật này vào năm 1937 mở "cuộc thi" giết người bằng cách chặt đầu người dân bản địa ở Nam Kinh. Câu chuyện bi thương này được biết rộng rãi là nhờ báo Tokyo Nichi Nichi Shimbun (sau này đổi tên là Mainichi Shimbun). Ngày 13/12/1937, trên trang nhất tờ báo này in ảnh của hai viên sĩ quan Mukai và Noda với tựa đề: Cuộc thi xem ai là người đầu tiên chặt được 100 đầu người Trung Quốc bằng kiếm. Kết thúc Mukai được 106 điểm, còn Noda - 105. Trong cuộc "đua chặt đầu" cứ 1 điểm là sinh mạng của một người.

Vào tháng 12/1937 quân đội Nhật hoàng đánh chiếm thành phố Nam Kinh ở trung tâm Trung Quốc. Nạn cướp bóc, hiếp, giết người liên tục trong vòng 3 tháng trời. Và cuộc "thi thố" của Mukai và Noda diễn ra trong bối cảnh đó. Theo tài liệu thống kê của Trung Quốc thì có 300 ngàn người dân thường Nam Kinh bị chết trong khoảng thời gian này. Trong cuốn nhật ký của Jon Rabe - thủ lĩnh đảng Quốc xã bản địa, người chứng kiến trực tiếp những diễn biến trong tháng 12/1937 có ghi: Những người lính Nhật đã săn lùng người dân trên khắp thành phố, đâm chết họ bằng lưỡi lê hoặc bằng kiếm. Khadzime Kondo - cựu chiến binh quân đội Nhật hoàng, người tham gia vào các vụ việc ở Nam Kinh nhớ lại: "Phần lớn lính Nhật "cho rằng, bị giết chết bằng gươm đối với người Trung Quốc là còn khá, bởi vì người ta thường dùng đá để ném họ cho đến chết".

Cho dù Mukai và Noda giết người bằng kiếm, nhưng đó không thể là hành động có thể biện minh cho tội ác của họ. Báo Tokyo Nichi Nichi Shimbun lúc ấy mô tả hành động của họ bằng tinh thần phóng sự thể thao: "Các sĩ quan Nhật chạy đua với nhau khắp Nam Kinh" trong cuộc tìm kiếm những nạn nhân. Kết quả Mukai đã chiến thắng trong "Cuộc thi săn đầu người".

Vào năm 1971, sự kiện này lại được Báo Asahi Shimbun đăng tải lại. Nhưng không hiểu sao gia đình của Mukai và Noda mãi đến năm 2003 mới đệ đơn ra tòa để biện minh cho hành động của những viên sĩ quan Nhật ấy? Họ đệ đơn lên Tòa án hạt Tokyo kiện những người thừa kế Báo Tokyo Nichi Nichi Shimbun, tức Báo Mainichi Shimbun ngày nay và Báo Asahi Shimbun với yêu cầu, phải phủ nhận vụ việc và bồi thường danh dự 330 triệu yen (330 ngàn USD). Nhà báo Kasuiti Honda của Asahi Shimbun cũng bị kiện, vì anh này không chỉ viết bài báo nêu trên vào năm 1971 mà sau đó còn cho in cả cuốn sách về sự kiện Nam Kinh, trong đó có nêu lại "cuộc thi săn đầu người".

Trong quá trình xét xử, nhà báo Kasuiti Honda tuyên bố: “Cuộc thi săn đầu người" là sự kiện lịch sử mà chúng ta không thể phủ nhận. Một vài người vẫn cố tình phủ nhận sự xâm chiếm của quân đội Nhật ở Nam Kinh cũng như các sự kiện diễn ra sau đó từ năm 1931 - 1945 ở Trung Quốc". Theo nhà báo này, kiện hai tờ báo không phải là ý nguyện của gia đình của viên sĩ quan Nhật này, mà là lực lượng cánh hữu của Nhật Bản". 

Sau khi nghe các bên tranh cãi, tòa ra phán quyết như nêu trên. Hơn thế nữa, trong quá trình xét xử tội phạm chiến tranh vào năm 1947 ở Trung Quốc, Noda và Mukai đứng trước vành móng ngựa của tòa án binh, thừa nhận: Họ đã giết 100 người bằng "cuộc thi thể thao". Kết quả là "hai đối thủ" trong "cuộc thi săn đầu người" lĩnh án tử hình và bị xử bắn ngay sau đó. Sự công minh của tòa án Trung Quốc lúc ấy được các thành viên bồi thẩm đoàn Tòa án hạt Tokyo công nhận. Ngoài ra, luật pháp hiện hành của Nhật không cho phép đòi bồi thường (kể cả trường hợp đúng) khi vụ việc diễn ra đã hơn 20 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem