Phát hiện, cảnh báo sớm: Yêu cầu tối thượng trong tác chiến phòng không
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật quân sự phát triển như vũ bão, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo hàng không, liên tiếp có các loại tiêm kích tàng hình, máy bay ném bom tàng hình và tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tối tân ra đời, khiến lực lượng phòng không của nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải tự nâng cấp mình.
Mức độ công nghệ cao của chiến tranh sẽ còn phát triển hơn nữa cả về độ chính xác và sức hủy diệt ghê gớm và vô cùng phức tạp; tương lai nếu chiến tranh xảy ra thì đó là cuộc chiến tranh công nghệ cao rất khốc liệt.
Cả Nga, Mỹ cũng như nhiều cường quốc quân sự khác trên thế giới đều phải chạy theo cuộc đua giữa “mâu và thuẫn” khi dồn sức cho việc chế tạo các hệ thống radar cảnh giới có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay tàng hình từ cự ly hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km.
SAMP-T.
Lực lượng phòng không Việt Nam cũng không ngoại lệ, bên cạnh việc đầu tư mua sắm nhiều loại tên lửa phòng không hiện đại thì mạng lưới radar cảnh giới, nhất là radar sóng mét tầm trung-xa là một trong những hạng mục được ưu tiên hàng đầu bởi lẽ:
Thứ nhất, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời của Tổ quốc hiện nay của Quân chủng PK-KQ là rất nặng nề. Trong đó, trách nhiệm của lực lượng radar phải phát hiện sớm, từ xa mọi nguy cơ, từ đó cung cấp tham số, cảnh báo kịp thời cho các đơn vị hỏa lực chuyển cấp chiến đấu đánh chặn có hiệu quả.
Thứ hai, muốn không để Tổ quốc bị bất ngờ, ngoài yếu tố con người mà cụ thể là các kíp chiến đấu tinh thông về nghiệp vụ, linh hoạt, mưu trí trong xử trí các tình huống trên không và có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, dài ngày với cường độ lớn, thì việc xây dựng chiến lược phát triển radar cảnh giới phù hợp với điều kiện cụ thể là hết sức quan trọng.
Trong tương lai không xa, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn so với các cuộc chiến ở Nam Tư, Iraq và mới đây nhất là ở Syria.
Máy bay không người lái tàng hình hạng nặng mới Kratos XQ-58 Valkyrie.
Các máy bay tàng hình có chi phí chế tạo rất lớn, lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí có loại lên tới hàng tỷ USD mỗi chiếc như máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 của Không quân Mỹ. Vì thế, bắn hạ được một chiếc máy bay tàng hình hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bất kỳ lực lượng phòng không nào.
Tại Trung Đông, Không quân Israel được cho là đã nhiều lần sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 mới nhận từ Mỹ để đột nhập qua mạng lưới phòng không khá hiện đại tấn công vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Syria và trở về an toàn.
Tất nhiên, sở dĩ F-35 của Không quân Israel thành công là do Syria dù sở hữu nhiều loại vũ khíhiện đại như hệ thống tên lửa tầm trung Buk-M2, các tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1 và nhất là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 nhưng không hạ được do không được cảnh báo sớm, không có tham số của mục tiêu để khai hỏa.
Loại radar duy nhất được quảng cáo có khả năng phát hiện máy bay tàng hình của Syria là JY-27 do Trung Quốc chế tạo gần như hoàn toàn “mù” trước những máy bay tiêm kích tàng hình F-35 Israel.
Tinh hoa vũ khí “Made in Vietnam”: Khí tài phát hiện máy bay tàng hình
Từ kinh nghiệm tác chiến chống máy bay tàng hình ở Iraq, Nam Tư, Syria, phòng không Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý, trong đó có việc phải sở hữu các loại khí tài trinh sát thế hệ mới, hiện đại, phát hiện được máy bay tàng hình.
Một trong những loại radar hiện đại nhất mà phòng không Việt Nam được trang bị gần đây chính là RV-02 “Made in Vietnam”.
Đây là loại khí tài trinh sát đường không mới, có cự ly phát hiện mục tiêu từ rất xa, chống nhiễu tốt và đặc biệt là có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, tạo ra sức chiến đấu mới cho lực lượng PK-KQ Việt Nam.
Theo phóng sự của Kênh Truyền hình QPVN, RV-02 là sản phẩm ra đời dưới bàn tay khối óc của các chuyên gia Việt Nam, dựa trên nền tảng chuyển giao công nghệ của Belarus kết hợp với những phát minh mới mang đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực chế tạo radar, tạo ra nhiều bước đột phá vượt trội.
Về đặc tính kỹ – chiến thuật
RV-02 kế thừa toàn bộ và phát huy những ưu điểm của dòng radar Vostok do Công ty KBRadar của Belarus phát triển như khả năng cơ động trên mọi địa hình, triển khai, thu hồi cực nhanh chi trong vòng 10-15 phút, đáp ứng yêu cầu tác chiến phi đối xứng, phòng tránh đánh trả là chủ yếu của phòng không Việt Nam.
Đồng thời, RV-02 không những có khả năng phát hiện mọi loại mục tiêu bay ở cự ly xa mà còn có thể bắt bám các mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ hoặc sử dụng công nghệ tàng hình.
Theo catalogue của Công ty KBradar thì đài radar Vostock (nguyên mẫu của RV-02) có khả năng phát hiện các mục tiêu bay ở độ cao 10.000m trong môi trường nhiễu mạnh như máy bay ném bom tàng hình F-117A từ cự ly 72 km và pháo đài bay B-52 từ 255 km; hoặc máy bay chiến đấu thông thường tự cự ly 360km nếu không bị gây nhiễu.
Với việc ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất và trên cơ sở các kinh nghiệm từ việc nghiên cứu, vận hành đài RV-01 (chế tạo thử nghiệm trên nguyên mẫu radar Vostok) trước đó, chắc chắn các chỉ số về phát hiện mục tiêu của RV-02 cũng như khả năng che giấu trước các loại vũ khí tiến công chính xác của đối phương sẽ tốt hơn, tăng khả năng sống sót.
Đây là một yếu tố hết sức quan trọng giúp lực lượng phòng không Việt Nam nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu cũng như bảo toàn lực lượng trong môi trường tác chiến hiện đại.
Về tự chủ công nghệ – Việt hóa
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất đó là radar RV-02 gần như “Made in Vietnam” 100% và được thực hiện bởi những đơn vị đầu ngành về cơ khí chế tạo và phần mềm điều khiển – tự động.
Với việc Việt Nam tự chủ gần như hoàn toàn đối chế tạo radar hiện đại bằng những nguồn lực trong nước sẽ giúp ta hầu như không hoặc ít phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, đồng thời giữ bí mật về số lượng cũng như thông số kỹ thuật của các đài radar loại này.
Quá trình vận hành của RV-02 trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều nhờ hoàn toàn tự động, bao gồm phát hiện và bám sát mọi mục tiêu, cũng như tự kiểm lỗi toàn bộ thiết bị với giao diện thân thiện trên màn hiện sóng cỡ lớn, hiển thị đầy đủ mọi tham số và được Việt hóa giúp kíp trắc thủ thao tác nhanh, chuẩn xác.
Hội đồng nghiệm thu theo dõi việc vận hành thử hoạt động của radar RV-02.
Về giá thành chế tạo
Một khi đã tự chủ được toàn bộ công nghệ và quy trình chế tạo loại radar mới sở hữu nhiều tính năng kỹ – chiến thuật ưu việt thì đôi khi giá thành không còn là vấn đề quan trọng nữa bởi nắm bắt được những bí quyết công nghệ hàng đầu thế giới chính là tài sản vô giá mà với nhiều quốc gia dù có rất nhiều tiền cũng khó mà có được.
Tuy nhiên, việc Việt Nam tự chủ hoàn toàn công nghệ từ thiết kế tới chế tạo, chắc chắn radar RV-02 “Made in Vietnam” thực thụ sẽ có giá thành hợp lý hơn so với những sản phẩm tương tự nhập khẩu từ nước ngoài.
Hy vọng, trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều đài radar RV-02 “Made in Vietnam” sẽ được đưa vào biên chế phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tình huống trên không.
PV (vn.sputniknews.com)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.