Sai phạm của SCB và Vạn Thịnh Phát: Chính phủ sẽ xử lý, bất kể doanh nghiệp to hay bé
Vụ SCB và Vạn Thịnh Phát: “Nhà nước kiên quyết xử sai phạm, bất kể doanh nghiệp đó to, bé hay quan trọng”
An Linh
Thứ hai, ngày 04/12/2023 19:38 PM (GMT+7)
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) tại toạ đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều nay 4/12.
Sai phạm sẽ bị xử lý, bất kể doanh nghiệp to hay bé
Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08, trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.
Ông Dương cho rằng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 DN phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính cho rằng, tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính và các hiệp hội, thành viên thị trường mới đây, thành viên thị trường đánh giá rất cao các chính sách của Nghị định 08 vừa kịp thời, vừa tạo khung khổ để nhà đầu tư và DN cùng đàm phán, tạo điều kiện cho DN có thêm thời gian tái cơ cấu lại khoản nợ hiện hành của DN.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, những sai phạm và việc xử lý sai phạm liên quan đến đại gia, đại doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát là điều cần bởi: "Nếu không xử lý sẽ không có minh bạch, hiệu quả. Khi vụ việc nảy sinh, trong quý I/2023, không có giao dịch về thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, về mặt dài hạn các chính sách đúng đắn sẽ củng cố thị trường, đảm bảo môi trường lành mạnh dài hạn cho thị trường trái phiếu trái phiếu".
"Bản thân doanh nghiệp vi phạm cũng đã rõ, doanh nghiệp khác phải nhìn vào để rút kinh nghiệm. Phải biết rằng, Nhà nước sẽ kiên quyết xử lý sai phạm, bất kể doanh nghiệp nhỏ, to, doanh nghiệp quan trọng hay không", ông Dương nêu.
Ở khía cạnh nhà đầu tư, qua các vụ việc liên quan đến đại gia và sai phạm trái phiếu họ sẽ tích lũy được nhiều kiến thức. Thời gian qua, chính sách phát triển trái phiếu riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng nhà đầu tư không chuyên vẫn tham gia và hệ quả chúng ta thấy rất lớn.
"Xuất phát từ những vi phạm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý rất mạnh mẽ. Chúng tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ thị quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Bộ tăng cường quản lý giám sát", ông nói.
Về thị trường trái phiếu, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng thống kê sơ bộ hiện có khoảng 90% trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng. Phát hành riêng lẻ thì quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, phát hành chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư.
Chính sách quy định chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua những trái phiếu, tức là phải có hiểu biết và phải theo những điều kiện mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra. Rõ ràng là chúng ta thấy cấu trúc này rất mất cân đối.
Bài học nào cho nhà đầu tư từ vụ SCB và Vạn Thịnh Phát?
Theo ông Lực, những vụ việc rúng động liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu thời gian qua của FLC, Tân Hoàng Minh, SCB và Vạn Thịnh Phát mới đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cả các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và nhà đầu tư. Bởi vì chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để sau này trưởng thành và lớn lên.
Về các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, lành mạnh hóa thông tin và bảo vệ nhà đầu tư tham gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Ví dụ hiện nay Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép là giãn, hoãn. Sắp tới quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, chúng ta tiếp tục áp dụng như thế nào?
"Cá nhân tôi cho rằng chúng ta quay trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhưng có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển. Ví dụ Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày; nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào", ông Lực nói.
Theo ông này, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư tổ chức rõ ràng chưa có nhiều. Rất mong chúng ta thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu. "Tôi cho rằng cái này là hồn cốt vô cùng quan trọng để chúng ta phát triển thị trường này. Đặc biệt, cái nữa là đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng. Hiện nay rõ ràng là còn phức tạp, thời gian phê duyệt hơi lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng. Tôi rất mong chỗ này chúng ta phải kích lên", ông Lực nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.