Sang Nhật Bản học hỏi “Nền công nghiệp nông nghiệp số 6”

Đặng Thị Nha Thứ tư, ngày 02/08/2017 19:01 PM (GMT+7)
Đầu tháng 7 vừa qua, đoàn cán bộ nông nghiệp TP.HCM đã có chuyến học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản. NTNN/Dân Việt xin giới thiệu bài viết của bà Đặng Thị Nha – Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chia sẻ một số thu nhận sau chuyến đi.
Bình luận 0

Nông nghiệp khép kín

Là đất nước với khí hậu không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Nhật Bản vẫn đang khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình khép kín với tên gọi “Nền công nghiệp số 6”. Đây là mô hình tổng hợp từ các ngành sản xuất nông nghiệp gồm gia công, chế biến và dịch vụ, thương mại. Trong đó, sản xuất được xếp ở vị trí số 1; gia công, chế biến vị trí số 2 và dịch vụ, thương mại số 3. Từ đó, số 6 là tích hoặc tổng của 1, 2 và 3.

img

Tại TP.HCM, đã có nhiều mô hình nông nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ Nhật Bản. Ảnh: D.N

Ở Nhật Bản, chìa khoá để hạn chế tình trạng giảm giá trị của nông sản là “xoá giảm 4 thất thoát” và cung cấp giá trị mới, gồm giảm thất thoát về sản lượng, về độ an toàn, độ tươi và giảm thất thoát về giao dịch. Giá trị mới được xác định là cung cấp thực phẩm an toàn, an tâm, cung cấp văn hoá ăn đồ tươi an toàn cho mọi người.

Cũng tại Nhật Bản, chính quyền địa phương không dùng mệnh lệnh để khuyến khích chuyển đổi cơ câu cây trồng. Thay vào đó, sẽ khuyến khích nông dân sản xuất theo dòng chảy thị trường, đồng thời áp dụng các hình thức khen thưởng, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm được khuyến khích sản xuất…

Chính phủ cũng khuyến khích các hộ sản xuất và tiêu thụ riêng lẻ để có tính cạnh tranh. Mỗi hộ sẽ tự đầu tư, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tự quyết định giá cả khi đưa ra thị trường. Người nông dân bảo vệ thương hiệu bằng cách gắn logo, nhãn hiệu vào sản phẩm với đầy đủ thông tin có thể truy xuất nguồn gốc.

Để kiểm soát giá cả nông sản, ngành nông nghiệp tuân theo nguyên tắc thị trường nhưng không để cung vượt quá cầu, đặc biệt, không dùng tiền nhà nước bù giảm giá sản phẩm. Thay vào đó, nông dân phải đăng ký và sản xuất đúng những chủng loại cây trồng, vật nuôi với địa phương. Từ đó, ngành quản lý có số liệu cụ thể, chính xác, tạo cơ sở đề nghị các chính sách xuất, nhập khẩu hay thu mua dự trữ.

Muốn làm nông phải… đăng ký

Ở Nhật Bản, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải xem xét mức độ phù hợp. Không nhất thiết phải trồng trong nhà màng, nhà lưới mà chỉ cần áp dụng các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm. Với điều kiện nhiệt độ cao nên khi nông dân Nhật Bản trồng rau trong nhà màng, kết cấu nhà có thêm mái lưới bên dưới mái màng. Mái lưới có khả năng cách nhiệt, nhằm rút ngắn khoảng cách nhiệt độ so với bên ngoài, giữ môi trường sinh trưởng tốt cho cây trồng.

So sánh với  việc quản lý, sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP.HCM, ngành nông nghiệp thành phố cần tăng cường rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với nghiên cứu, quản lý thị trường, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy hoạch. Từ đó, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá.

Hiện tại, ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nông dân chưa phải đăng ký để được “làm nông”. Tuy nhiên, trong tương lai, nông dân cần phải đăng ký và thực hiện đúng những chủng loại cây trồng, vật nuôi muốn sản xuất, canh tác với địa phương. Sau mỗi vụ trồng phải nộp nhật ký đồng ruộng, báo cáo kết quả sản xuất về phòng kinh tế huyện. Từ đó, thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem