Khi siêu sao cũng chỉ là con người
Tuần trước, sau khi thua Djokovic trong trận chung kết US Open, Rafael Nadal đã nói: “Những gì mà Djokovic làm được trong mùa giải này là siêu đẳng và có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Anh ấy đã thi đấu quá hay, nhưng rồi sẽ đến điểm dừng bởi sức người không phải là vô hạn”. Thực tế chứng minh, nhận định của Nadal là hoàn toàn chính xác.
|
Các tay vợt chỉ muốn vinh quang mà từ bỏ áp lực. |
Sau khi gồng mình để đạt được thành công với 10 danh hiệu vô địch (trong đó có 3 danh hiệu Grand Slam) kèm theo thành tích thắng 64/66 trận đánh đơn và soán ngôi số một thế giới của Nadal, Djokovic đã cạn kiệt sức lực. Dù rất nỗ lực, nhưng tay vợt người Serbia vẫn phải bỏ cuộc vì tái phát chấn thương trong trận gặp Del Potro ở Davis Cup mới đây, khiến đội của anh thất bại trước Argentina và trở thành cựu vô địch giải đấu này.
Không chỉ có Djokovic, chính Nadal cũng gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe dù tay vợt người Tây Ban Nha luôn được coi là có nền tảng thể lực cực kỳ sung mãn. Ở US Open, do ảnh hưởng thời tiết, Nadal bị dồn lịch thi đấu và anh đã phải đổ mồ hôi chơi 3 trận liên tiếp trong ba ngày. Ngay sau đó, dù đã rất mệt mỏi, nhưng vì nghĩa vụ quốc gia, Nadal vẫn bay thẳng từ New York (Mỹ) về Cordoba (Tây Ban Nha) để thi đấu vòng bán kết Davis Cup.
Nhìn rộng hơn, trong giai đoạn cuối cùng của mùa giải năm nay, hàng loạt tay vợt hàng đầu đã “rụng như sung” tại các giải đấu lớn vì đủ loại chấn thương khác nhau. US Open, giải đấu cuối cùng trong hệ thống Grand Slam đã lập nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu nhưng chẳng lấy gì làm vui vẻ: 18 tay vợt bị loại do chấn thương.
Tuy nhiên, ai cũng biết, có ai ép những siêu sao này phải tham dự hết những giải đấu kia đâu. Tiền bạc và vinh quang là thứ bùa ngải để họ tham gia các giải đấu liên tục.
Biết là khổ nhưng vẫn cố
Tất nhiên, các ngôi sao hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm của việc “cố đấm ăn xôi”, nhưng họ không thể không gắng gượng cầm vợt ra sân bởi áp lực quá lớn của thành công. Tiêu biểu nhất chính là Djokovic.
Theo Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp, với những chiếc cúp giành được trong năm nay, Djokovic đã bỏ túi 10,6 triệu USD tiền thưởng, một kỷ lục mà chưa có tay vợt nào, dù vĩ đại đến mấy, làm được trong lịch sử quần vợt.
Theo BBC Sports, trong tháng 10, các tay vợt hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp bên lề Giải Thượng Hải Masters để thảo luận việc gây sức ép buộc ATP và Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) phải giảm số lượng các giải đấu.
Kèm theo tiền, danh hiệu là ngôi vị số một thế giới và Djokovic chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể để đứng trên đỉnh cao càng lâu tốt.
“Tất cả những gì có thể” ấy thực ra rất dễ hiểu: Djokovic sẽ phải cố gắng thi đấu ở mọi giải lớn và phải quyết tâm vô địch để bảo vệ số điểm thưởng của mình. Có lẽ, chỉ đến khi chấn thương và không thể thi đấu, Djokovic mới chịu nghỉ ngơi. Chẳng riêng Djokovic, chắc chắn tay vợt hàng đầu nào cũng suy nghĩ như vậy.
Nhưng hài hước ở chỗ, lúc đăng quang hay nhận một mớ tiền thưởng thì chẳng thấy ngôi sao nào kêu khổ. Còn khi chấn thương hay quá tải thì họ lập tức lên tiếng chỉ trích lịch thi đấu quá dày đặc. Thậm chí, tay vợt Andy Murray còn khẳng định, anh và một số đồng nghiệp khác có thể tiến hành đình công nếu lịch thi đấu không giảm tải.
Nói đi cũng phải nói lại, thực tế nếu nghỉ thì các ngôi sao sẽ mất rất nhiều thứ, từ danh hiệu, tiền thưởng cho tới thứ bậc trên bảng xếp hạng của Hiệp hội Quần vợt nhà nghề (ATP). Các tay vợt có lẽ cũng nên hiểu rằng, trong nghề của họ hay bất cứ nghề nào, thành công và sự nhàn nhã khó song hành cùng nhau.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.