Hai người bị giết và 7 người bị thương nặng sau vụ xả súng của Woodham. Vụ Woodham được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ, bởi đây được coi là điểm khởi đầu mở ra sê-ri những vụ xả súng đẫm máu ở trường học Mỹ trong giai đoạn cuối thập niên 90 của thế kỉ trước.
Sát thủ 16 tuổi Woodham giết chết mẹ ruột và xả súng làm chết 2 người và 7 người bị thương tại trường trung học Pearl, Mississippi tháng 10/1997.
Tuổi thơ bị kiềm kẹp và nhiều ẩn ức
Không đến mức bi kịch nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: Woodham đã trải qua tuổi thơ và giai đoạn vị thành niên không hề dễ dàng. Cha và mẹ Woodham, Mary Ann - John Woodham, ly hôn khi cậu mới 7 tuổi.
Mary Ann, người có xu hướng kiểm soát thái quá con cái, sau khi ly hôn, càng trở nên độc đoán hơn. Anh trai của Luke, John Jr. Woodham, vì thế đã chọn cách sống tách biệt với mẹ mình khi quyết định học nội trú.
Dù vô tình hay cố ý thì cách cư xử của Ann với con trai mình, qua lời nói và hành động, đã làm tổn thương Woodham sâu sắc. Mẹ cậu thường xuyên lấy chuyện hình thể của con trai (Luke hơi có xu hướng béo phì) để chế nhạo cậu. Ann cũng kiểm soát gắt gao chế độ ăn uống của con và giao cho Luke làm khá nhiều việc vặt mỗi ngày khiến cậu bé chịu nhiều áp lực.
Sống trong 1 gia đình với người mẹ như thế, trong hoản cảnh 2 người đàn ông khác (cha và anh trai) không ở bên cạnh, Wood hầu như chỉ biết cố gắng làm hài lòng những yêu cầu của mẹ mình, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Là một thanh niên thừa cân, kém giao tiếp và gần như không có bạn thân, những trải nghiệm ở trường học của Woodham vì thế cũng chẳng hề dễ chịu.
Vì quy định của Anna, Woodham thường xuyên xuất hiện ở trường với bộ dạng… lạc hậu so với chúng bạn: cặp kính mắt dầy cộp của những năm 80, kiểu tóc lỗi mốt và những bộ quần áo thùng thình. Việc phải bắt buộc hôn… môi mẹ trước khi vào trường cũng khiến cậu trở thành tâm điểm của những trò đùa quái ác tại trường học.
Mối tình đầu tan vỡ bởi sự can thiệp của người mẹ độc đoán
Cuộc sống của Woodham dù vậy, đã xuất hiện một bước ngoặt tươi sáng, khi cậu bước vào tuổi 15 nhờ cô bạn gái Christina Menefee. Trong mắt Menefee, Woodham là một chàng trai dễ mến, nhẹ nhàng và lịch thiệp. Họ thường xuyên hẹn hò mỗi tuần và quả thật đã có một sự khởi đầu tốt cho một chuyện tình đẹp. Trừ duy nhất 1 chi tiết: sự hiện diện của Mary Ann.
Woodham và mối tình đầu Menefee - ảnh lưu trữ của trường trung học Pearl.
Menefee, không mất quá nhiều thời gian để nhận ra sự giám sát đặc biệt của bà Ann đối với bạn trai của mình. Thái độ có phần lúng túng, thậm chí lo sợ của Woodham mỗi khi họ bên nhau và bị Ann bắt gặp (điều ngày càng diễn ra thường xuyên hơn khi Ann biết về mối quan hệ của con trai mình với Menefee) khiến Menefee cảm thấy ngột ngạt. Sau 3 tháng, Menefee chủ động nói lời chia tay và cú sốc này thực sự có thể coi là điểm khởi đầu tàn phá tâm hồn Woodham.
Đầu năm 1997, Woodham bắt đầu công việc làm thêm (giao bánh) tại một nhà hàng trong hệ thống Pizza Domino's tại Pearl. Tại đây, Woodham được khen ngợi là một nhân viên chăm chỉ, lịch thiệp, thường xuyên hoàn thành tốt công việc và nhờ đó được xem xét huấn luyện cho vai trò quản lý.
Nhóm Kroth và ảnh hưởng bạo lực từ người bạn mới
Tại nhà hàng này, Woodham chơi thân với một đồng nghiệp có tên Donald Brooks, người sau đó đã mời cậu tham gia vào một nhóm game nhập vai. Nhóm này, dẫn đầu bởi Grant Boyette, 18 tuổi, sau đó đã quyết định thành lập một hội kín tên là “Kroth”. Trong mắt Woodham, Boyette, kẻ cuồng đạo, ngưỡng mộ Hitle và sở hữu quyền năng sức mạnh đặc biệt.
Woodham và Boyette sớm trở nên thân thiết nhất trong nhóm “Kroth”. Những thành viên khác trong nhóm sớm nhận thấy những suy nghĩ và hành động bạo lực kì lạ ở Boyette. Nhưng với Woodham, một thiếu niên đã phải chịu sự đè nèn bao năm qua bởi người mẹ độc đoán, đấy mới chính là thứ đặc biệt hấp dẫn ở người bạn mới.
Nhưng suy nghĩ về bạo lực trong Woodham tăng dần và nó từng được thể hiện trong một bài tiểu luận về chủ đề “Nếu bạn được làm giáo viên chủ nhiệm trong một ngày” nhưng đáng tiếc các giáo viên tại trường trung học Pearl đã không chú ý đến nó. Nếu họ sớm phát hiện những dấu hiệu kì lạ trong tâm sinh lý của Woodham, bi kịch xả súng tháng 10/1997 có lẽ đã không bao giờ xảy ra.
Woodham từng bộc lộ ý tưởng giết toàn bộ giáo viên trong trường trung học qua một bài tiểu luận.
Đây là một phần nôi dung của bài tiểu luận ấy:
Nếu tôi được một ngày sắm vai Mrs.Neal (tên giáo viên chủ nhiệm lớp), tôi chắc chắn sẽ đối xử thật tốt với Luke Woodham. Tôi sẽ rút hết tất cả tiền của mình trong ngân hàng và đưa cho Luke. Sau đó tôi sẽ… phát điên và giết hết các giáo viên khác trong trường. Còn gì nữa nhỉ, tôi sẽ tra tấn các trưởng bộ môn, khiến họ chết trong từ từ đau đớn. Và cuối cùng, tôi sẽ dùng một khẩu súng lục bắn nát đầu mình. Ngôi nhà hiện tôi đang ở, tất nhiên, sẽ di chúc để lại cho Luke”.
Tìm niềm vui từ hành động bạo lực và ý tưởng giết chóc
Trong quãng thời gian sau khi chia tay Menefee và trước vụ xả súng tại trường, Woodham từng 3 lần chịu sự hành hung (nhẹ) bởi một nhóm chuyên bắt nạt tại trường. Có 2 lần cậu thể hiện ý định muốn tự sát cho bạn cùng lớp biết. Tuy nhiên, không có báo cáo cụ thể nào bằng văn bản về những vụ việc này từ trường Pearl.
Xu hướng tìm niềm vui qua hành động bạo lực ở Woodham được chứng kiến, đầu tiên, bởi chính những người hàng xóm vào khoảng giữa tháng 4/1997, tức chưa đầy nửa năm trước khi tội ác xả súng diễn ra. Theo lời kể của người hàng xóm, ngày hôm ấy họ đã chứng kiến cảnh Woodham và Boyette dùng gậy bóng chầy để đánh đập dã mãn “cô” chó cảnh giống Shih Tzu của chính gia đình Woodham.
Woodham và Boyette sau đó nhét con chó tội nghiệp này vào túi bóng, buộc chặt, và ném nó xuống hồ. Trong nhật kí của mình, Woodham đã mô tả khoải cảm đặc biệt về lần “hạ sát thành công” đầu tiên của mình.
Khi Woodham nói với những người trong nhóm Kroth, về nỗi đau mà mình phải chịu đựng khi Menefee nói lời chia tay, Boyette đã gợi ý Woodham nên… giết Menefee để giải quyết vấn đề của cậu. Nhưng Woodham có một ý tưởng khác. Sẽ có hơn 1 kẻ phải chết, không chỉ Menefee.
Tội ác thực sự bắt đầu
5 giờ sáng. Ngày 1/10/1997. Đồng hồ báo thức của Woodham đổ chuông. Và tội ác của của cậu ta bắt đầu. Woodham vào bếp lấy một con dao thái thịt, cậu quay lại phòng mình lấy thêm gậy bóng chày và đi về phòng ngủ của mẹ. Woodham lên kế hoạch giết Mary Ann khi bà ngủ. Nhưng lúc ấy Ann đã dậy, đang ở phòng khách, chuẩn bị ra ngoài chạy bộ.
Với Woodham, giết mẹ và xả súng giết bạn là hành động phản kháng từ nỗi đau tột cùng.
Cuộc tấn công bắt đầu ở đó và kết thúc trong phòng ngủ của Ann, nơi Woodham giết chết mẹ mình bằng nhiều nhát đâm bằng dao vào ngực và những cú đập mạnh vào đầu với gậy bóng chày. Sau khi chắc chắn rằng Ann đã chết, Woodham dùng rượu và nước cọ rửa những dấu vân tay của mình trên thi thể mẹ cũng như các đồ vật xung quanh.
Sau đó Woodham lấy khẩu súng săn cũ cha để lại, tất nhiên với đẩy đủ băng đạn, lái chiếc xe hiệu Toyota Tercel của mẹ đến trường trung học Pearl. Khoảng 8 giờ sáng, Woodham có mặt tại trường. Việc đầu tiên của gã là tìm người bạn Justin Sledge và đưa cho cậu này một lời nhắn cùng nhật ký của mình, nhờ chuyển cho Boyette.
Woodham trở lại xe, lấy khẩu súng và giấu nó dưới áo khoác, rồi quay lại khu vực sân trường. Cậu tiến thẳng tới chỗ Menefee và bắn cô cùng người bạn Lydia Kaye Dew, giết chết cả hai. Woodham quay lại, bình thản bắn tiếp và làm bị thương bảy học sinh khác.
Sau cuộc xả súng kéo dài 11 phút, và đạn cũng hết, Woodham chạy đến bãi đậu xe. Hiệu phó trường trung học Pearl, ông Joel Myrick đuổi theo Woodham. Ông chạy đến xe riêng của mình, lấy ra một khẩu súng lục và dùng nó để ngăn cản Woodham lái xe đi, cho đến khi cảnh sát xuất hiện.
Khi lực lượng vũ trang đưa Woodham về đồn, họ nhận thấy bàn tay băng bó của cậu ta. Woodham khai, vết thương phát sinh sau khi cậu… giết mẹ mình. Cảnh sát tức tốc có mặt tại nhà Woodham và phát hiện thi thể của bà Mary Ann. Woodham bị buộc tội ba vụ giết người và bảy tội tấn công gây thương tích nghiêm trọng.
Vụ xả súng: Tiếng thét lớn cất lên từ nỗi đau tột cùng
Trong quá trình hỏi cung, Woodham thực sự hợp tác với cơ quan điều tra. Cậu từ chối quyền im lặng, chủ động viết bản tự thú và chấp thuận cho ghi hình. Woodham thú nhận giết mẹ mình bằng một giọng bình tĩnh và thẳng thắn. Tuy nhiên, khi Woodham khai về động cơ giết người – rằng bà Ann không bao giờ thực sự yêu cậu và những ẩn ức mà cậu phải chịu đựng từ mẹ mình – Woodham đã khóc.
Ngày 2 tháng 10, Justin Sledge đã dán lời nhắn mà Woodham gửi cho cậu trước vụ xả súng, ngay trên cổng chính của trường trung học Pearl. Lời nhắn có nội dung như sau:
"Tôi không điên. Tôi chỉ căm hận! Tôi giết người bởi những người như tôi luôn bị ngược đãi, mỗi ngày. Tôi làm điều này để cho xã hội Mỹ thấy rằng, nếu họ cứ chèn ép, làm tổn thương những người như tôi thì chúng tôi sẽ phản kháng lại.
Suốt cuộc đời, tôi bị chế nhạo, bị bắt nạt, chèn ép, bị đánh đập. Xã hội này, đất nước này sẽ đổ lỗi cho tôi sau những gì tôi làm. Sẽ vậy thôi! Nhưng đây không phải là là lời kêu cứu, cầu mong sự chú ý dành cho những người chịu đọa đày như tôi. Mà là tiếng thét lớn cất lên từ nỗi đau tột cùng.
Hãy mở to mắt ra mà chứng kiến, nếu tôi không thể thay đổi sự bất công này bằng những phương thức hòa bình, thì tôi sẽ làm điều đó bằng… những viên đạn”.
Woodham bị kết 2 án chung thân cộng thêm 140 năm tù giam - án phạt kỉ lục đối với tội phạm vị thành niên của Mỹ thời điểm cuối thập niên 90.
Ngày 7/10/1997, cảnh sát đã bắt tạm giam 6 người bạn của Woodham, những thành viên trong nhóm Kroth, bao gồm Grant Boyette và Justin Sledge.
Trong phiên tòa sơ thẩm, kết thúc vào ngày 6/6/1998, Thẩm phán bác bỏ những lập luận về dấu hiệu thần kinh ở Woodham mà nhóm luật sư biện hộ cho cậu đưa ra đồng thời tuyên Woodham phạm tội giết người cấp độ 1.
Ở phiên sơ thẩm, Woodham bị kết án tù chung thân (kép) cho hai vụ giết người, cộng thêm 20 năm cho mỗi người trong nhóm 7 sinh viên mà cậu làm bị thương sau vụ xả súng (tức thêm 140 năm). 6 thành viên trong nhóm Kroth, chỉ duy nhất Boyette bị phạt từ giam (18 tháng) cộng thêm 5 năm chịu sự giám sát không được phép rời khỏi nơi cư trú.
Hiện Woodham vẫn đang bị giam giữ tại nhà tù dành cho những tội phạm nguy hiểm cao tuổi ở Mississippi. Trong phát ngôn gần đây nhất của mình hồi 2014, Woodham bày tỏ sự hồi hận vì vụ xả súng của ông đã mở ra một “trào lưu” tội ác trong giới trẻ Mỹ suốt những năm sau đó.
Tầm Hoan (DOCBAO/SHTT)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.