Sau "cơn sốt" Metro số 1 , TP.HCM nóng lòng phủ sóng mạng lưới đường sắt đô thị
Sau "cơn sốt" Metro số 1, TP.HCM nóng lòng "phủ sóng" mạng lưới đường sắt đô thị
Diệu Bình
Thứ tư, ngày 29/01/2025 10:12 AM (GMT+7)
Tuyến Metro số 1 được đông đảo người dân TP.HCM sử dụng sau hơn 1 tháng đi vào vận hành. TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2035 để giải "cơn khát" giao thông công cộng.
Sau 17 năm chờ đợi, ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đi vào khai thác thương mại. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM với kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc – "bài toán" đối với TP triệu dân này.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đã hơn 1 tháng từ khi tuyến Metro số 1 lăn bánh nhưng lượng khách sử dụng phương tiện công cộng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ban đầu vì thích thú, tò mò muốn trải nghiệm, nay nhiều người dân đã chọn Metro số 1 trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày.
Tuyến Metro số 1 đi chính thức hoạt động từ ngày 22/1/2025. Ảnh: D.B
Chị Thảo Giang (trú quận 3) cho hay, trong một tháng qua chị đã sử dụng đi tàu Metro số 1 để đi làm.
"Thay vì kẹt xe đầu giờ sáng và chiều tan tầm mỗi ngày, từ khi tàu Metro đi vào hoạt động, tôi đã sử dụng phương tiện này để đi làm. Với những tiện ích mà Metro mang lại thì không có lý do gì để chê cả", chị Giang nói
"Nhanh, hiện đại, an toàn" là phần lớn nhận xét của người dân đối với tàu Metro số 1. Có thể thấy với những công dụng mang lại, trong tương lai Metro số 1 hứa hẹn sẽ trở thành phương tiện giao thông công cộng được rộng rãi người dân TP.HCM sử dụng.
"Đi tàu Metro thì không lo kẹt xe, mất an toàn giao thông. Người dân chúng tôi mong rằng thời gian tới thành phố sẽ mở thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Anh Tuấn (trú quận Tân Bình) bày bỏ.
Sau 1 tháng đi vào vận hành, tuyến Metro số 1 vẫn rất hút khách. Ảnh: D.B
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), sau hơn 1 tháng đi vào vận hành chính thức, đến hiện tại, tuyến Metro số 1 đã thực hiện 6.008/5.974 chuyến, đạt tỷ lệ 100,6% với tổng sản lượng hành khách vận chuyển trên tuyến đường sắt đô thị là 1,76 triệu lượt hành khách. Trong đó, sản lượng hành khách thực hiện bình quân/ngày thực hiện là 109.915 lượt hành khách/ngày, cao gấp 2,8 lần so với sản lượng dự báo.
"Tuyến metro số 1 nhận được sự hưởng ứng và quan tâm rất lớn của người dân và du khách. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn lượt hành khách sử dụng đường sắt đô thị, không chỉ mang tính trải nghiệm mà nhiều người đã chuyển qua dùng Metro kết hợp xe buýt thành phương tiện di chuyển đi học, đi làm hằng ngày", đại diện HURC1 cho hay.
Đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2035
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin về nội dung tờ trình của UBND TP về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, TP đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến Metro dài khoảng 355 km vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045, TP sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.
Metro số 1 được đánh giá là phương tiện công cộng an toàn, hiện đại, nhanh chóng. Ảnh: D.B
Như vậy, so với tờ trình đề án trước, TP.HCM đã tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến 2035 từ 183 km lên 355 km. Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060.
Về mục tiêu, Đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia...
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ GTVT, TP.HCM đã khẩn trương rà soát cập nhật hoàn thiện Đề án với mục tiêu rút ngắn thời gian đầu tư hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch.
Metro số 1 đã bắt đầu thu phí từ ngày 21/1/2025. Ảnh: D.B
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, Đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế, chính sách đột phá, bao gồm 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư...
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc sớm "phủ sóng" mạng lưới Metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển TP hiện đại, văn minh trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.