Sẽ chi gần 1.200 tỉ đồng thực hiện đề án nâng cao giá trị ngành muối

Khương Lực Thứ năm, ngày 11/11/2021 18:48 PM (GMT+7)
Đề án nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ NNPTNT đưa ra tham vấn nội dung với 7 địa phương sản xuất muối với mong muốn nhận được sự ủng hộ, vào cuộc để ngành muối có thể bứt phá, góp phần cải thiện đời sống cho hàng vạn diêm dân nghèo.
Bình luận 0

Ngày 11/11, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị tham vấn nội dung đề án nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021-2025 với 7 tỉnh tham gia thực hiện đề án là: Thái Bình, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam: Đề án ngành muối có tính an sinh, làm phải nhiệt huyết, có lửa mới thành công - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị tham vấn nội dung đề án nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Khương Lực

Đề xuất đầu tư hơn 1.176 tỷ đồng để vực dậy ngành muối

Theo dự thảo, đề án "Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2025" (gọi tắt là Đề án)  được chia ra 4 dự án hợp phần: đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối (Dự án 1); xây dựng mô hình khuyến diêm nâng cao chất lương sản xuất muối, thúc đẩy liên kết và cơ giới hóa trong sản xuất muối (Dự án 2); Củng cố, phát triển sản xuất, chế biến đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm muối (Dự án 3); Hiệu quả sau đầu tư, bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại và truyền thông (Dự án 4).

Dự án thực hiện tại 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre và Bạc Liêu với tổng kinh phí thực hiện Dự án hơn 1.176 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 536,2 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 283,8 tỷ đồng và vốn đối ứng của HTX/doanh nghiệp là 167,2 tỷ đồng.

Bày tỏ đồng tình với nội dung của đề án, nhưng ông Đoàn Văn Đảnh- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre băn khăn về phần vốn đối ứng của địa phương lên tới 27 tỷ đồng. "Nguồn vốn đối ứng này vượt khả năng bố trí của địa phương" – ông Đảnh phản ánh.

Theo ông Đảnh, trong đề án do UBND tỉnh Bến Tre gửi lên Bộ NNPTNT, có 2 hợp phần triền khai, đó là dự án hạ tầng vốn của Bộ NNPTNT là 80 tỷ, vốn đối ứng của Bến Tre là 5 tỷ đồng. Dự án thứ hai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối, tỉnh Bến Tre đối ứng 1,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT lý giải, số vốn đối ứng của địa phương tăng lên là do ngân sách Trung ương không thể đầu tư máy móc cho các hợp tác xã cũng như xây dựng đường nội đồng. Với đường nội đồng, theo ông Thịnh, địa phương có thể sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ đồng tình với nội dung đề án và đề xuất nhiều giải pháp cũng như hướng phát triển để nâng cao chất lượng, giá trị cho ngành muối. Cùng với phát triển muối theo quy mô công nghiệp, TS. Ngô Kiều Anh, chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng, đề án cần có những chính sách đầu tư cho hạ tầng và xây dựng các mô hình sản xuất muối truyền thống, qua đó có thể gắn kết với du lịch và các hoạt động trải nghiệm văn hóa. Đây là một hướng để vực dậy, nâng cao giá trị cho hạt muối và đời sống của diêm dân.

Phải nhiệt huyết, có lửa thì mới thành công

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đề án "Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2025" (gọi tắt là Đề án) được xác định mang tính chất an sinh xã hội nhiều, hướng tới đối tượng diêm dân nghèo, gắn với hạt muối làm gia có giá trị thấp nhất trong các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì thế, Thứ trưởng nhấn mạnh các địa phương cần phải đẩy nhanh việc thực hiện đề án cho có hiệu quả. Việc thực hiện đề án phải nhiệt huyết, có lửa thì mới thành công được.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam: Đề án ngành muối có tính an sinh, làm phải nhiệt huyết, có lửa mới thành công - Ảnh 3.

Sản xuất muối tại Công ty CP muối và thực phẩm Bình Định. Ảnh: NVCC

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NNPTNT đảm bảo vốn thực hiện dự án về xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất muối và công tác khuyến diêm (Dự án 1 và 2). Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp và HTX cần có những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện dự án 3 và 4. Đây là nội dung quyết định sự thành công của đề án.

"Từ Nghị định 40/NĐ-CP đến Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, chủ trương của Chính phủ đều muốn vực dậy nghề muối, không để mất nghề muối và khẳng định giá trị nghề muối vẫn có thể gia tăng giá trị khi gắn sản phẩm với du lịch, y tế, thực phẩm…" - Thứ trưởng Nam nói.

Qua các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT trao đổi với địa phương rà soát vốn đối ứng và nội dung triển khai cho phù hợp. Đồng thời, rà soát các dự án liên quan đường nội đồng để tham mưu ghi vốn cho các dự án này trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Việc thực hiện các nội dung của đề án phải có khí thế và có lửa thì mới thành công được. "Phải đẩy nhanh việc thực hiện đề án vì diêm dân là đối tượng đặc thù, cần được ưu tiên" – Thứ trưởng Nam khẳng định..

Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay là khoảng từ 1,5-1,6 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 2 triệu tấn/năm.

Trong những năm gần đây, sản lượng muối bình quân của cả nước chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn. Mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo Bộ NNPTNT, cơ sở hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối sản xuất ra khiến giá bán thấp, không cạnh tranh được với muối nhập khẩu.

Thực tế, đã có nhiều diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn nên nhiều đồng muối có nguy cơ bỏ hoang. Mặt khác sản xuất, kinh doanh muối ở nước ta cơ bản là sản xuất muối thô, nguyên liệu, sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp. Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo.

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 nhằm hỗ trợ diêm dân bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống; khắc phục các hạn chế hiện nay, nâng cao giá trị hạt muối, thu nhập và tạo công ăn việc làm cho diêm dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem