Hàng nghìn hecta đất lúa ở TP.HCM sẽ được chuyển đổi nhằm mục đích này

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 03/12/2021 12:28 PM (GMT+7)
Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc trình HĐND TP thông qua việc chuyển mục đích sử dụng 901,2ha đất trồng lúa tại 9 quận, huyện, nhằm phục vụ việc đô thị hóa, phát triển kinh tế thành phố.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường, tính đến năm 2020, TP.HCM có 88.005ha đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 42,1%; đất phi nông nghiệp 118.890ha, chiếm 56,9%. Diện tích đất nông nghiệp tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và quận 9 cũ…

Sẽ chuyển đổi hàng nghìn hecta đất lúa ở TP.HCM - Ảnh 1.

Nông dân huyện Bình Chánh thu hoạch lúa. Ảnh: Quốc Hải

Đề xuất chuyển đổi hơn 900ha đất lúa

Cụ thể, theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, sẽ có 43 dự án cần thu hồi đất, 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 3 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa), 6 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha, 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ dưới 20ha (tại Cần Giờ), 32 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Tổng cộng có khoảng 901,20ha đất trồng lúa có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, diện tích cần chuyển đổi tập trung nhiều nhất ở huyện Hóc Môn (395,80ha); kế đến là TP.Thủ Đức (có 142,19ha), huyện Bình Chánh (128,36ha) và các quận huyện còn lại như:  Quận Bình Tân (có 19,84ha), huyện Nhà Bè (60,77ha), huyện Cần Giờ (60,82ha), huyện Củ Chi (78,13ha)…

Thời gian tới, các quận huyện cũng có chủ trương chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Chẳng hạn, tại  huyện Bình Chánh, trong năm 2021, địa phương này đã chuyển gần 1.350ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở). Hiện, địa phương này hiện vẫn có khoảng 6.000ha đất nông nghiệp và dự kiến đến năm 2025 sẽ chỉ còn giữ lại 350ha đất chuyên trồng lúa (tại xã Tân Nhựt) để đảm bảo an ninh lương thực.

Tương tự, huyện Nhà Bè hiện cũng còn khoảng 4.600ha đất nông nghiệp, chiếm 40% diện tích của cả huyện. Trong kế hoạch phát triển lên quận của địa phương này trong 5 năm tới, Nhà Bè dự kiến sẽ chỉ giữ lại khoảng 300ha để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Sẽ chuyển đổi hàng nghìn hecta đất lúa ở TP.HCM - Ảnh 3.

Việc chuyển đổi đất lúa và tiến hành đấu giá quỹ đất này, từ đó tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ... Ảnh: Quốc Hải

UBND huyện Củ Chi mới đây cũng đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch chung của huyện giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng chuyển đổi 17.000ha đất nông nghiệp sang chức năng khác và điều chỉnh quy mô dân số huyện đến năm 2030 là 1,5 triệu dân.

Không chỉ Nhà Bè, Bình Chánh, hay Củ Chi, các quận huyện khác như Hóc Môn, Cần Giờ hay TP.Thủ Đức cũng hướng đến chuyển đổi đất đai sang phục vụ cho ngành dịch vụ, công nghiệp.

Chuyển đổi sẽ có lợi cho phát triển kinh tế thành phố?

Liên quan đến câu chuyện chuyển đổi đất nông nghiệp của TP, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM là đầu tàu về kinh tế nhưng vẫn giữ gần 50% đất nông nghiệp là vô lý, trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Trong khi, đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.

Chính vì vậy, đề xuất chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để giúp cho sự phát triển kinh tế TP đã được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đề ra từ nhiều năm nay.

Từ 2016 - 2020, đã có 26.246ha đất nông nghiệp của TP.HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 1.363ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở và xu hướng này vẫn đang tiếp tục diễn ra…

Trên thực tế, ở nhiều quận huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và TP.Thủ Đức… nhiều diện tích đất nông nghiệp đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước… dẫn tới bỏ hoang, gây lãng phí. 

Vì vậy, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nên cho phép chuyển đổi và tiến hành đấu giá quỹ đất này, từ đó tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…

"Thực tế, 1ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sẽ tạo ra giá trị ước khoảng 55 tỷ đồng/năm, giá trị tăng lên hàng trăm lần. Việc này không chỉ giúp khai thác nguồn lực cực lớn từ đất đai của các địa phương này mà còn giải quyết sớm nhu cầu về nhà ở cho người dân, qua đó sẽ ngăn chặn được tình trạng xây dựng, phân lô trái phép đất nông nghiệp như hiện nay.…", đại diện HoREA, tính toán.

Sẽ chuyển đổi hàng nghìn hecta đất lúa ở TP.HCM - Ảnh 5.

Nhiều quận huyện đang xin chuyển đổi công năng đất trồng lúa... - Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, trong một hội thảo gần đây về xây nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động đã chia sẻ, hiện nay quỹ đất tại khu vực trung tâm thành phố đã cạn kiệt, trong khi giá bán BĐS liên tục leo thang ở mọi phân khúc, vượt xa tầm với so với thu nhập của người dân.

Trong khi tại nhiều quận huyện vùng ven, đặc biệt là Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh đất nông nghiệp còn rất nhiều lại không được sử dụng hiệu quả.

"Do đó, nếu được chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp BĐS săn tìm quỹ đất mới phát triển dự án. Người dân có nhu cầu về nhà ở cũng hưởng lợi lớn khi nguồn cung được tăng lên và giá bán sẽ ở mức phù hợp hơn", vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem