Sẽ diễn tập máy bay không người lái phun trừ châu chấu sa mạc phòng khi di trú sang Việt Nam

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 24/07/2020 16:03 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), dù khả năng đàn châu chấu sa mạc khổng lồ khó có khả năng di trú vào Việt Nam nhưng Cục vẫn đang lên kịch bản, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện diễn tập phun thuốc phòng chống.
Bình luận 0

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quý Dương, Cục Bảo vệ thực vật vẫn đưa châu chấu sa mạc vào đối tượng giám sát đặc biệt, hàng ngày bố trí cán bộ nắm thông tin châu chấu sa mạc lây lan, gây hại trên thế giới thông qua internet, các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục theo dõi sát tình hình các đàn châu chấu di cư; các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc từ FAO và các nước có liên quan trong khu vực để chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Sẽ diễn tập máy bay không người lái phun trừ châu chấu sa mạc phòng khi di trú sang Việt Nam - Ảnh 1.

Đàn châu chấu sa mạc hoành hành ở nhiều nước châu Phi nhưng ít có khả năng di trú vào Việt Nam. Ảnh: I.T

Làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn; làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương về nội dung này để sử dụng radar dân sự sẽ thuận lợi hơn.

"Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện diễn tập sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phòng trừ châu chấu sa mạc nếu loài này di trú đến Việt Nam" - ông Dương nói.

Đối với đàn châu chấu đang xuất hiện và gây hại ở một số diện tích tre, ngô của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ông Dương cho biết, đây là loài châu chấu tre lưng vàng vẫn xuất hiện hàng năm ở khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam. Chúng cũng thường di trú giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.

Trước đó, Bộ NNPTNT cũng cảnh báo, từ tháng 6-7/2020, có khả năng châu chấu trưởng thành từ Lào di trú sang Việt Nam gây hại. 

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương vùng miền núi phía Bắc giám sát châu chấu di cư qua biên giới để phòng trừ sớm ngay khi châu chấu xâm nhập xuống cây trồng nông nghiệp.

Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim,…) để quản lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Điện Biên, đến nay, đàn châu chấu tre đã xuất hiện trên diện tích 20ha tre ở bản Pờ Nhù Khò, bản Tá Miếu (xã Sín Thầu); mật độ trung bình khoảng 100 - 200 con/m2, chỗ cao 300 - 400 con/m2, cục bộ trên 400 con/m2 tuổi trưởng thành.

Trên các nương ngô châu chấu tre cũng di thực gây hại rải rác tại bản Pờ Nhù Khò và Tá Miếu với diện tích gây hại khoảng 20ha; trong đó diện tích gây hại trên 70% khoảng 5ha; gây hại khoảng 30% là 15ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem