|
Người dân đang mong được chia tiền bồi thường của Vedan một cách công bằng, hợp lý. |
Không giải quyết đơn phát sinh
Hôm qua (12-8), ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, sau khi Vedan công bố bồi thường 100% (hơn 45,7 tỷ đồng) cho nông dân huyện Cần Giờ thì ngoài 839 đơn kiện đủ pháp lý, đã có nhiều hộ dân đến xin nộp đơn đòi Vedan bồi thường. “Chúng tôi không thống kê bao nhiêu người dân đến đòi tiền ngoài con số 839 hộ. Tuy nhiên, Hội Nông dân cơ sở đã giải thích, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) bằng phương pháp khoa học đã xác định ranh giới, vùng thiệt hại.
Căn cứ theo đó, chính quyền, Hội Nông dân đã xác định đúng, đủ chỉ có 839 hộ dân trong vùng thiệt hại. Do đó, những hộ mới phát sinh đòi bồi thường, nếu cần, Hội sẽ giúp kiện chứ không thể đưa thêm vào danh sách 839 hộ nêu trên được!”. Ông Phụng cho biết thêm, sau giải thích của các cấp hội và chính quyền, người dân ra về, còn họ kiện hay không nữa thì chưa biết.
Ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan VN của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không khẳng định tỉnh này sẽ không phát sinh đơn kiện mới.
Tuy nhiên từ cơ sở xác định phạm vi thiệt hại của Viện Môi trường và Tài nguyên, tỉnh đã chốt 1.255 hộ dân bị thiệt hại được xác nhận đầy đủ của xã, huyện, đảm bảo tính pháp lý để nhận bồi thường từ Vedan Việt Nam. Những phát sinh, sẽ không giải quyết trong thời điểm này!
Đồng Nai lúng túng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM, đại diện ủy quyền cho nông dân Cần Giờ): “Chúng tôi đã thống nhất giao trách nhiệm chi trả bồi thường cho tổ chức Hội Nông dân. Để chặt chẽ hơn, các cấp Hội sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương từng tổ ấp để chi trả đúng người. Khi chi trả cho dân, chúng tôi cũng sẽ công khai trên báo chí để dư luận cùng giám sát”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, sau khi Viện Môi trường và Tài nguyên cung cấp bản đồ, phân vùng ô nhiễm 4 xã để chồng ghép lên bản đồ địa chính của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Sở đã xác định được tổng số hộ thiệt hại của Đồng Nai là 4.770 hộ (trước đây là 5.064 hộ). Còn tổng diện tích thiệt hại thủy sản là 1.754ha (trước đây là 10.454ha).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đồng Nai chưa lên phương án chi trả mà đang “lo” việc lấy ý kiến dân nhận hay không 119,5 tỷ đồng tiền Vedan bồi thường. Tuy nhiên ngay từ trước khi Vedan đồng ý bồi thường 100% cho tỉnh này thì chỉ 1 xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) đã phát sinh khoảng 500 đơn không nằm trong vùng thiệt hại do Viện Môi trường và Tài nguyên xác lập.
Tương tự, một cán bộ UBND xã Phước An cũng nói, thời gian qua có nhiều hộ lại nằm ở các ấp không được Viện Môi trường và Tài nguyên xác định là vùng bị ô nhiễm nên xã lúng túng không biết nên xác nhận thế nào. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đến giờ này, Đồng Nai vẫn chưa xác định được số tiền thiệt hại cụ thể là bao nhiêu.
Có thể nói, dù chấp nhận đền bù 100% nhưng Vedan Việt Nam cũng khôn khéo đá quả bóng trách nhiệm sang cho chính quyền 3 tỉnh khi đưa ra điều kiện tiên quyết sẽ chi trả bồi thường khi nông dân không kiện công ty này ra tòa; Vedan Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm đơn kiện phát sinh trong vấn đề chi trả bồi thường sau này. Do vậy, hiện đang dấy lên nỗi lo làm sao đưa đồng tiền đó đến đúng, đủ cho dân và không “kích thích” lòng tham cố hữu của con người.
Thùy Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.