Sẽ xác minh tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 14/06/2016 15:47 PM (GMT+7)
“Tất cả những người trúng cử ĐBQH khóa XIV đang được thẩm tra tư cách đại biểu, trong số này có ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang” - Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết.
Bình luận 0

Sáng nay, 14.6, trả lời Dân Việt về việc cơ quan chức năng vào cuộc thẩm tra tư cách đại biểu đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - người vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV, ông Trần Văn Túy - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết tất cả 496 người trúng cử ĐBQB khóa XIV đều phải thẩm tra tư cách đại biểu.

Ngày 9.6, Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV đó là kết quả dân bầu, còn việc thẩm tra tư cách đại biểu, các cơ quan chức năng đang thực hiện.

img

 Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh gây xôn xao dư luận những ngày qua (Ảnh: Báo Hậu Giang).

Cũng theo ông Túy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét, kết luận những nội dung báo chí đã nêu xung quanh việc đối với ông Thanh.

"Sau khi các cơ quan chức năng có kết luận, căn cứ vào kết quả thẩm tra, họ sẽ chuyển hồ sơ sang Ban Công tác đại biểu. Kết quả được làm rõ đến mức nào thì xử lý đến mức đó" - ông Túy cho hay.

Tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV diễn ra vào tháng 5, ông Thanh được giới thiệu và ứng cử ĐBQH ở tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh được 198.392 phiếu, trúng cử ĐBQH với tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ.

Cũng trong sáng 14.6, trả lời báo chí, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Đảng đã đánh giá, bản thân ông Thanh là người có vấn đề và cần phải xem xét.

“Thứ nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý cán bộ, cụ thể là Ban cán sự Đảng, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ban Tổ chức TƯ, Tỉnh ủy Hậu Giang, những cơ quan này phải có trách nhiệm về vấn đề này. Vì sao một người làm ăn thua lỗ như vậy mà không được kiểm điểm, làm rõ? Tập đoàn Dầu khí làm gì mà không kiểm tra, xem xét xử lý khi người đứng đầu Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm ăn thua lỗ” - ông Thưởng nêu câu hỏi.

Ông Thưởng cũng nhận định, một người như ông Thanh sau khi làm ăn thua lỗ lại được chuyển về Bộ Công Thương làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.

“Không lẽ Bộ Công Thương không tìm hiểu, làm rõ về lai lịch của ông Thanh trước khi đưa ông về bộ?” - nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư băn khoăn.

Ngoài ra, theo ông Thưởng, hiện tượng nhóm lợi ích trong công tác cán bộ và hiện tượng tham nhũng trong công tác nhân sự là một thực trạng đang tồn tại.

“Người ta vẫn nói “con voi chui qua lỗ kim” để nói những điều tưởng chừng không thể xảy ra, nhưng thực tế vẫn đang xảy ra. Nó xảy ra được vì trách nhiệm quản lý cán bộ kém. Không chỉ vậy, dư luận vẫn nói tới việc chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu hay cả tỷ bạc" - ông Thưởng băn khoăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem