Sếp ngân hàng sẽ chọn “ghế nóng” hay... lãnh đạo doanh nghiệp?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 23/11/2017 16:00 PM (GMT+7)
Theo quy định của luật mới, nhiều doanh nhân tên tuổi ngành ngân hàng sẽ không được làm chủ tịch nhà băng kiêm lãnh đạo doanh nghiệp từ 15.1.2018. Họ sẽ rời bỏ “ghế nóng” ngân hàng hay sẽ lựa chọn "về ta tắm ao ta"?
Bình luận 0

img

Những doanh nhân tên tuổi ngành Ngân hàng sẽ phải lựa chọn hoặc "ghế nóng" hoặc "ta về ta tắm ao ta" (Ảnh: IT)

Bên cạnh những quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá là hành động mạnh tay nhằm vào việc các ông chủ ngân hàng có thể rót vốn cho công ty “sân sau”. Đặc biệt, sắp tới làn sóng thay đổi “ghế nóng” tại các ngân hàng sẽ càng trở nên mạnh hơn khi hàng loạt nhân sự lãnh đạo sẽ phải lựa chọn vị trí của mình: hoặc “ghế nóng” ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.

Mạnh tay “siết” doanh nghiệp sân sau

Theo thống kê của Dân Việt, giữ vị trí “ghế nóng” điều hành của hàng loạt ngân hàng hiện nay đều là những doanh nhân nổi tiếng với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Chẳng hạn, ông Đỗ Quang Hiển ("bầu" Hiển) đang vừa là Chủ tịch Ngân hàng SHB kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T; ông Dương Công Minh vừa là Chủ tịch Sacombank vừa kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Himlam; ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch ABBank cũng đang là Chủ tịch Geleximco; ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank kiêm Chủ tịch Tập đoàn DOJI; ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB kiêm Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings...

Tuy nhiên, nhìn vào quá trình giữ “ghế nóng” của những doanh nhân trên, đa số họ đều là doanh nhân thành công trên thương trường trước khi bước vào ngành ngân hàng. Nhiều người được mời, hoặc muốn thử sức ngành ngân hàng... nhưng tựu chung đều đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều hành các nhà băng. Nếu buộc phải chọn, ai sẽ quyết định chọn “ghế nóng” ngân hàng (nhưng là làm thuê) hay là làm chủ ở doanh nghiệp của chính mình?

Chẳng hạn, ông Dương Công Minh liệu có thể giao hết quyền kiểm soát Tập đoàn Himlam cho người khác để tập trung cho Sacombank? Hoặc ông Đặng Khắc Vỹ liệu có bỏ Công ty Mareven Food Holdings, một  trong những công ty mỳ gói hàng đầu tại Nga, được phân phối ở trên 25 nước (chủ yếu là châu Âu) để toàn tâm toàn ý làm Chủ tịch VIB? Ông Đỗ Minh Phú có từ bỏ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Doji để làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tienphongbank?... 

Liên quan đến việc liệu có xảy ra trường hợp ưu tiên cho vay doanh nghiệp “sân sau” hay không? Đa số lãnh đạo các ngân hàng khi được hỏi đều khẳng định: Tại Việt Nam, việc cổ đông chi phối  ngân hàng (chiếm trên 51% cổ phần) là không thể xảy ra bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế như trường hợp Sacombank dưới thời ông Trầm Bê, việc cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên kết, lách quy định để thâu tóm ngân hàng là có thật.

Chưa kể, việc các ông chủ ngân hàng cũng dễ dàng bơm vốn cho công ty con bằng cách cho người khác đứng tên công ty con như trường hợp Ngân hàng Xây dựng dưới thời ông Phạm Công Danh làm chủ tịch HĐQT.

Rõ ràng, những quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mới là nút thắt để giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo giữa các ông chủ ngân hàng và các công ty “sân sau”, góp phần đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống tín dụng.

Trói chặt những người ngồi... “ghế nóng”

Liên quan đến quy định lãnh đạo nhà băng không được kiêm lãnh đạo doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài Chính, trường Đại học Kinh Tế TP.HCM, cho rằng những nhà làm luật đưa ra quy định trên để hạn chế vấn đề rủi ro trong thị trường tài chính. Việc ngân hàng và các công ty “sân sau” cho vay chồng chéo, thậm chí các ngân hàng vừa huy động vốn vay vừa cho công ty “sân sau” vay chính đồng vốn vay đó làm cho tính cạnh tranh trở nên méo mó.

Đồng thời, các rủi ro của hệ thống ngân hàng như rủi ro đạo đức, sự lựa chọn đối nghịch... dễ xảy ra. Tất cả những điều đó làm tăng xác xuất phá sản ngân hàng.  

“Chính vì vậy, tôi cho rằng luật quy định điều này để tạo ra sự minh bạch và hành lang pháp lý chặt hơn. Tức là chúng ta “trói chặt” người hoạt động ngân hàng hơn”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, điều gì cũng có tính 2 mặt của nó, cái được của quy định này là những bất cập về “rủi ro đạo đức” sẽ khó xảy ra hơn. Tuy nhiên, khó thôi chứ không phải không thể xảy ra bởi nếu họ muốn “lách luật” thì vẫn hoàn toàn có thể làm được. Còn mặt trái của quy định này là khiến người ta cảm thấy một thị trường tài chính bị cột, bị ràng buộc bởi quá nhiều điều luật... khiến sự linh động, động lực của tăng trưởng bị giảm đi.

“Tôi nghĩ, những nhà hoạch định chính sách đã tính đến hết cả những mặt này rồi thì họ mới ra luật”, ông Bảo bình luận.

Theo quy định của Luật, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ngân hàng cũng không được đồng thời là thành viên HĐQT hay ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng. Bản thân phó tổng giám đốc mỗi ngân hàng, theo quy định mới, cũng không được làm tổng giám đốc hay phó giám đốc ở bất cứ doanh nghiệp nào khác...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem