Ông Huỳnh Thanh Tuyền (Bình Định), chủ nhân của tác phẩm cho biết, tác phẩm si đỏ có tên “Nhất trụ liên chi”, bởi có dáng trực, thẳng đứng, biến ra từ thế trực quân tử nhưng có hệ thống tay cành quấn quýt lấy nhau, ôm sát quanh thân cây.
Có người yêu quý tác phẩm này lại đặt cho cái tên mĩ miều hơn là “Đường quyền Tây Sơn”, bởi thân chính của nó trụ vững như một tư thế tấn cố định vững chãi của một võ sĩ Tây Sơn đang bị bao vây tứ phía, ông Tuyền chia sẻ.
Theo chủ nhân của tác phẩm, trước kia cây thuộc một gia đình có truyền thống chơi cây cảnh ở Bình Định. Sau nhiều năm theo đuổi, cách đây 2 năm, ông Tuyền đã mua được. Cây phôi bán đầu có tuổi đời hơn 100 năm.
Cây cao khoảng 90 cm, hoành thân hơn 100cm, mâm rễ tỏa đều các hướng tạo ra sự vững chãi như một đại cổ mộc hùng vĩ ngoài thiên nhiên ngàn năm tuổi.
Tác phẩm đã hội tụ được sự hài hòa của cả hai trường phái cây cảnh nghệ thuật. Đó là cây cảnh truyền thống (cây thế Việt Nam) và cây cảnh nghệ thuật đương đại (bonsai quốc tế).
Ông Tuyền cho biết, thời điểm mới mua về, tay cành của cây rất dài.
Sau đó, ông quyết định cắt trụi để làm lại từ đầu. Hiện tại cây có “tỷ lệ vàng”, được thể hiện qua mối quan hệ giữa chiều cao và đường kính thân chính, độ dài mâm rễ, điểm đóng cành hợp lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn tứ diện, bông tay tạo ra mảng khối rất rõ ràng, có chiều sâu, là sự hợp lý giữa yếu tố không gian và thời gian...
Nét cổ của tác phẩm qua màu da xám bạc.
Gốc, rễ, thân cành chun rụt, nu cục, u bướu phát lộ quanh thân.
Đường chạy thân chính dích dắc biến dạng, lá tăm săn nhỏ. Toàn thân đanh lại, thu mình khắc khổ mang dáng vẻ phong sương, mang dấu ấn thời gian.
Qua đôi bàn tay khéo léo, sự kiên trì của người nghệ nhân đã tạo nên tác phẩm hài hòa về bố cục. Bộ rễ vững chãi tượng trưng cho cội nguồn hưng vượng, thân thẳng đứng tượng trưng cho trượng phu quân tử ngay thẳng.
Ông Tuyền tâm sự: "Thời điểm mua cây về ai cũng nghĩ tôi sẽ giữ nguyên hiện trạng của cây để chơi chứ ít ai nghĩ tôi dám cắt cụt đi tất cả để làm lại từ đầu".
"Tuy nhiên, sau 2 năm, mọi người đến chơi, ngắm cây ai cũng ngạc nhiên bởi cây sau khi được làm lại, nó có vẻ đẹp hiếm có", ông Tuyền nói.
Tác phẩm si đỏ của ông Tuyền được bạn chơi trong Nam ngoài Bắc đến thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng và đã từng có đại gia yêu cây đất Bắc trả với giá trên 1 tỷ đồng nhưng ông Tuyền vẫn quyết định chưa bán tại thời điểm này.
“Tôi muốn phải đầu tư thêm công sức cho tác phẩm thực sự hoàn thiện, mang được những đặc trưng dấu ấn của cây cảnh nghệ thuật Bình Định sau 2 năm nữa”, ông Tuyền cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.