Siêu tàu ngầm Hitler muốn dùng để thống trị thế giới

Đăng Nguyễn - NI Thứ hai, ngày 05/12/2016 19:40 PM (GMT+7)
Tàu ngầm diesel-điện Type XXI được phát xít Đức chế tạo trong giai đoạn cuối của Thế chiến 2 là mẫu tàu ngầm hiện đại đầu tiên, với khả năng hoạt động vượt trội và mang theo kho vũ khí lớn.
Bình luận 0

img

Tàu ngầm Type XXI của phát xít Đức.

Theo National Interest, ngày 4.5.1945, một trong những tàu ngầm hiện đại nhất thời điểm đó âm thầm theo sát tàu tuần dương của Hải quân Hoàng gia Anh.

Đó chính là tàu ngầm U-2511, thuộc lớp Type XXI. Được mệnh danh là “kỳ quan” tàu ngầm của phát xít Đức, U-2511 có nhiệm vụ tìm và diệt các tàu nổi thuộc phe đồng minh.

Trong bài phân tích gần đây, Marcus Jones, giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ mô tả, tàu ngầm Type XXI là một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất của Hitler, nhằm âm mưu thống trị thế giới.

Phát minh mang tính đột phá

Năm 1942, Đức bước vào giai đoạn chiến tranh tàu ngầm ở Đại Tây Dương. Trùm phát xít Adolf Hitler muốn cô lập Vương quốc Anh bằng hàng trăm tàu ngầm, không cho bất cứ thứ gì ra hoặc vào khu vực.

Từ tháng 10.1942, kế hoạch này có vẻ như thành công khi các tàu ngầm U-boat đánh chìm 56 tàu nổi… chỉ riêng khu vực giữa Ailen và đảo Greenland. Nhưng chỉ vài tháng sau, phe đồng minh thay đổi chiến lược, tăng cường radar, các máy bay săn ngầm khiến cho các tàu ngầm Đức gặp thiệt hại nặng nề.

Công nghệ tàu ngầm ở thời điểm đó khiến các tàu chỉ có thể hoạt động dưới mặt nước trong vài giờ trước khi phải ngoi lên sạc pin. Chỉ riêng tháng 5.1943, quân đồng minh đánh chìm 43 tàu U-boat, tương đương 25% hạm đội tàu ngầm phát xít Đức.

img

Nhiều tàu ngầm Type XXI mãi mãi không bao giờ có cơ hội ra biển khơi.

Hitler và các tướng lĩnh phát xít Đức nhận ra rằng, các tàu ngầm hiện có “không thể vượt qua được những biện pháp đáp trả mà phe đồng minh đã áp dụng trong giai đoạn nửa đầu năm 1943”, Giáo sư Jones cho biết.

Kế hoạch chế tạo siêu tàu ngầm mới, về lý thuyết sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường dưới biển sâu. Dự án chế tạo tàu ngầm Type XXI ra đời.

Do kỹ sư động cơ đẩy Helmuth Walter thiết kế, diện tích bên trong tàu ngầm lớp Type XXI được mở rộng, chứa loại pin lớn hơn. Kết quả là tàu rất hiếm khi cần phải nổi lên mặt nước để sạc pin bằng dầu diesel.

Động cơ mạnh hơn cũng giúp cho các tàu Type XXI đủ khả năng đuổi kịp các tàu mặt nước. Tàu ngầm có thể hoạt động yên tĩnh dưới nước ở tốc độ tối thiểu trong 60 giờ hoặc tăng tốc lên 33 km/giờ trong vòng vài tiếng. Các mẫu tàu ngầm khi đó chỉ di chuyển không quá 14 km/giờ trong thời gian ngắn.

Tàu ngầm mới cũng được trang bị “cảm biến, biện pháp phòng vệ và các thiết bị quan trọng khác trong cuộc chiến tranh thương mại”, ông Jones nói. Thiết bị hiện đại như radar chủ động, sonar và sonar thụ động tối tân giúp dễ dàng phát hiện ra dấu hiệu tàu nổi đối phương.

Phát xít Đức lên kế hoạch chế tạo 1.170 tàu ngầm loại này. Chi phí chế tạo ước tính vào khoảng 5,750,000 Reichsmark (2,3 triệu USD). 118 tàu hoàn thành trước khi chiến tranh kết thúc nhưng chỉ 4 tàu có khả năng chiến đấu.

Theo Giáo sư Jones, chi phí phát triển và chế tạo tốn kém cũng là một trong những nguyên nhân khiến phát xít Đức đại bại. Chương trình chế tạo tàu ngầm Type XXI tương đương 5.000 xe tăng. Đây là khí tài quân sự mà phát xít Đức rất thiếu để có thể mở rộng chiến trường về phía Liên Xô năm 1943.

Tàu ngầm hiện đại đầu tiên thế giới

Dài 76 mét và có lượng giãn nước 1.620 tấn, các tàu Type XXI được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, mang theo tối đa 23 ngư lôi dự trữ. Kho vũ khí này đủ sức đánh chìm cả một đoàn thuyền chở hàng, hoặc hạm đội tàu chiến.

img

Tàu ngầm hiện đại đầu tiên trên thế giới do phát xít Đức chế tạo.

Với khả năng lặn sâu, di chuyển dưới nước ở tốc độ cao hơn nhiều, và quãng thời gian lặn được cải thiện đáng kể, tàu ngầm Type XXI tỏ ra hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ một loại tàu ngầm nào ra đời trước đó.

Type XXI còn được coi là tàu ngầm chiến đấu hiện đại đầu tiên trên thế giới. Nhân loại khi đó chưa từng chứng kiến một tàu ngầm nào có thể hoạt động tác chiến chủ yếu dưới mặt nước.

Trong khi các tàu ngầm thời bấy giờ chỉ đóng vai trò phòng thủ gần bờ, gây khó khăn cho tàu chiến đối phương thì các tàu Type XXI có thể hoạt động xa bờ hơn, trong khoảng thời gian dài và có thể phong tỏa mọi con đường tiếp cận châu Âu của Mỹ hay Anh, nếu hiện diện với số lượng lớn.

Sức ép trên chiến trường trong giai đoạn cuối Thế chiến 2 lớn đến mức, các cảng biển Đức không còn an toàn. Kỹ sư phải chế tạo tàu Type XXI thành từng phần rồi ráp lại ở một khu vực cố định.

Điều này khiến cho tàu ngầm gặp vô số trục trặc khi chạy thử, và phải mất thêm thời gian khắc phục. Đó là lý do 118 tàu được chế tạo nhưng chỉ 4 chiếc có thể chiến đấu.

Thần may mắn đã đứng về phía các thủy thủ trên tàu tuần dương Anh. Họ không hề biết rằng “tử thần” đang theo sát mình để chờ cơ hội khai hỏa. Chiến tranh ở châu Âu kết thúc sau khi Hitler tự sát vào ngày 30.4.

Thông tin Thế Chiến 2 ngã ngũ đến được tới tàu ngầm Đức U-2511. Con tàu đã không phóng ngư lôi mà chấp nhận quay trở về cảng đầu hàng.

img

Tàu ngầm Type XXI hiện vẫn còn được trưng bày ở Bremerhaven, Đức.

Tàu ngầm U-2511 và các tàu khác thuộc lớp Type XXI đã không bao giờ có cơ hội phô trương sức mạnh. Nhưng ở thời điểm chế tạo, hải quân Đức kỳ vọng có thể giành chiến thắng trên biển nhờ các tàu Type XXI.

Kết thúc Thế chiến 2, tất cả các nước đồng minh đều chiếm tàu lớp Type XXI để phát triển tàu ngầm của riêng mình và nghiên cứu công nghệ chống ngầm.

Các tàu ngầm Liên Xô lớp Zulu, Whiskey và Romeo sau này đều dựa trên nguyên mẫu Type XXI. Phiên bản Mỹ của tàu Type XXI bao gồm các tàu ngầm lớp Gato, Balao và Tench.

Trung Quốc mua lại thiết kế tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô để cải tiến thành tàu Type  035 (NATO định danh là lớp Ming). Tháng trước, hải quân Bangladesh cũng mới mua lại 2 tàu ngầm Trung Quốc thuộc lớp này.

Hiện tại, vẫn còn một tàu ngầm Type XXI duy nhất được trưng bày tại bảo tàng ở Bremerhaven, Đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem