1. Phi công Mỹ-Nga đối đầu tại Triều Tiên
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, phi công Mỹ đã chính thức đối đầu với phi công Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng họ biết phi công Liên Xô cũng xuất hiện trong đó. Năm 1952, số lượng nhân sự của Liên Xô tại Triều Tiên đã lên đến 26.000 người, kể cả phi công và lính phòng không.
Cả hai bên đã che giấu một thực tế rằng Liên Xô đã tham gia để cả hai nước không bị buộc phải sa vào một cuộc chiến tranh lớn hơn. Quân đội Mỹ đã không báo cáo về việc nghe thấy tiếng Nga trong vụ chặn tín hiệu giữa các máy bay chiến đấu của Liên Xô trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết Liên Xô đã để các phi công của mình mặc đồng phục và điều khiển máy bay Trung Quốc.
2. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tướng lĩnh trong quân đội cả hai bên đều muốn tìm một cái cớ để phát động cuộc chiến tranh thông thường hoặc hạt nhân.
Ngày thứ 12 của cuộc khủng hoảng có lẽ là tời điểm tồi tệ nhất, với 4 sự cố riêng biệt gần như đã cung cấp các "mồi lửa" của chiến tranh.
Ngày 27.10.1962, một máy bay trinh sát tầm thấp bị bắn cháy bởi các lực lượng Cuba. Sau đó cùng ngày, một chiếc U-2 không biết do vô tình hay cố ý "lạc vào" không phận Nga và gần như đã bị bắn hạ. Một tàu ngầm Nga bị tàu khu trục hải quân Mỹ USS Beale tấn công bằng ngư lôi. Sau đó, phi công của chiếc U-2, Thiếu tá Rudolf Anderson Jr. bị bắn chết.
Cái chết của Rudolf có thể là điều giúp chấm dứt cuộc xung đột. Khi tình hình xấu đi nghiêm trọng, cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Liên Xô khi đó là John F. Kennedy và Nikita Khrushchev đều bày tỏ lo ngại rằng chiến tranh đã trở nên không thể tránh khỏi. Nhưng sau đó, Robert Kennedy đã đến các đại sứ quán Liên Xô để nói chuyện và họ đã xúc tiến được một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột.
3. Xe tăng Nga, Mỹ đối mặt ở Berlin
Sau khi các quan chức Đông Đức tìm cách ngăn chặn các nhà ngoại giao phương Tây tiếp cận sang Đông Berlin nhiều lần, Tướng Lucius Clay của Mỹ đã phái 10 xe tăng và xe bọc thép tới 3 điểm giao lộ trên tuyến đường chính mà các nhà ngoại giao Mỹ đi qua.
Người Nga đáp trả bằng cách gửi lực lượng thiết giáp của họ đến các trạm kiểm soát trên và xe tăng của hai bên "gườm nhau" trong 16 giờ. Tuy nhiên, không bên nào sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện vì Berlin, do đó Moskva và Washington đã mở các kênh liên lạc bí mật để chấm dứt bế tắc.
4. Các cuộc báo động hạt nhân giả suýt gây ra cuộc chiến tranh thực 4 lần
Trong bốn sự cố thời Chiến tranh Lạnh, chiến tranh hạt nhân gần như đã bắt đầu do trục trặc kỹ thuật và báo động sai.
Đầu tiên vào năm 1979 và sau đó vào năm 1980, các máy tính Mỹ đã cho thấy một cuộc tấn công tên lửa của Liên Xô do trục trặc kỹ thuật.
Sự cố lần thứ ba diễn ra vào tháng 9.1983 khi một vệ tinh của Liên Xô đọc ánh sáng mặt trời phản chiếu trên những đám mây giống như vụ phóng tên lửa của Mỹ.
Lần thứ tư diễn ra vào năm 1995 khi một vụ phóng tên lửa khoa học Na Uy xuất hiện tương tự như một tên lửa hạt nhân trên radar của Nga.
5. Một cuộc diễn tập của NATO gần biến thành chiến tranh thật
Able Archer 83 là một cuộc diễn tập của NATO trong tháng 11.1983 để đối phó một cuộc chiến tranh thông thường và hạt nhân với Liên Xô.
Với 19.000 binh sĩ Mỹ tham gia, hoạt động này có quy mô rất lớn khiến Liên Xô lo ngại rằng đó là vỏ bọc cho một cuộc tấn công thực sự. Liên Xô đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, các máy bay chiến đấu thì sẵn sàng cất cánh và các kho vũ khí hạt nhân cũng đã sẵn sàng hoạt động.
May mắn thay, không có sự cố trong quá trình diễn tập và nó đã kết thúc một cách hòa bình 11.11.1983.
6. Hải quân Liên Xô va chạm tàu chiến Mỹ ở Biển Đen
Năm 1988, hai tàu Hải quân Mỹ đi do thám vùng lãnh hải Liên Xô và đã chạy vào khu vực đang tranh chấp. Liên Xô tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý trong khi Mỹ chỉ công nhận 3 hải lý.
Hai tàu Hải quân Liên Xô phản ứng bằng cách đâm vào tàu Mỹ. Để ngăn chặn các máy bay trực thăng của Mỹ cất cánh, hai chiếc trực thăng của Liên Xô đã bay lởn vởn xung quanh trong sự cố trên. Tất cả bốn tàu bị hư hại và các tàu Mỹ đã phải rời khỏi khu vực sau đó một giờ.
Công Thuận (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.