Covid Hà Nội, người mắc Covid-19 đang giảm giả tạo
Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày là giảm "giả tạo"?
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 13/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân hoặc du khách đến Hà Nội đồng loạt mắc Covid-19. Dù ca mắc mỗi ngày được thống kê có chiều hướng giảm, nhưng theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, có thể là mức giảm "giả tạo".
Ngày 4/2 (mùng 4 Tết âm lịch) vừa qua anh Vương Đức S. (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và mẹ ruột 66 tuổi phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Do mẹ anh có nhiều bệnh nền nên anh S. đưa mẹ đến Bệnh viện Thanh Nhàn nhập viện điều trị Covid-19.
May mắn, vợ và 2 con của anh S. âm tính. Trao đổi với PV Dân Việt, anh S. nhớ lại, từ mùng 1 đến mùng 3, gia đình chỉ tiếp xúc với các anh chị em họ hàng đến chúc Tết, không thể xác định được nguồn lây chính xác. Chỉ khi xuất hiện triệu chứng, cả nhà test nhanh mới phát hiện mắc Covid-19.
"Do đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nên tôi cảm thấy không sao, xem Covid-19 như cảm cúm thông thường, chỉ lo cho 2 con chưa được tiêm", anh S. nói.
Trong khi mẹ điều trị tại bệnh viện, anh S. tự cách ly và điều trị tại nhà. Anh ở một phòng riêng biệt, có phòng tắm, vệ sinh khép kín, không ra ngoài. Vợ và 2 con sinh hoạt một phòng riêng. Nếu phải ra ngoài để rửa bát, phơi quần áo, anh đeo 2 khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi xong việc.
"Sau khi báo y tế phường, tôi được kê đơn thuốc. Ngoài ra, tôi cũng được cấp tài khoản để khai báo sức khoẻ hàng ngày trên website của Sở Y tế Hà Nội. Mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm giặt,... diễn ra bình thường", anh S. chia sẻ. Mỗi ngày, gia đình đều gọi điện hỏi thăm sức khoẻ mẹ trong bệnh viện. Dự kiến một tuần nữa, mẹ anh S. sẽ được xuất viện, về nhà tự theo dõi sức khoẻ.
"Bản thân tôi hiện cũng đã âm tính, được cấp giấy khỏi bệnh và tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, tôi vẫn hạn chế tiếp xúc và tự theo dõi sức khoẻ", anh S. cho hay.
Sáng 7/2, ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, anh Phạm Văn Đ. (29 tuổi, quê Hải Dương), trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội đến cơ quan, được test nhanh 2 lần (mẫu gộp và mẫu đơn) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Nghi ngờ mắc Covid-19, anh Đ. được liên hệ sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thực hiện xét nghiệm PCR. Sau đó, anh về nhà, tự cách ly tại phòng riêng. Tối cùng ngày, anh Đ. nhận kết quả khẳng định mắc Covid-19. Trước đó, anh vẫn nghĩ do thời tiết Hà Nội mưa và lạnh nên có thể mệt do dính nước mưa.
Anh Đ. cho biết, trong thời gian nghỉ Tết, chỉ đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ và các anh chị em trong gia đình. Thời điểm đó, anh có gặp mặt 5 người bạn cùng lớp cấp 2, không tiếp xúc thêm người lạ.
"Cả Tết, tôi ngủ cùng cháu trai 8 tuổi, nhưng may mắn cháu âm tính", anh Đ. nói và cho biết, toàn bộ người thân và 5 người bạn đều âm tính 3 lần với SARS-CoV-2 khiến anh phần nào đỡ lo lắng.
Sang ngày 8/2, anh Đ. liên hệ với Trạm y tế phường Mai Dịch để khai báo y tế và được các bác sĩ hỏi thăm sức khoẻ, hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà. Ngoài các nhân viên tại trạm y tế, anh còn được các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành của tổng đài 1022 gọi điện hỏi thăm. Do đã tiêm đủ 3 liều vaccine Covid-19, nên triệu chứng của anh rất nhẹ.
"Tôi không bị mất vị giác, chỉ ho theo cơn và cơ thể mệt mỏi", anh Đ. cho biết mỗi ngày đều sử dụng máy đo SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) để theo dõi sức khoẻ. Ngoài ra, anh cũng dùng thuốc theo các triệu chứng, sử dụng nước muối xịt mũi dạng phun sương, nước muối rửa họng và đun nước để xông. Đến ngày 10/2, anh test nhanh vẫn hiện 2 vạch, nhưng vạch T rất mờ. Hai ngày sau, anh tiếp tục xét nghiệm, cho kết quả âm tính lần 1.
"Trong thời gian cách ly và điều trị tại nhà, tôi vẫn làm việc trực tuyến theo quy định của cơ quan. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn hỏi thăm, giúp tôi ổn định tinh thần. Đặc biệt, tôi và đồng nghiệp còn lập một nhóm Zalo để theo dõi sức khoẻ và tình hình điều trị", anh Đ. chia sẻ.
Ngoài trường hợp của anh S., anh Đ. thì những ngày sau Tết Nguyên đán tại Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Covid-19. Ngày 8/2 vừa qua, chị V.K.A. (30 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thấy bản thân và con gái gần 10 tuổi có biểu hiện ho, sốt. Cùng với đó người em gái báo tin mình xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi tự test nhanh tại nhà, chị K.A. cùng hai con nhỏ dương tính SARS-CoV-2. Người thân chị K.A. sau đó báo cho lực lượng y tế phường. Tại đây, nhân viên y tế phường yêu cầu chị tự test quay lại clip thực hiện rồi gửi lại để đơn vị này cập nhật số liệu vào hệ thống.
"Mấy ngày nay gia đình tôi tự cách ly tại nhà. Nhân viên y tế cũng thông báo có vấn đề gì thì thông báo để họ nắm được tình hình. Mẹ con cũng chỉ ho, sốt, người có mệt mỏi. Hằng ngày chúng tôi tự cách ly trong phòng, đun thảo dược tự xông", chị K.A. nói.
Số ca mắc mỗi ngày giảm "giả tạo", tuyệt đối không lơ là, chủ quan
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 11/2, đại diện Sở Y tế cho biết, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (trung bình 2.902 ca/ngày), tuy nhiên, đây có thể là mức giảm "giả tạo".
Trong tuần tiếp theo, có thể ghi nhận số mắc tăng cao. Song, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.
Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng đảm bảo an ninh y tế.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà; các túi thuốc điều trị F0…
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, số ca mắc hiện nay của Hà Nội đang được thống kê không phải con số thực tế chuẩn xác nhất.
Lý giải về điều này, ông Phu cho rằng, hiện nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà. Có trường hợp không triệu chứng, không xét nghiệm nên không biết được mình bị nhiễm Covid-19.
Ông Phu khuyến cáo, người dân cần phải khai báo y tế ngay khi xét nghiệm dương tính để được tư vấn, giám sát. Hơn nữa, trong trường hợp F0 chuyển nặng, sẽ được nhân viên y tế can thiệp kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trong cuộc họp chiều 11/2 cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết.
Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Các quận, huyện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tiễn để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác tiêm chủng, hạn chế tập trung đông người sau dịp Tết.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan rà soát các đối tượng để hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2, mũi 3. Đối với các địa phương có sự gia tăng F0 đột biến thì cần nghiêm túc đánh giá các nguyên nhân để tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.