Khang Hi sinh năm 1654 và được mệnh danh là một trong những vị hoàng đế tài ba lỗi lạc nhất của nhà Thanh. Ông cũng là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, cụ thể là 61 năm. Khang Hi còn nổi tiếng là một người đào hoa, đa tình với số giai nhân trong hậu cung không dưới 200 người, gồm cả những người đã và chưa được sắc phong.
Tuy nhiên, có một câu chuyện kỳ lạ rằng, hễ phi tần nào được sắc phong hoặc chuẩn bị được sắc phong làm hoàng hậu của Khang Hi đều chết sớm. Có bốn phi tần được vinh dự làm hoàng hậu (tính cả sắc phong và truy phong) của vị vua này. Trớ trêu thay, bốn người này đều chết sau khi lên ngôi một thời gian ngắn hoặc chuẩn bị được sắc phong.
1. Hiếu Thành Nhân hoàng hậu
Hoàng hậu đầu tiên của Khang Hi tên xuất thân từ dòng họ Hách Xá Lý thị. Bà là thê tử kết tóc của Khang Hi và là một trong bốn hoàng hậu được sắc phong trong ngày đại hôn lễ dưới thời nhà Thanh. Hách Xá Lý hoàng hậu là cháu gái của Sách Ni - một trong tứ đại trụ thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân của hai người ban đầu là vì nguyên nhân chính trị, nên duyên khi Khang Hi mới 12 tuổi.
Tuy nhiên, Hách Xá Lý hoàng hậu hiền lương thục đức, quản lý chu đáo mọi chuyện chốn hậu cung, còn giúp đỡ Khang Hi không ít chuyện chính sự nên dần dần tình cảm của hai người càng sâu đậm. Mẹ và bà của Khang Hi cũng vô cùng quý mến người con dâu hiếu thảo, ngoan ngoãn này. Hoàng tử đầu lòng của hai người là Thừa Hỗ sinh năm 1670, nhưng mới lên 2 tuổi đã chết yểu khiến Khang Hi vô cùng đau buồn.
Năm 1674, Hách Xá Lý hoàng hậu lâm bồn lần hai. Bà sinh ra hoàng tử Dận Nhưng nhưng vì khó sinh dẫn đến băng huyết nên mất ngay sau khi con trai ra đời. Khang Hi vô cùng đau khổ nên cho nghỉ triều chính 5 ngày, liên tiếp những ngày sau đó, Khang Hi đế đều đích thân đến tế rượu, khóc tang cho người vợ kết tóc của mình. Hách Xá Lý hoàng hậu ra đi khi mới 21 tuổi, bà là hoàng hậu trẻ nhất qua đời dưới thời nhà Thanh.
2. Hiếu Chiếu Nhân hoàng hậu
Hoàng hậu thứ hai của Khang Hi sinh năm 1653 và xuất thân từ dòng họ hiển hách Nữu Hỗ Lộc thị. Bà là con gái của Át Tất Long và được Ngao Bái nhận làm nghĩa nữ. Vì Át Tất Long và Ngao Bái đều thuộc tứ đại trụ nên vị thế của bà được đánh giá cao hơn Hiếu Thành Nhân hoàng hậu. Tuy Nữu Hỗ Lộc thị và Hách Xá Lý thị cùng vào cung một năm nhưng cuối cùng chỉ có Hách Xá Lý thị trở thành hoàng hậu, còn bà chỉ làm phi.
Sau khi Hiếu Thành Nhân hoàng hậu qua đời, Khang Hi không muốn lập hậu nhưng do Thái hoàng thái hậu buộc vua phải có tân hậu nên Khang Hi quyết định sắc phong Nữu Hỗ Lộc thị làm kế hậu. Tuy nhiên chỉ sau nửa năm trở thành người đứng đầu hậu cung, năm 1678, bà qua đời khi mới 24 tuổi mà không để lại cho Khang Hi bất kỳ người con nào. Nguyên nhân về cái chết của bà không được sử sách ghi chép.
3. Hiếu Ý Nhân hoàng hậu
Hoàng hậu thứ ba của Khang Hi đế có xuất thân từ dòng họ Đông Giai thị. Bà là cháu gái của sinh mẫu Khang Hi đế nên được chọn vào cung từ rất sớm. Sau khi bình định Loạn Tam Phiên năm 1681, Khang Hy quyết định ân phong hậu phi, Đông Giai thị được phong làm quý phi. Ngay một năm sau đó, do cha bà lập công lớn nên bà trở thành hoàng quý phi.
Năm 1683, sau nhiều năm không có con, bà sinh con gái đầu lòng cho Khang Hi, tuy nhiên công chúa này không may chết non khiến hoàng quý phi vô cùng đau buồn mà sinh tâm bệnh. Năm 1689, bệnh tình của Đông Giai hoàng quý phi trở nặng. Vì thương hoàng quý phi quản lý lục cung nhiều năm vô cùng chu đáo nên Khang Hi đế quyết định lập bà làm hoàng hậu với hi vọng giúp tâm bệnh của bà có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, làm hoàng hậu được một ngày, Đông Giai hoàng hậu không qua khỏi bạo bệnh mà qua đời.
4. Hiếu Cung Nhân hoàng hậu
Sau cái chết của ba hoàng hậu đầu, Khang Hi quyết định không lập hậu thêm lần nào nữa. Hiếu Cung Nhân hoàng hậu Ô Nhã thị là sinh mẫu của Ung Chính đế. Bà chưa bao giờ được làm hoàng hậu khi còn sống.
Sau khi con trai nối ngôi, bà được sắc phong làm Nhân Thọ hoàng thái hậu, việc này đồng nghĩa với việc Ô Nhã thị trở thành hoàng hậu thứ tư của Ung Chính. Tuy nhiên, lễ sắc phong chưa kịp diễn ra thì bà đã qua đời năm 1724.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.