Sơn La: Nhà máy nông sản khiến... môi trường ngạt thở

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 24/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Là huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La, nơi tập trung các nhà máy chế biến nông sản, dù có đóng góp lớn cho tăng trưởng địa phương nhưng việc môi trường ngày càng ô nhiễm tại đây đã khiến các ngành chức năng “đau đầu” tìm giải pháp.
Bình luận 0

Chế biến nông sản gây ô nhiễm

Mai Sơn là huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La với nhiều vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nông sản. Hiện nay toàn huyện có gần chục ngàn ha cây công nghiệp các loại: Mía, cà phê, chè, cây ăn quả, cao su… và hàng chục ngàn ha sắn. Vùng nguyên liệu này trải rộng trên nhiều xã, tập trung cao tại Hát Lót, Chiềng Mung, Chiềng Ban… Có vùng nguyên liệu thì tất nhiên là có nhà máy thu mua, chế biến nông sản: Nhà máy đường đặt tại thị trấn Hát Lót, nhà máy tinh bột sắn đặt tại xã Mường Bon, hàng trăm cơ sở sơ chế cà phê nằm trong các khu dân cư, vùng nguyên liệu… Những cơ sở chế biến này đã gây ra ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

img

Những hộ dân vùng lân cận điểm sơ chế cà phê tại xã Chiềng Ban, Mai Sơn kêu cứu vì nguồn nước và môi trường ô nhiễm từ nước thải sơ chế cà phê.    ảnh: M.N

Việc xử lý khói và chất thải từ nhà máy mía đường trong những năm gần đây đã từng được các cấp chính quyền trong tỉnh Sơn La đặt lên bàn nghị sự nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hàng trăm hộ dân sống dọc theo suối Nậm Pàn - nguồn dẫn chất xả thải của Nhà máy Mía đường Sơn La, cứ đến mùa sản xuất lại phải chấp nhận bầu không khí nặng mùi mà “kêu mãi cũng chưa thấy cấp nào xử lý triệt để”.

"Xã đã được công nhận đạt nông thôn mới, vì thế không thể để môi trường tồn tại như hiện nay. Chúng tôi đang vận động bà con áp dụng các biện pháp đơn giản nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong mùa sơ chế cà phê”.
Bà Lò Thị Hương - 
Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban

“Nhà máy mía đường ảnh hưởng môi trường còn ở mức hẹp chứ việc sơ chế cà phê ảnh hưởng môi trường trầm trọng hơn đối với các khu dân cư” - ông Hồ Sâm, hộ dân sống ở khu vực Trại Ong, thuộc xã Chiềng Mung nói. Cũng theo ông Sâm, cứ vào mùa sơ chế cà phê là người dân khốn khổ. Tuy ở cách địa bàn sơ chế tới 3-4km, nhưng nước thải sơ chế cà phê vẫn chảy tới xã, màu nước đen ngòm, hôi thối.

Vật vã tìm giải pháp

Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Sơn La vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã phải đầu tư hàng tỷ đồng cải tiến hệ thống xử lý nước thải và khói ô nhiễm môi trường, nhưng xem ra vẫn chưa được như mong đợi. Một người dân (xin giấu tên) ở tiểu khu 6 ở thị trấn Hát Lót nói với PV: “Chả biết họ làm thế nào, nhưng mấy năm nay có con cá nào sống được ở suối tại địa phương nữa đâu. Trước đây, chúng tôi còn dám tắm, giặt, lấy nước mó về sinh hoạt. Nhưng bây giờ đành chịu”.

Khi phóng viên đến vựa cà phê của huyện Mai Sơn – địa bàn xã Chiềng Ban, nơi đang có cả ngàn ha cây cà phê cho quả và cũng là điểm thu mua, sơ chế cà phê của nhiều xã lân cận, không khí rất nặng mùi hôi thối. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: Trên địa bàn xã hiện có nhiều điểm thu mua và sơ chế cà phê quả tươi gây ô nhiễm nguồn nước và không khí ở mức độ rất khó chịu. Huyện và xã cũng đã tuyên truyền, vận động bà con áp dụng giải pháp đưa lò sơ chế ra xa khu dân cư, đào hố, xây bể chứa bã cà phê và bể thẩm thấu nguồn nước sơ chế, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem