Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đang quản lý, giam giữ trên 3.000 phạm nhân thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình,... Số phạm nhân này chủ yếu từ vùng sâu, vùng xa trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều người không biết chữ phổ thông (khoảng 500 phạm nhân).
Để phạm nhân yên tâm cải tạo, khi trở về thành người có ích cho xã hội, không đi vào vết xe đổ, hơn 10 năm qua Trại giam Yên Hạ đã tổ chức lớp xóa mù chữ, đến nay đã có gần 700 người biết đọc, biết viết.
Các phạm nhân khi biết chữ có thể đọc sách, báo và viết thư về cho gia đình, điều này tác động rất tốt tới tâm lý, tư tưởng để họ yên tâm cải tạo.
Đơn cử, như phạm nhân Hồ Bảo Vân (SN 1987), sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Đắk Nông nên không được học hành như chúng bạn cùng trang lứa.
Đến tuổi trưởng thành, Vân lang thang từ tỉnh này đến thành phố khác để kiếm sống.
Năm 2006, trong những tháng ngày lang bạt, Vân xảy ra mâu thuẫn và đánh tử vong một người trong quán nhậu ở Vũng Tàu. Cái giá mà Vân phải trả là bản án tù chung thân về tội Giết người khi mới 19 tuổi. Ngày tòa tuyên án, mẹ Vân ngã khụy gào khóc tại tòa.
Chấp hành án đến năm 2013 (sau 7 năm thụ án) Vân tham gia vào một vụ gây rối trong trại nên bị chuyển ra Trại giam Yên Hạ.
Khi được chuyển đến Trại giam Yên Hạ, Vân không biết đọc, biết viết nên đăng ký học lớp xóa mù chữ. Từ những nét bút nguệch ngoạc ban đầu, sau nhiều ngày kiên trì học tập, Vân đã biết đọc, biết viết.
"Trước chỉ biết sửa xe máy, đi đánh nhau, lần đầu cầm bút viết cũng thấy gượng tay. Nhưng được các cán bộ quản giáo động viên, tận tình uốn nắn, tôi quyết tâm học chữ để thức tỉnh lương tâm và hướng thiện", Vân nói
Tham gia lớp học xóa mù chữ, Vân biết đọc thành thạo. Những cuốn sách, tiểu thuyết ở thư viện của trại giam được Vân nâng niu khi được mượn. Phạm nhân không nhớ nổi mình đã đọc bao nhiêu cuốn tiểu thuyết vì cuối tuần nào cũng lên thư viện mượn sách đọc.
Ngoài đọc sách, Hồ Bảo Vân đã có thể viết được một bức thư đầu tiên dài bốn trang gửi về cho người mẹ già ở quê nhà.
Đây là điều mà mấy chục năm qua Vân chưa bao giờ dám nghĩ tới. Khi nhận thư của con trai, mẹ Vân vô cùng xúc động và viết thư hồi âm. Trong lá thư hồi âm, mẹ khen thư của Vân nét chữ đẹp, dễ đọc, viết có tình, chất văn.
"Giờ cũng gần 40 tuổi rồi, tôi biết ngày về còn xa lắm nhưng tôi vẫn cố gắng cải tạo tốt, mong ước được tiếp tục xuống án, tha tù trước thời hạn để trở về nhà phụng dưỡng mẹ già những năm tháng cuối cuộc đời", Hồ Bảo Vân chia sẻ.
Nam phạm nhân cho hay nếu được học chữ, tu chí từ nhỏ, có thể đã không đi vào con đường lao lý để bây giờ phải ăn năn, hối hận. Đến nay, Hồ Bảo Vân đã đón Tết 17 năm trong buồng giam.
Những ngày Tết, nhắc đến mẹ phạm nhân xúc động nghẹn giọng. Trong thâm tâm của Vân dù có mắc bao lỗi lầm vẫn hướng về người mẹ già ở quê nhà.
Trung tá Nguyễn Chí An - Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Yên Hạ cho biết, việc mở các lớp học xóa mù chữ đã cải thiện rất nhiều trong việc giáo dục phạm nhân, ví dụ như phạm nhân Hồ Bảo Vân chịu án chung thân. Khi được đưa tới Trại giam Yên Hạ, phạm nhân Vân không biết chữ, tỏ thái độ bất hợp tác.
Sau đó, các cán bộ trại giam chuyển phạm nhân tới học tại lớp xóa mù chữ. Khi học được chữ, biết viết thư về cho mẹ, Hồ Bảo Vân đã có những chuyển biến rất tích cực. Hiện phạm nhân đã được giảm án 2 lần từ chung thân xuống còn 30 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.