Hãng Disney rất nổi tiếng với các bộ phim hoạt hình dựa trên cốt truyện cổ tích hay thần thoại. Nhưng đó là những gì chúng ta thấy trên màn ảnh, sau khi các nhà làm phim phù phép để thay đổi một số chi tiết khủng khiếp có trong nguyên tác.
Nàng tiên cá tự kết liễu cuộc đời
Trong đoạn kết của Nàng tiên cá, bộ phim từng góp phần giúp Disney hồi sinh, nàng tiên cá Ariel lấy lại được giọng nói của mình, mụ phù thủy biển Ursula bị giết chết còn Hải vương Triton biến con gái thành người thường, để cô có thể sống hạnh phúc mãi mãi bên hoàng tử - một người phàm.
Tuy nhiên, câu chuyện gốc của tác giả Hans Christian Andersen, ra mắt hồi năm 1837, lại không đẹp đẽ như vậy. Thay vì sử dụng ma thuật để lấy đi giọng nói của nàng tiên cá như trên phim, mụ phù thủy đã cắt lưỡi của cô.
Đôi chân mới khiến cô cảm thấy như ngàn mũi dao đâm mỗi khi bước đi và cay đắng hơn, hoàng tử đã đem lòng yêu một người con gái khác. Nếu nàng tiên cá giết chết hoàng tử, cô sẽ lấy lại được chiếc đuôi cá của mình. Nhưng cuối cùng, cô đã để chàng kết hôn với người khác, còn bản thân thì gieo mình xuống đại dương xanh, tan thành bọt biển - về bản chất chính là tự tử.
Esmeralda bị tra tấn và treo cổ
Khi chuyển thể cuốn tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo (viết năm 1831) thành phim, dù vẫn có những khoảnh khắc đen tối nhưng các nhà làm phim Disney đã cho ra đời một tác phẩm chấp nhận được với thiếu nhi.
Tại đó, nhân vật thằng gù Quasimodo rời bỏ nhà thờ, trở thành người hùng của nhân dân và nhân vật Esmerald rời đi cùng Thuyền trưởng Phoebus, với sự chúc phúc của Quasimodo.
Tuy nhiên, tác giả Victor Hugo không phải là người tình cảm đến vậy. Trong truyện gốc, Esmeralda bị đổ oan tội âm mưu giết người, bị tra tấn và treo cổ, còn nhân vật phản diện Frollo đứng cười hả hê.
Sau đó, Frollo đã bị Quasimodo trả thù bằng cách đẩy từ tầng cao của Nhà thờ Đức Bà xuống đất và chết. Cuối cùng Quasimodo, với tình yêu lớn lao dành cho Esmeralda, đã ngồi gục bên mộ nàng và ở đó cho đến chết.
Hoa Mộc Lan tự tử
Cốt truyện phim xoay quanh một cô gái cải trang thành nam nhi để đi lính thay người cha già vẫn được giữ nguyên so với phiên bản gốc nằm trong một bài thơ.
Tuy nhiên, trong khi bộ phim sản xuất năm 1998 của Disney có cảnh Mộc Lan tranh luận vui vẻ với chú rồng nhỏ biết nói trên đường trở về đầy vinh quang sau một cuộc chiến, phiên bản gốc ảm đạm hơn nhiều: Khi Mộc Lan trở về từ chiến trường thì người cha đã qua đời, mẹ đã tái hôn còn bản thân cô bị một viên quan địa phương ép làm vợ lẽ. Mộc Lan đã từ chối rồi tự kết liễu đời mình.
Pinocchio giết chết chú dế Jiminy
Câu chuyện kinh điển của tác giả Carlos Collodi có nội dung buồn hơn nhiều so với bộ phim mà Disney sản xuất năm 1940, với sự khác biệt cơ bản là Pinocchio đã giết chết chú dế Jiminy ngay từ đầu truyện, dù đây là hành động vô tình.
Hai nhân vật Mèo và Chó hung ác trong cuốn tiểu thuyết cũng có kết cục bi thảm hơn so với phiên bản phim hoạt hình. Trong truyện, chúng bị mù và phải sống trong cảnh cơ hàn.
Pinocchio còn bị một tay trống ném xuống biển vì hắn muốn lột da cậu để làm trống. Bộ da lừa của Pinochio sau đó bị cá rỉa hết, còn nàng tiên tốt bụng lâm bệnh ở phần kết của câu chuyện.
Peter Pan là kẻ giết người
Bộ phim này cũng có khá nhiều khác biệt so với phiên bản truyện gốc, dù vẫn giữ những nét nguyên bản của câu chuyện, kể về một cậu bé nghèo khổ, những đứa trẻ biết bay và một kẻ độc ác với bộ râu xoăn tít.
Trong tác phẩm gốc của J.M. Barrie, Peter Pan được khắc họa là kẻ bất ổn về tâm lý, lúc theo phe này, lúc ngả về phe khác trong cuộc chiến chống lại bọn hải tặc, chỉ bởi vì cậu ta thích thế.
Ngoài ra, trong truyện gốc, Barrie còn viết rằng thi thoảng Pan sẽ tinh giảm số lượng Những cậu bé đi lạc (Lost Boys), nếu chúng quá đông hoặc quá già. Như thế Barrie ám chỉ rằng Pan đã giết chết các nạn nhân, dù cô tiên Tinkerbell không chấp nhận điều này.
Hercules giết con đẻ của mình
Phiên bản điện ảnh khắc họa Hercules là một thanh niên mạnh mẽ, thường xuyên làm những việc thiện, đánh bại những kẻ xấu xa như Vua âm phủ Hades cùng tay sai. Kết thúc phim, Hercules kết duyên với một cô gái xinh đẹp, sau khi cứu nàng thoát khỏi thế giới bên kia.
Tuy nhiên, phiên bản truyện gốc lại kể rằng Hercules nổi tiếng là một kẻ lăng nhăng. Mẹ Hercules thì sinh ra chàng sau khi bị thần Zeus, vua của các vị thần, cưỡng hiếp. Ngoài ra, Hercules còn phát điên vì người mẹ kế Hera đầy ghen tuông, đã khiến chàng giết hai đứa con đẻ của mình và cuối cùng khiến chàng tự sát trên giàn thiêu.
Người đẹp ngủ trong rừng bị cưỡng hiếp
Bộ phim hoạt hình Người đẹp ngủ trong rừng (1959) có chứa một câu chuyện dễ tiếp nhận với khán giả thiếu nhi. Theo đó, nàng công chúa bị nguyền rủa rằng sẽ gặp nạn rồi rơi vào giấc ngủ say và chỉ được đánh thức bởi nụ hôn của tình yêu đích thực.
Nhưng trước khi chuyển thể thành phim, câu chuyện này đã được kể bởi nhiều tác giả khác nhau, gồm anh em nhà Grimm. Họ đã dựa trên một phiên bản khác của nhà văn Italy Giambattista Basile, với các chi tiết bi thảm hơn nhiều.
Trong truyện của Basile, có một vị vua đi ngang qua phòng ngủ của công chúa và cưỡng hiếp cô, khiến cô mang thai rồi sinh con khi vẫn chìm trong giấc ngủ. Cuối cùng, cô tỉnh dậy và phát hiện bản thân trở thành mẹ, nhưng vẫn chấp nhận sinh sống với kẻ đã cưỡng hiếp mình.
Phạm Vân Anh (Báo Thể Thao Văn Hoá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.