Sự thật kinh hoàng về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Minh Anh Thứ hai, ngày 16/01/2017 06:30 AM (GMT+7)
Triều Tiên tuyên bố rằng, nước này đang ở trong giai đoạn cuối cùng của việc phát triển ra loại vũ khí hạt nhân vươn tới Mỹ. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, điều này “là không thể xảy ra”, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự thật đáng sợ là Triều Tiên đang sở hữu năng lực hạt nhân nguy hiểm hơn những gì mọi ngươi tưởng tượng.
Bình luận 0

“Rất khó để đánh giá được về khả năng hạt nhân của Triều Tiên nhất là khi chúng ta có quá ít thông tin về các cơ sở hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, rõ ràng rằng, Triều Tiên đang đạt được tiến bộ ở cả việc phát triển đầu đạn lẫn tên lửa”, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Liên hiệp kiểm soát vũ khí, ông Kelsey Davenport nhận định với Business Insider.

img

Triều Tiên đang mạnh lên từng ngày

Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn sơ khai nhưng với việc lãnh đạo Triều Tiên từng ra lệnh xây dựng 100 hệ thống phóng tên lửa cùng với đó là vài chục đầu đạn được sản xuất thêm hàng năm, chẳng mấy chốc mà con số này sẽ trở thành đáng báo động. Để so sánh, Mỹ - một cường quốc hạt nhân, hiện đang sở hữu 1.796 tên lửa hạt nhân sẵn sàng triển khai, 4.500 tên lửa được dự trữ, cùng 2.800 tên lửa đã được loại khỏi biên chế và đang ở trong giai đoạn chờ để tháo rời.

Có thể nói Triều Tiên chưa sở hữu được khả năng phóng tên lửa vươn tới lãnh thổ Mỹ nhưng nước này chắc chắn có thể tấn công vào các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực.

Như vậy, mặc dù là một quốc gia nhỏ, nghèo và hứng chịu nhiều sự trừng phạt từ quốc tế, Triều Tiên vẫn đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất với an ninh của Mỹ và đồng minh ở thời điểm hiện nay.

Mỹ có ngăn chặn được Triều Tiên hay không?

Điều này rất phức tạp và khó đoán. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có 3 lớp tên lửa đánh chặn để chống lại Triều Tiên với tầm bắn và những ưu, nhược điểm khác nhau.

Tầng đầu tiên là hệ thống tên lửa Aegis được trang bị trên các tàu khu trục, dùng để ngăn chặn các tên lửa ngay từ ngoài bầu khí quyển của Trái Đất. Tiếp đến là tầng đánh chặn của hê thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với khả năng phá hủy tên lửa khi nó vừa quay trở lại bầu khí quyển. Cuối cùng là hệ thống phòng không Patriot với tầm cao đánh chặn khoảng 25km tính từ mặt đất.

img

Toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên nằm trong tầm quan sát của radar Mỹ nhưng điều này không thể khẳng định Mỹ sẽ phát hiện ra mọi động thái của tên lửa Triều Tiên

Hệ thống radar của Mỹ bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Triều Tiên, tức là về lí thuyết nó có thể phát hiện mọi vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, radar và các tên lửa đánh chặn không phải lúc nào cũng chắc chắn thành công.

“Bạn phải biết được khi nào tên lửa phóng, nó đang hướng về đâu, sau đó truyền thông tin về cho hệ thống máy tính để đánh giá và đưa ra biện pháp phản ứng. Trong tất cả các bước, không bước nào có thể tránh được việc bị bóp méo thông tin. Radar có thể bị chọc mù hoặc làm cho sai lệch, dù chỉ là sự ngừng hoạt động trong một vài giây, đó cũng là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng”, ông Jeffrey Lewis, nhà sáng lập blog Arms Control Wonk, cho hay.

Ngoài ra, cũng cần ghi nhớ rằng, radar của Mỹ bao phủ lãnh thổ Triều Tiên nhưng điều này sẽ thành vô hiệu nếu Triều Tiên phóng tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm ở một địa điểm bí mật nằm ngoài tầm quan sát của tất cả các radar. Hay nước này cũng có thể phóng cùng lúc nhiều tên lửa hoặc mồi nhử để làm bối rối các hệ thống phòng không.

Vì sao Mỹ không phá hủy khả năng hạt nhân của Triều Tiên?

Mối đe dọa từ Triều Tiên lớn lên từng ngày nhưng theo ông Davenport, Mỹ không thể chủ động tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của nước này do điều này sẽ khiến Bình Nhưỡng tấn công đáp trả vào Hàn Quốc và Nhật Bản.

Phi công Mỹ từng tập luyện xâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên bằng các chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 để tiêu diệt các hệ thống phòng không cũng như các cơ sở hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, vấn để là bản thân Mỹ cũng không thể biết rõ địa điểm chính xác của các cơ sở hạt nhân và kho dự trữ các đầu đạn, trong khi địa điểm phóng dường như được dải rác khắp nơi.

img

F-35 chưa chắc đã phá hủy được các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên

Chiến thuật dùng máy bay chiến đấu để phá hủy các hệ thống phòng không của Mỹ đã từng phải nhận thất bại cay đăng trong chiến tranh vùng Vịnh 1991 tại Iraq. Điều tích cực duy nhất của chiến thuật này ở thời điểm hiện tại đó là các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ có khả năng tàng hình trong khi tên lửa phòng không Triều Tiên lại quá lỗi thời.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lewis, địa hình tại Triều Tiên lại là một lợi thế cho quân đội nước này. Ở chiến tranh vùng Vịnh, địa hình Iraq khá bằng phẳng và chủ yếu là sa mạc nên không quân Mỹ dễ dàng phát hiện ra tên lửa phòng không của đối phương, nhưng Triều Tiên lại có địa hình chủ yếu là núi cao và rừng rậm, điều tạo điều kiện cho sự lẩn trốn của các khẩu đội tên lửa phòng không.

Một chiến thuật mới được Hàn Quốc tiết lộ đó là sự thành lập của “lữ đoàn đao phủ”, bao gồm lính đặc nhiệm có nhiệm vụ ám sát giới chức lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên, thậm chí là ông Kim Jong-Un. Đây là kịch bản tốt nhất có thể tưởng tượng ra do nó không tốn kém và không làm hại đến mạng sống của nhiều người dân thường, tuy nhiên, tỉ lệ thành công của biện pháp này là điều rất khó đoán.

Như vậy, có thể thấy một sự thật đáng sợ rằng, khả năng hạt nhân của Triều Tiên đang mạnh lên từng ngày nhưng Mỹ và các đồng minh chưa có một kế hoạch hoàn hảo nào để ngăn được tổn thất nặng nề nếu có chiến tranh nổ ra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem