Đài tiếng nói Pháp (RFI) dẫn lại bài phân tích của chuyên gia Fabien Herbert, chuyên về Nga và châu Á cho rằng: Không có cường quốc châu Á nào là đồng minh thực sự của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều thù địch Trung Quốc. Tương tự, ở phương Tây, Nga cũng không có đồng minh. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã tính tới việc liên minh với phương Tây, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine 2014 đã khiến điều này là không thể. Mặc dù hiện Nga - Trung chưa phải là đồng minh, nhưng quan hệ hai nước sẽ được củng cố.
Theo chuyên gia Fabien Herbert, điều kiện đầu tiên khiến Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau đương nhiên là sự đối kháng chung của cả hai nước trước Mỹ. Cường quốc số một thế giới gây khó khăn cho Nga ở châu Âu và Syria, còn Trung Quốc gặp vấn đề với Mỹ ở châu Á. Washington còn bị cả hai đối thủ Bắc Kinh và Moscow coi là hiện diện quá nhiều ở lục địa Á - Âu. Quan hệ đối tác Nga - Trung giai đoạn 1 (2011-2014) được tạo ra nhằm đối phó với sự hiện diện khắp nơi của Mỹ.
Nền kinh tế của Nga chỉ đứng thứ 12 thế giới, vì thế Nga cần tìm một đối tác mới tầm cỡ và có nền kinh tế vững chắc. Đương nhiên là tổng thống Nga Putin hướng về nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia đã vươn lên đứng đầu thế giới về thương mại từ năm 2014. Trung Quốc dần dần được Moscow coi như đối tác phù hợp nhất để đương đầu với các thách thức trong thế kỷ XXI.
Mặc dù Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự nổi trội nhất ở châu Á, nhưng Bắc Kinh luôn bị Washington phản đối mạnh mẽ. Mặc dù tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á vẫn rất mạnh, với 40.000 lính đóng ở Nhật Bản, 28.000 lính tại Hàn Quốc, 2 tàu sân bay và 70 chiến hạm đóng tại Guam.
Liên minh Nga - Trung có thể sẽ không làm đảo lộn cân bằng địa chính trị ở châu Á, dù là Đông Nam Á hay Đông Bắc Á. Tuy nhiên, quan hệ Bắc Kinh - Moscow có thể sẽ tạo thành sức ép ở các khu vực còn lại trên thế giới.
Ở Trung Đông, Trung Quốc ủng hộ chính sách của Nga tại Syria, cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran. Ở Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc thống nhất với nhau để phủ quyết các dự thảo nghị quyết của phương Tây. Ở Trung Á, sự hợp tác của Bắc Kinh và Moscow đã làm suy yếu vị thế của Mỹ. Dưới sức ép Nga - Trung và dưới sức ép của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chính phủ Kirghizistan đã đóng cửa căn cứ không quân của Mỹ ở Manas. Và cuối cùng, ở châu Âu và châu Phi, đầu tư của Trung Quốc và xuất khẩu khí đốt của Nga hợp thành 'cặp đôi' ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.