Sự thật về "Âm-Dương" trong Võ cổ truyền Trung Quốc

Thứ năm, ngày 10/12/2020 10:32 AM (GMT+7)
Về phạm trù “Âm – Dương”, trong sách Từ Hải có ghi: “Một cặp phạm trù của triết học Trung Quốc, ý nghĩa đầu tiên của âm dương là chỉ hướng và lưng của ánh sáng mặt trời, hướng về mặt trời là dương, lưng về mặt trời là âm”.
Bình luận 0

Học giả đời xưa cho rằng: "Loài người và vạn vật trong vũ trụ xuất phát từ âm dương tác động lẫn nhau mà sinh ra".

Chu Dịch có viết: Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi là âm và dương, đại biểu cho 2 loại thế lực vật chất hàm chứa ý đối lập lẫn nhau.

Các nhà hiền triết đời xưa ở nước ta quan sát sự vận hành thực tiễn của vũ trụ và đời sống xã hội loài người biến hóa trong trạng thái đối nhau "vô bình bất pha, vô vãng bất phục" (không có thăng bằng thì không có thiên lệch, không có đi qua thì không có trở lại), "hữu vô tương sinh, nan dị tương thành" ("có" và "không" sinh ra nhau, "khó" và "dễ" tạo thành nhau) mà sáng tạo ra triết lý nhất âm, nhất dương vị chi đạo, lấy âm dương để khái quát chung, làm quy luật căn bản của giới tự nhiên.

Dựa vào "nguyên tắc phân loại" và "nguyên tắc quan hệ" của thế giới vạn vật mà người ta hình thành tri thức lý luận của các ngành thiên văn học, xã hội học, lý luận học, đạo dẫn dưỡng sinh học, đông y học…, cả lý luận võ thuật và triết học cổ điển kết hợp lại với nhau cũng từ đó mà hình thành.

Nói chung về truyền thống, võ thuật Trung Hoa có thể phân làm "Nội gia" và "Ngoại gia". Đại biểu của Nội gia là Thái cực quyền, Bát quái quyền, Hình ý quyền; trong chúng, không một cái nào là không tương quan với âm dương. Hãy lấy Thái cực quyền làm ví dụ:

Âm Dương trong Võ cổ truyền - Ảnh 1.

Thái cực quyền nổi lên ở cuối đời Minh (dựa trên quan điểm của Đường Hào và dựa theo phân tích sách "Quyền kinh tổng ca" của Trần Vương Đình) đến cuối thế kỷ 18 (Vương Tông Nhạc dẫn học thuyết Thái cực của Tống Nho thuật làm rõ lý của Thái cực quyền) và mãi đến thời kỳ đầu Dân quốc có Trần Hâm dựa trên cơ sở lý luận của người trước, góp trên dưới 13 sách soạn thành một sách "Trần thị thái cực quyền đồ thuyết" xây dựng nên một hệ thống lý luận Thái cực quyền phức tạp; Ông nói: "Khai hợp, hư thực tức vi quyền kinh", "Nhất khai nhất hợp, quyền kinh tận hữu", "Nhất khai nhất hợp hữu biến hữu thường, hư thực kiêm đáo, hốt hiện hốt tàng", "Nhất động nhất tĩnh thị tận quyền trung chi diệu".Chỗ gọi là khai-hợp, hư-thực, biến-thường, hiện-tàng, động-tĩnh đều là căn cứ học thuyết âm dương cuả Kinh Dịch.

Không kể là Nội gia hoặc Ngoại gia của võ Trung Quốc mà bất kể loại quyền thuật nào, kể cả Võ Ta cũng lấy việc nâng cao sức khỏe làm ý nghĩa đầu tiên, đó là yêu cầu duy trì sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Phàm người luyện võ đến nơi đến chốn đều đề cao "khí trầm đan điền", "nội luyện tinh, khí, thần; ngoại luyện thân, pháp, bộ" như thế "âm bình, dương bí, tinh thần nãi trị", "điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai".

Học thuyết âm dương không chỉ tương quan mật thiết với luyện quyền mà còn chi phối cả sự chiến đấu võ thuật. Trong chiến đấu, không kể là "phòng thủ, phản công" (cố pháp, phá pháp) hay là chủ động "tấn công" (với suất, đả, cầm, nã, điểm; có thể hiểu là quật, đánh, bắt, bẻ, chích) đều không tách rời khỏi quy luật biến hóa âm dương.

Cái cốt của "quyền" là sự vận động để tăng cường sức khỏe, cái cốt của "thuật" (trong quyền thuật) là cái vi diệu để thắng người; mà cái thuật, cái vi diệu cũng từ cái biến hóa, thay đổi, giúp nhau giữa âm và dương mà ra .

PV (Theo Võ Thuật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem