Sự thật về thông tin sữa dê gây dị ứng

Chủ nhật, ngày 06/08/2017 19:01 PM (GMT+7)
Độc giả hỏi: Tôi bị dị ứng với sữa bò, hễ uống vào là bị đau bụng tiêu chảy. Tôi nghe nói uống sữa dê không bị dị ứng. Điều này có đúng không?
Bình luận 0

Thực phẩm có protein là có thể gây dị ứng

Dị ứng thực phẩm là do hệ miễn nhiễm của cơ thể đánh bừa vào protein của một loại thực phẩm nào đó, sữa chẳng hạn, rồi tạo ra kháng thể “chuyên trị” protein đó. Kháng thể “chuyên trị” này, hễ gặp protein đó là kích thích cơ thể tạo ra histamine và vài chất khác gây ra viêm và những triệu chứng khó chịu khác như nổi mày đay, mẩn đỏ, khó thở…

img

Đừng tin vào huyền thoại sữa dê qua quảng cáo vì hễ có protein là có thể gây dị ứng.

Gọi là “đánh bừa” vì protein gây dị ứng chẳng có tội tình gì cả, không gây độc hại cho cơ thể (thường có lợi cho sức khoẻ), nhưng hệ miễn nhiễm của một người nào đó không ưa thì đánh bừa vậy thôi. Còn vì sao lại không ưa thì đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được.

Như vậy, thực phẩm nào có protein đều có thể gây dị ứng, nếu hệ miễn nhiễm không ưa protein đó.

Sữa dê cũng có thể gây dị ứng

Trong sữa bò, kể cả sữa mẹ, sữa dê, trâu, bò cừu… đều có hai nhóm protein là casein và whey. Gọi là nhóm vì có nhiều loại protein khác nhau trong mỗi nhóm. Các protein của hai nhóm casein và whey đều có thể gây dị ứng, nhưng nhóm casein “sinh chuyện” nhiều hơn. Trong nhóm casein có những loại protein thường gây dị ứng là alfa-s1, alfa-s2, beta và kappa casein, trong đó alfa-s1 bị hệ miễn nhiễm của nhiều người không ưa nhất.

Sữa bò, sữa dê đều có những loại casein trên, nhưng trong sữa bò có nhiều alfa-s1 casein hơn sữa dê, nên sữa bò dễ gây dị ứng hơn sữa dê. Nói như thế, không có nghĩa là sữa dê không hoặc ít gây dị ứng như quảng cáo. Một khảo sát cho biết, 90% trẻ em dị ứng với sữa bò vẫn bị dị ứng với sữa dê (1). Ngược lại, có những người bị dị ứng với sữa dê, sữa cừu, nhưng lại không dị ứng với sữa bò (2).

Một điều rất lạ là tụi baby không bao giờ dị ứng với sữa mẹ cả, nhưng với sữa bò, dê, cừu, ngựa… thì đều có thể. Khoảng trên 2% trẻ em dưới 12 tháng tuổi dị ứng với sữa bò, nhưng thường thì khi lớn, trẻ em sẽ hết dị ứng sữa. Chỉ khoảng 0,1 – 0,3% người lớn bị dị ứng sữa bò, trong đó 80% là nữ. Nhưng ở trẻ em, thì bé trai lại bị nhiều hơn.

Nếu dị ứng sữa, cần lưu ý nhãn sản phẩm

Hội chứng dị ứng sữa rất đa dạng, tuỳ cơ địa mỗi người, nhưng thường là nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn mửa, thở khò khè… và xảy ra ngay sau khi uống sữa.Tuy nhiên cũng có triệu chứng xảy ra chậm hơn, khoảng vài giờ sau khi uống sữa như đau quặn bụng, tiêu chảy, ho, chảy nước mũi… Trường hợp nặng hơn có thể bị sốc phản vệ, hẹp đường thở, và có nguy cơ tử vong.

Trẻ em bị dị ứng sữa, nên đi bệnh viện để được test và được hướng dẫn cụ thể về dinh dưỡng và phòng bệnh, hơn là nghe những lời quảng cáo, rỉ tai lung tung trên mạng.

Dù số người lớn bị dị ứng sữa rất ít, nhưng một khi đã bị thì lại rất nhạy với dị ứng, dù chỉ ăn rất ít (3). Do đó không chỉ kiêng sữa, mà phải kiêng cả những sản phẩm làm từ sữa, như phómát, bánh sữa… Ở nước ngoài, thực phẩm chế biến có dùng đến sữa, sữa bò, sữa dê, sữa cừu… sữa gì cũng đều phải ghi nhãn cảnh báo để người bị dị ứng sữa biết đường mà tránh.

Trở lại câu hỏi của độc giả, uống sữa bò là bị tiêu chảy. Tôi nghĩ, có thể là do bất dung nạp sữa hơn là dị ứng. Nên đi bệnh viện để test dị ứng cho chắc chắn. Bất dung nạp sữa là do trong ruột không đủ enzyme lactase để tiêu hoá đường lactose trong sữa, nên sinh đầy bụng tiêu chảy. Đường lactose trong sữa dê ít hơn trong sữa bò, nhưng sự hơn kém không đáng kể. Nếu là bất dung nạp sữa, thì uống sữa bò hay sữa dê thì cũng bị như nhau.

Sữa dê có thực sự bổ béo hơn sữa bò không sẽ được đề cập trong bài viết khác. Nhưng trước mắt, đừng tin vào huyền thoại sữa dê qua quảng cáo.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com) (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem