Sự thờ ơ, chủ quan khiến nhiều người tử vong vì bệnh Dại

Quỳnh Trang Thứ năm, ngày 19/08/2021 14:08 PM (GMT+7)
Không chỉ ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả ở thành phố, việc quản lý chó nuôi của người dân còn nhiều hạn chế, gây nguy cơ tiềm ẩn phát sinh bệnh Dại rất cao trong mùa hè. Trong khi đó, nhiều người vẫn chủ quan khi bị chó cắn...
Bình luận 0

Những cái chết đau lòng

Ngày 27/5/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Đặng Văn C (SN 1964, thôn Giàng Thàng, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai) với biểu hiện mệt mỏi, sốt, khó chịu, buồn nôn, vật vã. Sau khám, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại lâm sàng và bệnh diễn biến nặng, đưa đến kết luận ông C bị phát bệnh Dại.

Khai thác tiền sử bệnh nhân được biết, tháng 3/2021, ông C bị chó hoang cắn vào tay, vết thương rách da có chảy máu ít. Ông C đã chủ quan tự rửa vết thương, lấy lá cây đắp vào chỗ bị chó cắn và không báo cho gia đình, không khai báo y tế. Sau đó, ông C tử vong vì bệnh Dại phát tác.

Sự thờ ơ, chủ quan khiến nhiều người tử vong vì bệnh dại - Ảnh 1.

Chó mèo thả rông là mối nguy với người dân, cộng đồng. Ảnh: B.Q.N

Sự thờ ơ, chủ quan khiến nhiều người tử vong vì bệnh dại - Ảnh 2.

Cuối tháng 3/2021, một nam giới 22 tuổi, trú tại phường Đức Long, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cũng tử vong vì bệnh dại. Cuối tháng 01/2021, anh này bị chó nhà nuôi cắn một vết xây xước da ở tay nhưng không xử lý vết thương, không tiêm huyết thanh kháng Dại, không tiêm vaccine ngừa bệnh Dại. Ngày 28/3/2021, bệnh nhân có sốt, đau đầu, buồn nôn và nhập viện tại Trung tâm Y tế TP.Phan Thiết. Đến 15 giờ ngày 28/3/2021, bệnh nhân co rút tay chân, than mệt, khó thở và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tại đây, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân sốt hơn 38 độ C, đau họng, buồn nôn, kèm tê co rút tay chân, sợ gió, hoảng hốt, nuốt vướng, không ăn uống được và chẩn đoán theo dõi bệnh Dại. Đến 21 giờ cùng ngày bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Sáng ngày 30/3/2021, người nhà xin cho bệnh nhân về và anh tử vong tại nhà vào chiều cùng ngày.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.Đ.H (20 tuổi, trú thôn 6B, xã Ea Wy, huyện Ea H'leo), bị chó nhà hàng xóm cắn ở ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay phải trong tháng 2/2021. Sau 2 ngày, con chó này chết nhưng anh H không đi tiêm phòng bệnh Dại. Đến ngày 20/3, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, ăn uống kém, biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng... Ngày 22/3, bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, được bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh Dại lên cơn, nhiễm trùng không rõ tiêu điểm. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, người nhà xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Sáng 23/3, bệnh nhân nhập viện nhưng người nhà xin cho về và anh H tử vong trên đường di chuyển về Đăk Lăk.

Nhiều "lỗ hổng" chết người

Tại Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bệnh Dại trên người và trên động vật có xu hướng tăng ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - Cơ quan thường trực của chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên người, trong 3 quý đầu năm 2020 đã có gần 60 người tử vong vì bệnh Dại tại 29 tỉnh, thành phố.

Tin từ Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh Dại trên động vật (chó, mèo). Các trường hợp tử vong này được ghi nhận tại 20 tỉnh, thành phố. Cùng với đó là trên 255.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh Dại. Còn trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dại tại 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đăk Lăk, Đăk Nông.

Đáng chú ý, theo Bộ NNPTNT, nguy cơ cao dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với đó là công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc nuôi nhốt, chó mèo thả rông tiếp tục cắn người...

Cùng với đó, việc tiêm phòng Dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt dưới 30%. Phần lớn các địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại. Đặc biệt, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng bệnh dại chưa được thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem