Sự vắng mặt đáng tiếc của 2 đại cao thủ trong Hoa Sơn luận kiếm

Thứ năm, ngày 19/12/2019 12:33 PM (GMT+7)
Hoa Sơn luận kiếm là sự kiện tiêu biểu và nổi tiếng bậc nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Trong đó lần luận kiếm thứ nhất là quan trọng và nổi tiếng nhất. Tuy nhiên tại lần này lại thiếu vắng 2 cao thủ là Bang chủ Thiết Chưởng bang Cừu Thiên Nhận và nữ hiệp Lâm Triều Anh của phái Cổ Mộ.
Bình luận 0

Hoa Sơn luận kiếm là sự kiện tiêu biểu và nổi tiếng bậc nhất trong các tác phẩm võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, được nhắc đến trong các tác phẩm Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp. Hoa Sơn luận kiếm xảy ra theo định kỳ khoảng hơn 20 năm một lần. Tổng cộng trong các tác phẩm của Kim Dung có nhắc đến 3 kỳ luận kiếm. Trong đó những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt (Càn khôn ngũ tuyệt hay Võ lâm ngũ bá). Trong đó lần luận kiếm thứ nhất là quan trọng và nổi tiếng nhất. Dường như khi nhắc đến 4 chữ Hoa Sơn luận kiếm là người ta nhắc đến kỳ luận kiếm thứ nhất.

img

Núi Hoa Sơn.

Mục đích của kỳ Hoa Sơn luận kiếm là để xác định người có võ công cao nhất thiên hạ. Trong kỳ luận kiếm thứ nhất, ngoài mục đích trên, sự kiện này còn có mục đích chọn ra chủ nhân cho cuốn Cửu Âm chân kinh, một bảo vật của võ lâm. Tuy nhiên, trong cuộc luận kiếm này có hai sự vắng mặt được cho là đáng tiếc đó là Bang chủ Thiết Chưởng bang Cừu Thiên Nhận và nữ hiệp Lâm Triều Anh của phái Cổ Mộ.

img

Lâm Triều Anh người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ.

Lâm Triều Anh không phải là nhân vật được nhắc đến nhiều lần trong các truyện võ hiệp Kim Dung, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí độc giả. Bà chính là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ - môn phái mà sau này Tiểu Long Nữ và Dương Quá theo học.

Lâm Triều Anh cũng là người tình của đệ nhất cao thủ thời bấy giờ là Vương Trùng Dương. Trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, cố nhà văn Kim Dung đã mô tả chuyện tình của hai người vô cùng đẹp nhưng buồn.

Trong một lần gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thơ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

Khưu Xứ Cơ nói: “Luận về võ công, người ấy còn cao hơn cả bốn đại tông sư lúc bấy giờ còn với tổ sư Vương Trùng Dương cũng không biết ai thắng ai bại, nhưng là nữ nên không xuất đầu lộ diện, vì thế ít ai biết đến”.

Bốn đại tông sư mà Khưu Xứ Cơ muốn nói đấy chính là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.

Quả thật thời ấy đương kim thiên hạ sánh ngang được với Vương Trùng Dương chỉ có Lâm Triều Anh, nhưng chỉ vì quá yêu Vương Trùng Dương, muốn Vương Trùng Dương chú ý tới mình, mà cuộc đời của Lâm Triều Anh rơi vào đau khổ, bà đã dành cả đời để sáng tạo ra những võ công khắc chế võ công của Toàn Chân Giáo được xem là đệ nhất chính tông võ học trong thiên hạ.

img

Bang chủ Thiết Chưởng bang Cừu Thiên Nhận.

Cừu Thiên Nhận vô tình cứu được bang chủ Thiết chưởng bang Thượng Quan Kiếm Nam. Thượng Quan bang chủ nhớ ơn muốn báo đáp, dốc hết võ công của mình ra dạy cho y. Cừu Thiên Nhận đến năm hai mươi bốn tuổi thì công phu dần dần có triển vọng hơn sư phụ, năm sau Thượng Quan bang chủ qua đời, lúc lâm chung giao quyền bang chủ Thiết chưởng bang lại cho y.

Thượng Quan bang chủ giữ lòng trung nghĩa, có chí khôi phục giang sơn, Cừu Thiên Nhận lại một lòng một dạ rèn luyện võ công, võ công càng luyện càng cao, cái tên Thiết chưởng thủy thượng phiêu lừng lẫy trên giang hồ. Năm xưa luận kiếm ở Hoa sơn, bọn Vương Trùng Dương từng mời y tham dự. Cừu Thiên Nhận vì Thiết chưởng thần công chưa thành tựu hoàn toàn, tự biết không phải là địch thủ của Vương Trùng Dương nên từ chối không dự, hơn mười năm nay ẩn cư trên núi Thiết Chưởng, đóng cửa khổ luyện, có ý chờ đến dịp luận kiếm ở Hoa sơn lần thứ hai sẽ đoạt danh hiệu Thiên hạ đệ nhất võ công.

img

Vương Trùng Dương là người có võ công mạnh nhất Hoa Sơn kiếm lần thứ nhất.

Tại Hoa Sơn kiếm lần thứ nhất Thiên hạ ngũ tuyệt cũng được bầu ra gồm năm người:

Đông Tà Hoàng Dược Sư hay còn gọi là Hoàng Lão Tà: Đảo chủ đảo Đào Hoa, tính tình quái dị, thường hành sự theo ý mình, coi thường thiên hạ. Ông có 6 đệ tử tài năng ở thời điểm đó, bản thân lại nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần công, Lạc Anh thần kiếm chưởng, Ngọc Tiêu kiếm pháp, Bích Hải Triều Sinh Khúc, Lan Hoa Phất Huyệt Thủ và Toàn phong tảo diệp thoái pháp.

Tây Độc Âu Dương Phong còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật: Chủ nhân Bạch Đà sơn ở Tây Vực, độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt. Y nổi danh với tuyệt kỹ Hà mô công, Linh xà quyền và khả năng pha chế ra những loại độc dược chết người, không ai giải nổi.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng còn được gọi là Đoàn Hoàng Gia: Hoàng đế nước Đại Lý ở phương Nam. Gia tộc của ông nhiều đời luyện võ. Ông nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền Nhất dương chỉ và tuyệt kỹ Tiên Thiên Công có thể đả thông kỳ kinh bát mạch do Vương Trùng Dương chỉ dạy. Về sau khi đi tu mang pháp hiệu là Nhất Đăng Đại Sư.

Bắc Cái Hồng Thất Công còn được người đời gọi là Lão Ăn Mày: Bang chủ thứ mười tám của Cái Bang, tham ăn tham rượu nhưng hào hiệp, trượng nghĩa. Võ công của ông cũng rất cao, ông thường thi triển Giáng Long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (là người có võ công mạnh nhất, nên ông được giữ Cửu Âm chân kinh): Chưởng môn tổ sư Toàn Chân giáo, vốn là một lãnh tụ chống Kim, sau thất bại quay về núi Chung Nam lập ra môn phái. Ông có bảy đệ tử sử dụng thành thục Thiên Can Bắc Đẩu trận được giang hồ ca tụng gọi là Toàn Chân thất tử. Môn võ công đắc ý của ông là Tiên thiên công có thể giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.

Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem