Cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” (1970) của nhà văn Nhật Watanabe Junichi (1933-2014) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Châu Á viết về nghề y.
Cuốn tiểu thuyết gây ám ảnh đối với người đọc không chỉ bởi số phận bi kịch của nhân vật nam chính - bác sĩ Naoe, mà còn bởi những triết lý nhân sinh về cuộc đời và con người.
Những triết lý sâu sắc, nhiều khi thẳng tuột đến đau đớn, được đưa ra một cách thực tế, và nhiều khi trần trụi, trong một địa hạt vốn luôn là đề tài của biết bao bàn luận - nghề y và câu chuyện về y đức.
Bác sĩ Naoe là một con người tài hoa, hấp dẫn, lạnh lùng, xa cách nhưng đầy quyến rũ, anh được biết bao cô gái theo đuổi và xin được tự nguyện hiến dâng. Vây quanh Naoe là những người tình.
Naoe không một lần được tác giả Junichi đặc tả nội tâm. Anh xa cách với tất cả mọi người xung quanh, và xa lạ với chính ngay ngòi bút của tác giả. Nhà văn Junichi đã giữ khoảng cách với chính nhân vật của mình. Độc giả chỉ được hiểu về Naoe thông qua những nhìn nhận, đánh giá trái chiều của những người xung quanh anh.
Người bác sĩ ấy không được lý tưởng hóa mà rất gần gũi với thực tế đời thường. Naoe ít nói, kiệm lời, nhiều khi lạnh lùng với bệnh nhân, với đồng nghiệp, và với cả… người tình. Ngoài những lúc buộc phải nói, Naoe luôn song hành cùng sự im lặng, ngay cả lúc yêu đương.
Thoạt tiên, độc giả hình dung Naoe mà một kẻ thờ ơ, lãnh đạm, một kẻ cao ngạo, cho rằng mình đứng cao hơn tất cả. Naoe là một thầy thuốc không niềm nở, cũng chẳng lạnh lùng, không quá tận tâm, mà cũng chẳng hề tắc trách, cái gì ở anh cũng chỉ… vừa đủ.
Naoe giữ cho mình sự điềm nhiên, bình thản với mọi sự, với bệnh tình của bệnh nhân, với nỗi niềm của đồng nghiệp, với sự đau khổ của người tình. Naoe lịch sự với mọi nỗi đau, không cúi xuống quá gần để khỏi làm mình nhức nhối. Anh giữ khoảng cách cả với nỗi đau của bản thân mình... Độc giả được hiểu Naoe qua cách anh chữa trị cho các bệnh nhân và đối xử với các người tình.
Trong công việc, người ta không thể phán xét Naoe bằng những lý lẽ thông thường, cách chữa trị của Naoe cho bệnh nhân trong một số trường hợp vừa có thể coi là bất lương vừa có thể coi là đỉnh cao của lòng nhân đạo.
Anh sử dụng cái đầu lạnh để phân tích, để nghĩ ra những phương cách dù phản y học, thậm chí phản y đức, nhưng lại giúp người bệnh an lòng trong giây phút hấp hối.
Naoe cũng không phải một vị thánh khi có những suy nghĩ rất thẳng thắn về chuyện chữa bệnh cho người giàu - người nghèo, về chuyện bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân.
Trong tình yêu, Naoe chào đón tất cả những người phụ nữ tìm đến mình. Anh vội vã tận hưởng mọi khoái lạc của cuộc đời để bù cho những ngày mai sắp cạn. Naoe lạnh lùng với tất cả các người tình, anh sống buông thả bởi anh sợ sẽ yêu thật, sẽ thực sự gắn bó với một người phụ nữ trong khi bản thân mình không có khả năng gắn bó lâu dài, không thể xác định tương lai với bất cứ ai.
“Đèn không hắt bóng” một trong những tác phẩm được tìm đọc nhiều nhất đối với những người công tác trong ngành y, đó cũng là tác phẩm nên đọc đối với bất cứ độc giả yêu văn chương nào. Tác phẩm đi sâu khai thác tâm lý con người trước những vấn đề lớn lao như sự sống - cái chết, đạo đức - bất lương, yêu đương - buông thả.
“Đèn không hắt bóng” chất chứa những câu chuyện sẽ đeo đuổi tâm trí người đọc dù trang sách cuối cùng đã khép, đó là câu chuyện về cách sống, cách yêu, vừa dữ dội, vừa thổn thức, lay động tận tâm can.
Đèn không hắt bóng là một loại đèn dùng trong phẫu thuật, hội tụ ánh sáng thành tia đồng nhất, không hắt bóng vật bị chiếu. Giữa đèn không hắt bóng và bác sĩ Naoe có một sự tương đồng đặc biệt.
Ánh sáng của đèn không hắt bóng là luồng sáng đơn độc, không để lại dấu vết, thứ ánh sáng lạnh băng trong những phòng phẫu thuật, sáng không ngưng nghỉ cho tới khi vụt tắt. Naoe cũng vậy...
Sau tất cả những diễn biến trong cuộc đời Naoe, độc giả thấy còn lại một sự kiên định lạ lùng khi anh đương đầu với số phận, một sự cô độc đặc quánh, mênh mang như luồng sáng phát ra từ ngọn đèn không hắt bóng...
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp (sinh năm 1970) hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới TW chia sẻ, thế hệ anh rất nhiều người đã đọc “Đèn không hắt bóng” của tác giả Watanabe Dzunichi. Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, “Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” đã thể hiện hình ảnh 2 thế hệ bác sĩ. Một bác sĩ Kobasi trẻ đầy nhiệt huyết, vẫn giữ nguyên khát vọng với nghề y nhưng thiếu kinh nghiệm và sự từng trải. Một bác sĩ Naoe trưởng thành, nhân ái với một tình yêu cao hơn, sâu sắc hơn hướng đến con người. Naoe có thể giải quyết mọi việc một cách “uyển chuyển”, hiệu quả, lảng tránh mọi mâu thuẫn, cho dù những người ngoài ngành có thể nghĩ ông lạnh lùng, vô cảm. Naoe không quan tâm đến dư luận nghĩ gì, ông luôn hướng đến cách giải quyết tốt nhất cho mọi vấn đề.
“Đèn không hắt bóng” còn thể hiện câu chuyện bi kịch về một bác sĩ bệnh tật đã dùng cả cuộc đời mình để làm giàu thêm cho bệnh học. Nhiều độc giả có thể nghĩ Naoe là một bác sĩ sống buông thả, nhưng trên thực tế, bối cảnh của “Đèn không hắt bóng” cũng là bối cảnh của nhiều tác phẩm văn học khác của Nhật như Rừng Nauy, Sống xa… đó là khoảng thời gian nước Nhật đứng dậy sau chiến tranh, một thế hệ bị mất niềm tin, mất phương hướng, Naoe cũng ở trong hoàn cảnh như vậy.
Đèn không hắt bóng là loại đèn dùng trong phòng phẫu thuật. Ánh sáng chiếu đồng nhất, không bị che lấp, không phản chiếu lại... cũng giống như chính con người bác sĩ Naoe.
Tác phẩm văn học này còn phản ánh hình ảnh một bác sĩ lạnh lùng nhưng ẩn sâu bên trong là tình yêu thương, là sự kiêu hãnh của một trí thức lớn. Naoe làm tổn thương nhiều người trong đó có cả người phụ nữ ông ấy yêu thương nhất, nhưng thực ra, đó là bản tính, là niềm kiêu hãnh của một trí thức lớn khi sẵn sàng chấp nhận đau đớn, bệnh tật một mình, không bi lụy, không chia sẻ với ai. Nhiều bác sĩ Việt Nam cũng thế. Có thể ở sâu bên trong cũng có những nỗi muộn phiền, bi lụy, đầy tình yêu thương nhưng cách thể hiện bên ngoài vẫn khiến bệnh nhân nghĩ là lạnh lùng, xa cách…”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã đọc cuốn “Đèn không hắt bóng” từ thời sinh viên cùng với bạn bè anh” .
Vui lòng nhập nội dung bình luận.