Tài liệu rò rỉ hé lộ Mỹ tham vọng mở rộng kho hạt nhân đối phó Nga, Trung

Thứ hai, ngày 15/01/2018 18:20 PM (GMT+7)
Bản thảo đánh giá sức mạnh hạt nhân của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ có ý định mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Bình luận 0

img

Tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident của hải quân Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Bản thảo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo bị rò rỉ hồi cuối tuần trước, cho thấy quan chức Lầu Năm Góc không chỉ muốn hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang già cỗi, mà còn phát triển nhiều vũ khí mới để đối phó Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, theo SCMP.

Một trong những loại vũ khí được đề xuất là "đầu đạn hạt nhân đương lượng nhỏ" để trang bị cho tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm. Dù được xếp vào nhóm vũ khí có sức nổ nhỏ, mỗi đầu đạn này vẫn có uy lực mạnh hơn hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.

Sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ được cho là để đáp ứng "sự suy thoái của môi trường chiến lược". Lầu Năm Góc cho rằng nhiều quốc gia đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân không thuộc quyền kiểm soát của các hiệp ước hiện nay, đòi hỏi Mỹ phải phát triển khí tài tương tự để đáp trả khi cần thiết.

Khái niệm này dường như tập trung vào Nga, khi nước này từng bị Mỹ tố cáo vi phạm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) bằng cách triển khai tên lửa hành trình hạt nhân hồi năm ngoái. Washington khẳng định Moscow đang tính tới lợi thế khi tấn công phủ đầu bằng các loại vũ khí hủy diệt cỡ nhỏ.

Lầu Năm Góc cũng đề xuất phát triển tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLCM) thế hệ mới. Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từng xem xét giải pháp loại biên SLCM trong báo cáo hạt nhân năm 2010, nhưng quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng vũ khí này vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Những loại tên lửa và đầu đạn hạt nhân mới sẽ làm tăng chi phí hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ, vốn đã trong biên chế hàng chục năm. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái ước tính Washington sẽ phải chi 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để chế tạo và bảo quản vũ khí hạt nhân thế hệ mới.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 12.1 không bác bỏ tính xác thực của bản thảo NPR, nhưng từ chối bình luận về nội dung trong đó. "Hàng loạt bản thảo đã được đưa ra, nhưng NPR vẫn chưa hoàn thiện. Nó sẽ được Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt", Lầu Năm Góc ra thông cáo cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ không nên tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân mới. Jon Wolfsthal, cựu quan chức hạt nhân trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định chính quyền Trump đang đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Washington sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Tuy nhiên, họ đã đi quá giới hạn khi cho rằng Mỹ cần bổ sung những vũ khí thế hệ mới.

Quốc hội Mỹ từng bác bỏ nhiều nỗ lực bổ sung tên lửa hạt nhân cho tàu ngầm, do lo ngại phản ứng của Nga khi một mẫu đầu đạn lạ được phóng lên, ông Wolfsthal cho biết. NPR dự kiến được công bố sau khi Tổng thống Trump đọc thông điệp liên bang vào ngày 30.1. Các chính quyền tiền nhiệm cũng từng tiến hành đánh giá sức mạnh hạt nhân Mỹ, nhằm xây dựng chiến lược trong nhiều năm tiếp theo.

img

Bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ

Tử Quỳnh (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem