Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2011 số vụ tai nạn là 5.896 vụ (tăng 15% so với năm 2010), làm 6.154 người bị nạn (574 người chết), tổng thiệt hại là hơn 303 tỷ đồng.
Ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Năm 2011, số vụ tai nạn tăng hơn năm 2010 là do các doanh nghiệp tham gia báo cáo tăng. Số vụ tai nạn thực tế rất cao nhưng nhiều cơ sở không báo cáo. Nếu tất cả các doanh nghiệp báo cáo đầy đủ, thì sắp tới con số này sẽ còn tăng nữa. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tần suất tai nạn lao động có giảm. Năm 2010, tỷ lệ này là 7,5% và năm 2011 chỉ còn 5,55%, giảm được 2,5%.
Một vấn đề được Báo Nông Thôn Ngày Nay đưa ra là tình trạng mất an toàn trong khối lao động nông nghiệp, nông thôn, nhưng không thể thống kê được tai nạn lao động. Vì vậy, số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH chưa phải là bức tranh toàn cảnh về tình trạng mất an toàn lao động hiện nay.
Đề cập về vấn đề này, bà Trần Ngọc Lan – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) đưa ra con số: Mỗi năm, ngành y tế thống kê được từ 1.600 – 1.700 ca tử vong vì tai nạn lao động, trong khi đó báo cáo của Bộ LĐTBXH chỉ có 574 người tử vong (kê khai để nhận hỗ trợ BHXH). Như vậy là còn khoảng hơn 1.000 người tử vong thuộc diện không có quan hệ lao động (hợp đồng lao động, BHXH, BHYT), trong đó phần lớn là nông dân không được thống kê.
Cũng theo cách tính của ngành y tế, số người bị tai nạn lao động nặng phải điều trị dài ngày gấp 20 lần số tử vong (tương đương 34.000 người), số người bị tai nạn lao động nhẹ phải điều trị từ 1 ngày trở lên gấp khoảng 50 lần số tử vong (tương đương 95.000 người). Con số này gấp khoảng 15 lần báo cáo của Bộ LĐTBXH.
Theo bà Lan, để thống kê tai nạn lao động ở nông thôn, Bộ đã huy động các trạm y tế xã tham gia báo cáo và hiện cả nước đã có khoảng 11.000 trạm y tế thực hiện điều này.
Minh Nguyệt- Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.